Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng - Bàn tay vàng nghề khảm tam khí

(VOV5) - Khảm tam khí là nghệ thuật phối, kết hợp các loại kim loại quý như vàng, bạc trên đồ đồng. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Khi nói tới nghề khảm tam khí không thể không nhắc đến Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng. Ông là một trong bốn vị nghệ nhân có công phục dựng lại nghề này và được giới trong nghề tôn vinh là “Đệ nhất khảm tam khí” đất Hà Thành.

Khảm tam khí là nghệ thuật phối, kết hợp các loại kim loại quý như vàng, bạc trên đồ đồng. Mỗi sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu theo quy trình vẽ mẫu trên sản phẩm đồng đúc, đục sâu các mẫu đó, tiếp theo là ghép vàng, bạc, kim loại quý khác vào mẫu. Khảm tam khí mất nhiều thời gian, tâm lực, có khi hàng tháng, thậm chí vài năm mới xong một tác phẩm.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng - Bàn tay vàng nghề khảm tam khí - ảnh 1 Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng sinh năm 1938, trong dòng họ Nguyễn Ngọc, gốc ở làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nơi có nghề khảm tam khí truyền thống đã hơn 1000 năm. Dòng họ Nguyễn Ngọc từng được Triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) ở kinh thành Huế xưa đặt làm các sản phẩm tinh xảo trong cung đình.

Nguyễn Ngọc Trọng từ nhỏ đã theo gia đình ra Thủ đô Hà Nội lập nghiệp ở phố Hàng Đồng. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng nhớ lại: “Tôi theo gia đình ra đất Hà Thành từ làm nghề từ những năm 1950. Khi hòa bình lập lại tôi vào làm ở xưởng mẫu Công ty Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ Artexport của Bộ Ngoại thương, nơi chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Cũng từ đó tôi được tiếp xúc khá nhiều với giới mỹ thuật, họa sĩ. Tôi ở trong hội nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội, cũng hay được đi giao lưu với cá nghệ nhân nước ngoài như Thái Lan, Myamar, Pháp… nên học hỏi được nhiều.”

Các sản phẩm, mẫu mã của Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng luôn có mặt trong các kỳ hội chợ, triển lãm ngành thủ công, mỹ nghệ ở trong nước và quốc tế. Đồ khảm tam khí của ông được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi vẻ đẹp sang trọng, với những đường chạm trổ trau chuốt, nét gò điêu luyện tinh xảo. Mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện bàn tay tài hoa người thợ mà còn lắng đọng tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc trong đó. Vì thế, mỗi khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi công tác nước ngoài hoặc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, phái đoàn quốc tế, thì Bộ Ngoại giao thường hay đặt ông làm những sản phẩm lưu niệm, quà tặng.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng cho biết: “Tôi nhớ hồi Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk sang thăm, tôi chạm bức tranh hồ Gươm bằng đồng để Nhà nước tặng cho ông. Gần đây, tôi tháp tùng đoàn đại biểu thành phố Hà Nội sang thành phố Toulouse, Pháp. Sản phẩm tôi mang sang Pháp để thành phố Hà Nội làm quà tặng là 1 Cup 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh vua Lý Công Uẩn dời đô, truyền thuyết hồ Gươm cưỡi thuyền rồng thả gươm xuống hồ, 1 cái chiêng của làng nghề Đại Bái, 1 trống đồng và một số đồ chạm bạc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đặt tôi làm trống đồng cho bảo tàng quốc gia Cuba, Belarus cũng có tác phẩm của tôi tặng cho bảo tàng quốc gia.”

Năm 2010, kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng sáng tác tác phẩm “Thư gửi mai sau” đang được lưu giữ ở Trung tâm lưu trữ quốc gia và sẽ được mở ra 100 năm sau tức là vào năm 2110. Tác phẩm khắc hình Khuê Văn Các và rồng chầu thời Lý, bên trong có 1000 chữ với nội dung tự hào 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giáo dục con cháu nối tiếp truyền thống xây dựng Thủ đô ngày càng phồn vinh. 

Năm 2016, ông làm 2 bức tranh chất liệu bằng đồng đặt ở Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Một bức khắc hình Chủ tịch Hồ Chí Minh đang huấn thị cán bộ và bức tranh còn lại có nội dung thực hiện Di chúc của Người là sau ngày giải phóng đất nước sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Tâm huyết, đau đáu với nghề, ông cũng rất quan tâm tới công tác đào tạo, truyền nghề cho lớp trẻ: “Khi tôi làm ở cơ quan Nhà nước, tôi thành lập xí nghiệp bạc Hà Nội, tham gia lớp đào tạo nghề 2 khóa của Nhà nước. Khi về hưu, tôi thành lập xưởng sản xuất ở gia đình dạy con cháu trưởng thành. Một số xí nghiệp, đơn vị khác cũng cử thợ tới chỗ tôi học nghề, giao lưu. Tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn truyền nghề cho các cháu. Những ai đã theo nghề thì phải đam mê, cần cù, chịu khó học hỏi.”

Nay đã ngoài 80 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ngọc Trọng có thể hài lòng khi người con trai thứ của mình là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Anh, theo nghiệp cha, tay nghề vững vàng, phát huy nghề truyền thống gia đình.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng đã vinh dự nhận được hàng chục huy chương, bằng khen của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế trao tặng. Ông được thành phố Hà Nội phong tặng Danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2014, Danh hiệu Bàn tay vàng ở nhiều cuộc thi chế tác sản phẩm. Tài giỏi như vậy, nhưng ông khiêm tốn tâm sự rằng chính Tổ nghề làng Đại Bái quê hương ông đã cho ông tất cả, vinh quang ông đạt được hôm nay thuộc về lớp người đi trước

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác