Đặc sắc các lễ hội văn hóa ở tỉnh Lai Châu

(VOV5) - Hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng, dân tộc Lự ở tỉnh Lai Châu tổ chức lễ mừng cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất và cầu mong cho năm tới được mùa.

Là vùng đất có hơn 20 dân tộc sinh sống nên những Lễ hội văn hóa của đồng bào Lai Châu rất phong phú, da dạng và đặc sắc. Đến với Lai Châu, du khách không chỉ đắm mình vào không gian hùng vĩ núi rừng, được thưởng thức ẩm thực, mà còn được hòa mình vào không khí của các lễ hội.

Đặc sắc các lễ hội văn hóa ở tỉnh Lai Châu - ảnh 1 Hoa ban. Ảnh: Internet

 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nếu bạn là người muốn khám phá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, thì khó có thể bỏ qua những lễ hội độc đáo ở tỉnh Lai Châu, trong đó có Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào dịp 13 tháng 2 âm lịch. Lễ hội hoa Ban bắt nguồn từ câu chuyện của đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau và khi cô gái chết đã hóa thành những bông hoa ban nở trắng rừng. Thời điểm diễn ra lễ hội cũng chính là thời điểm hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc và tỉnh Lai Châu, báo hiệu những ngày mùa xuân. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng và người Thái khắp nơi trên vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng đều hào hứng đi trẩy hội. Chị Thanh Hương, du khách Hà Nội, chia sẻ: “Lên đây được nghe về câu chuyện của đôi trai gái mới thấy hết vẻ đẹp tinh khiết của hoa Ban. Tôi đã đi Lai Châu hai lần vào đúng dịp lễ hội… Được tham dự các hoạt động văn hóa, tham gia các trò chơi dân tộc, được múa sạp cùng đồng bào dân tộc. Tôi cũng rất thích những điệu múa, điệu hát giao duyên của đồng bào”.

Đặc sắc các lễ hội văn hóa ở tỉnh Lai Châu - ảnh 2 Lễ mừng cơm mới của người Lự Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Mùa xuân là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội nhất ở Lai Châu, trong đó phải nhắc đến Lễ hội Tú Tỉ diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm của đồng bào dân tộc Giáy, xã San Thàng, thành phố Lai Châu. Lễ hội Tú Tỉ xuất phát từ nghi lễ tâm linh của dân tộc Giáy, cầu chúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Trước đây, chỉ có thầy mo và một số hộ dân tiêu biểu trong xã mới được tham gia lễ cúng Tú Tỉ. Ngày nay, nghi lễ đã được gắn thêm phần hội, với các trò chơi dân gian truyền thống, gắn liền với các hoạt động đời sống và sản xuất, cũng như các nghề truyền thống của dân tộc. Chị Lò Thị Léo, bản Sang Thàng 1, xã San Thàng, cho biết: “Người Giáy của chúng tôi một năm có một ngày là lễ hội Tú Tỉ, có lý cúng cây trên bản. Chúng tôi được múa vào ngày lễ hội, cảm thấy rất vui; bản thân tôi cũng vui và phấn khởi lắm. Bà con ngày nào cũng mong chờ đến ngày tổ chức lễ hội, cũng chuẩn bị giày dép, tràng phục dân tộc của người Giáy để đi lễ hội”.

Lễ hội Tú Tỉ kết thúc bằng bữa cơm tập thể tại chỗ, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, với mong muốn cùng nhau phấn đấu vươn lên phát triển. Ông Đào Mạnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng, cho biết: “Lễ hội Tú Tỉ là bà con cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, cho sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Bà con cầu mưa thì mưa đã đến, chứng tỏ điều cầu tâm linh của ba con bản địa đã được thần linh chứng giám. Ngoài phần lễ ra thì năm nay các chương trình văn nghệ và các môn thể thao được tổ chức đi sâu vào nét văn hóa truyền thống dân tộc Giáy, như là ném còn, đẩy gậy, chơi tó má lẹ hay là giã bánh dầy,  cắt phở, những ngành nghề thường xuyên hoạt động trong đời sống sinh hoạt của bà con”.

Hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng, dân tộc Lự ở tỉnh Lai Châu lại tổ chức lễ mừng cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất và cầu mong cho năm tới được mùa. Đây là nghi lễ nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn có giá trị văn hóa của đồng bào Lự, thu hút dự tham gia của du khách trong nước và nước ngoài. Bà Tao Thị Đa, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bà cho biết: “Lễ cúng cơm mới của người Lự có từ lâu đời. Sau khi thu lúa mới về nhà thì làm lễ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ để tỏ lòng thành với những người đã khuất đồng thời cầu mong sức khỏe, an lành và mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong những năm tới”.

Lễ mừng cơm mới được người Lự làm trong nhà, ngay gian thờ linh thiêng, đây được coi là nơi ở của linh hồn tổ tiên. Ông chủ bê mâm lễ đặt lên gian thờ và khấn vái tổ tiên. Lễ cúng xong, gia chủ mời anh em họ hàng, dân bản chung vui bữa cơm thân mật. Một trong những việc cũng không thể thiếu trong Lễ Mừng Cơm Mới của người Lự là kiêng nhà. Sau khi ăn uống ông chủ gia đình đan tấm phên hình mắt cáo gọi là “Ta leo”, dùng lá xanh cài và cắm trước cửa nhà. Trong 3 ngày, gia đình không mua bán, vay mượn hay cho ai bất cứ một vật gì trong nhà và không ra khỏi nhà cũng như không người khách nào được bước vào nhà. Ông Tao Văn Pầu, năm nay ngoài 70 tuổi, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường cho biết: “Trong tất cả các lễ cúng của người Lự đều cắm “ta leo”, trong đó có lễ mừng cơm mới. Cắm “ta leo” với mong muốn trừ tà, ngăn cản những điều dữ đến với gia đình, để ông bà, cha mẹ mạnh khỏe sống lâu trăm tuổi, trẻ nhỏ hay ăn chóng lớn và may mắn đến với mọi người”.

Ngày nay đời sống vật chất, tinh thần có nhiều đổi thay, song người Lự ở Lai Châu vẫn gìn giữ, lưu truyền Lễ mừng cơm mới. Tập tục này mang tính cộng đồng cao vì các gia đình trong bản đều tổ chức và có sự tham gia của dân bản. Đây cũng là dịp để bà con gặp gỡ, mừng thành quả lao động và tăng cường tình đoàn kết trong bản làng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác