Đầu Doi, làng gốm cổ truyền huyện Hòn Đất

(VOV5) -  Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, làng nghề truyền thống Đầu Doi góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, nơi tạo ra những sản phẩm bằng đất nung.


Người Khmer ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, có kĩ thuật làm gốm từ rất lâu đời. Đất sét của xứ Hòn Đất có độ mịm và dẻo rất cao nên khi nắn, nung, sản phẩm ít bị hỏng và có độ bền. Bởi vậy sản phẩm gốm ở đây được người tiêu dùng ưa chuộng. Về thăm Hòn Đất, du khách còn có dịp thăm khu di tích lịch sử Ba Hòn với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác khắp vùng biển Kiên Lươn và làng nghề Đầu Doi. Đến Đầu Doi, du khách cũng được tìm hiểu và biết thêm về một sản phẩm gốm được sử dụng nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Đầu Doi, làng gốm cổ truyền huyện Hòn Đất  - ảnh 1
Sản phẩm của làng Đầu Doi được bán tại chợ Hòn Đất. Ảnh: TTXVN



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, làng nghề truyền thống Đầu Doi góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống mang dấu ấn văn hóa vùng, nơi tạo ra những sản phẩm bằng đất nung. Theo anh Trần Văn Tuế, những năm 1980 của thế kỉ trước là giai đoạn sung túc nhất của làng gốm Đầu Doi. Vào thời điểm đó, các mặt hàng gốm gia dụng được khách hàng ưa thích nên hầu như cả làng sống bằng nghề gốm. Nhà nào cũng có từ hai đến ba lò gốm. Từ năm 2006, nhà anh Trần Văn Tuế đầu tư máy xay đất hơn 20 triệu để đỡ chi phí đi mướn thuê làm đất. Ngày chưa có máy thì phải dùng chân đạp đất mất 2 đến 3 ngày nhưng giờ có máy thì chỉ mất 2 tiếng đồng hồ thì xay xong một ghe đất. Anh Trần Văn Tuế cho biết: “Người tiêu dùng không kén cứ mua về dùng thôi. Từ trước đến nay làm, từ đời cha rồi đến đời cháu. Như nhà tôi thì đến nay là đã 3 đời làm nghề này rồi. 6 tỉnh miền Tây đều dùng lò gốm này cho nên thu nhập cũng đủ ăn. Mỗi lò đất bán 5,5 ngàn, bỏ công làm lời. Nửa tháng làm gom được khoảng 1000 cái lò thì mới xuất hàng đi một lần”.

Điều đặc biệt ở Đầu Roi, người phụ nữ tham gia nhiều vào công đoạn làm gốm, còn đàn ông chịu trách nhiệm làm những việc nặng nhọc như đi lấy đất hoặc nhồi đất, hay phơi gốm và sắp xếp, thu dọn các đồ gốm đã làm xong vào một nơi. Với tính cách cần cù, chịu khó, công việc làm gốm của phụ nữ ở đây được thực hiện quanh năm, ít khi nghỉ. Ngày nay ở Đầu Doi những người phụ nữ ở đây vẫn thích dùng kĩ thuật thủ công để tạo ra các sản phẩm gốm. Chị Ngô Thị Nở cho biết, chị  học nghề từ mẹ, mẹ chị học nghề từ bà ngoại. Bản thân chị có thời gian gần hai chục năm làm gốm bằng tay: “Làm hoài suốt năm, mưa làm ít còn nắng thì làm nhiều. Một ngày mướn một người 150k làm ra được 50 cái lò. Một ngày làm 50 cái, thì nhà mình lãi được khoảng 100 ngàn. Việc này chỉ nữ làm là chính lấy thêm thu nhập để phụ giúp gia đình chứ không phải là nguồn thu nhập chính”.

Đầu Doi bây giờ có mặt hàng chủ yếu là loại bếp lò. Khu vực này làm gốm với quy mô lớn, có hồ ngâm đất sét, máy cán đất, dây cắt đất, lòng nung bằng trấu và cả sân phơi có mái che. Để làm một bếp lò, ngoài công đoạn làm đáy bếp, tạo dáng bếp, phơi khô đồ gốm là công đoạn tiến hành nung trong lò. Lò nung được làm đơn giản chỉ là những căn nhà có mái che. Người thợ ngăn ô bằng gạch ống theo hình chữ nhật với diện tích cần thiết và tiến hành xếp bếp lò thành hàng. Nguyên liệu nung chủ yếu là trấu và một ít rơm hoặc cỏ tranh phủ bên ngoài làm mồi cháy trước, lớp trấu từ từ cháy sau. Thời gian cho một lần nung mất 3-4 ngày. Chị Trần Thị Sàng người bán trấu cho biết: “Ngày xưa đốt bằng củi với rơm. 20 năm trở lại đây thì đốt bằng trấu. trấu đi lại nhà máy mua. Nếu có trấu, thì mỗi nhà lò tiêu thụ 500-600 bao/ngày. Còn không góm được trấu thì nhà lò cũng ngừng đốt liền. Đốt bằng củi không tốt bằng trấu. đốt bằng củi thì đốt ngoài trời tầm 2-3 tiếng còn bằng trấu thì ủ lâu lắm tầm mất 3-4 ngày. Sản phẩm chất lượng hơn”. 

Những năm gần đây, do sự cạnh tranh của nhiều mặt hàng điện tử công nghệ hiện đại gia tăng nên phần nào ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm của làng nghề Đầu Doi.  Số hộ tham gia sản xuất gốm trong làng cũng giảm sụt. Việc bán hàng lúc mưa, lúc nắng. Tuy nhiên, những hộ kiên trì yêu nghề, theo nghề và giữ nghề thì vẫn có niềm tin vào sức sống của làng nghề. Chị Ngô Thị Nở tâm sự: “Mình bán ở Minh Hải, chở đi bán xa lắm. Chỗ nào mua thì đều chở đến bán. Nhiều khi ế thì bán chậm chậm lại, thời điểm gần tết, mưa xuống thì bán chạy hơn. Dùng bếp này đun củi hay vỏ dừa. Ở đây nhà ai cũng làm. Ở đây làm lò củi”.

Sản xuất gốm ở làng Đầu Doi không chỉ thuần túy là sản xuất mặt hàng có mang lại thu nhập có giá trị kinh tế cho người dân ở đây. Cũng với những điểm sản xuất đồ gốm khác trên cùng địa bàn huyện Hòn Đất là làng Hòn Quéo, làng Tri Tôn thì làng gốm Đầu Doi trên cùng một trục kinh tế, văn hóa của người Khmer ở đây đã cho thấy sự tồn tại và sự cần thiết của đồ gốm trong sinh hoạt ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời phản ánh sự bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của người Khmer cho muôn đời sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác