Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam

(VOV5) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 500 năm thất truyền, làng nghề gốm cổ Chu Đậu ở tỉnh Hải Dương đã được phục hồi và phát triển. Làng gốm Chu Đậu nay đã trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề hấp dẫn du khách đến tham quan, mua sắm.

 

 Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam - ảnh 1


Nghe âm thanh tại đây:



Chu Đậu có nghĩa là Bến thuyền đỗ. Vào thế kỷ XV, Chu Đậu là một xã thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, có thể về Thăng Long, ra biển thuận lợi cho giao thương, buôn bán. Phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý – Trần – Lê – Mạc, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, sau đó do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm cổ Chu Đậu bị thất truyền. Chuyện hồi sinh của làng gốm cổ Chu Đậu bắt nguồn từ một lá thư của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Makoto Anabuki gửi ông Ngô Duy Đông, Bí thư tỉnh uỷ Hải Hưng (giờ là tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên) năm 1980. Bức thư viết: Trong một chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông có dịp vào thăm bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istanbul và đã thích thú chiêm ngưỡng bình gốm hoa lam cổ cao 54cm của Việt Nam. Trên bình có ghi 13 chữ Hán "Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút". Nghĩa là năm Thái Hoà thứ 8 (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, cho biết: Lá thư đó trở thành động lực để tìm ra gốm Chu Đậu. Năm 1983, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ ở Chu Đậu, Nam Sách, được bắt đầu bằng các cuộc khai quật trên địa bàn. Đến năm  2003, các nhà khoa học Việt Nam trục vớt được khoảng 40 vạn hiện vật gốm Chu Đậu trong một con tàu đắm tại Cù lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, khiến thế giới chú ý hơn đến những giá trị văn hóa đặc sắc của dòng gốm này. Đến nay, các học giả nghiên cứu về đồ gốm mỹ nghệ đều thừa nhận rằng gốm Chu Đậu là dòng gốm đẹp trên thế giới vào thế kỷ XIV- XVII. Đến năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) bắt đầu nghiên cứu, phục hội là chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, từ đó hồi sinh làng nghề gốm cổ Chu Đậu.  Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết:Qua các nghiên cứu khoa học, đã tìm được ra men của gốm Chu Đậu. Ngày xưa ông cha làm men không dùng hóa chất mà dùng những nguyên liệu thiên nhiên. Giờ đây, chúng tôi lấy vỏ tro trấu thóc nếp làm men, hay còn gọi là men tro, nên rất ổn định. Mực vẽ là son lấy từ các dòng chảy từ trên núi, trên đồi tạo ra chất son và dùng làm mực để vẽ. Chính vì vậy gốm Chu Đậu không dùng hóa chất nào để tạo nên sản phẩm và giữ được chất men cổ từ xa xưa để lại”.

 

 Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam - ảnh 2


Gốm Chu Đậu, được coi là gốm Đạo vì hoa văn tinh xảo trên sản phẩm đều mang đậm những giá trị nhân văn của Phật giáo và Nho giáo. Đặc biệt các sản phẩm đều toát lên vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, biểu trưng của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Nét đặc trưng của Gốm Chu Đậu thể hiện ở kiểu dáng, màu sắc, văn hóa và các họa tiết tinh xảo. Những hoa văn trang trí trên Gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được bản sắc văn hóa của con người Việt Nam. Ông Nguyễn Huy Kiên, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, cho biết: “Gốm Chu Đậu ngày này được sản xuất giữa công nghệ hiện đại và cổ truyền. Các hoa văn họa tiết trên sản phẩm vẫn là các họa tiết từ xưa, chúng tôi thêm một số họa tiết hiện đại theo nhu cầu khách hàng. Đặc biệt nhất của gốm Chu Đậu đó là men, men gốm được làm từ vỏ trấu, vỏ của hạt thóc, sau đó đốt thành tro để làm men. Từ xa xưa ông cha đã làm men cho gốm Chu Đậu như vậy và đến giớ chúng tôi vẫn giữ nguyên được tinh hoa này. Các sản phẩm Chu Đậu được vẽ dưới men, tức là vẽ hoa văn xong mới tráng men và nung. Các nguyên liệu làm ra sản phẩm đều được tinh chế, sạch cho người tiêu dùng”.

 

 Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam - ảnh 3


Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay chỉ làm thủ công với đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những người thợ, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn. Chính những điều này khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với các loại gốm khác. Nghệ nhân Trần Thị Ngàn, một trong những người đầu tiên được đào tạo khi làng nghề gốm Chu Đậu được phục hồi, chia sẻ: “Mỗi làng nghề có một nét độc đáo riêng nhưng làng nghề của chúng tôi lại đi sâu vào những hoa văn gắn liền với nông nghiệp, đời sống thường nhật của ông cha ngày xưa. Học nghề, đặc biệt là nghề vẽ không dễ như những nghề khác. Để trở thành một người thợ thuần thục phải mất cả năm trời và phải có tâm huyết với nghề”.

 

Cùng với việc khôi phục nghề gốm cổ, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu cùng các doanh nghiệp, người dân bắt đầu chú trọng phát triển du lịch làng nghề. Từ xây dựng nhiều gian trưng bày rộng hàng ngàn m2 để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ đến xây dựng Không gian vườn gốm thư pháp, Nhà thờ tổ gốm... Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, cho biết: “Định hướng phát triển xuyên suốt là dòng gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp của Việt Nam và thế giới, chính vì vậy các sản phẩm là sản phẩm sạch, không độc hại và có mỹ nghệ cao cấp. Chúng tôi sẽ tạo nên mọt vùng nghề, làng nghề để cho khách tham quan trong nước và quốc tế đến thăm quan, phát triển du lịch. Hiện nay ngoài sản xuất, chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến cảnh quan, môi trường phụ vụ cho du lịch”.

 

Hiện đã có 46 bảo tàng của 32 nước trên thế giới và trong khu vực đang trưng bày hiện vật gốm cổ Chu Đậu. Sản phẩm của làng gốm Chu Đậu đã đến tay người tiêu dùng của hơn 20 quốc gia. Gốm Chu Đậu đã thực sự trở thành niềm tự hào của nghệ thuật gốm Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác