Nữ chủ gia đình phát triển kinh tế ở đảo Hòn Đốc, Hà Tiên

(VOV5) - Sinh sống trên đảo hòn Đốc, xã Tiên Hải, huyện Hà Tiên, Kiên Giang, đa phần đàn ông đảm nhiệm công việc đi ghe cào, nuôi cá lồng còn phụ nữ thì ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái. Tuy nhiên, không ít phụ nữ ở xã đảo vẫn làm công việc đi ghe cào, nuôi cá lồng vốn đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai này. Thành công trong mô hình nuôi cá lồng bè cùng với sức làm việc gấp hai người thường của bà cũng khiến nhiều người đàn ông trên đảo nể phục. 


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ngôi nhà khang trang của gia đình bà Mai ở ấp Hòn Tre chỉ có cô con gái út ở. Hiếm hoi lắm mới có dịp bà Mai về nhà ở trên đảo. Thời gian chủ yếu của bà là ở dưới bè nuôi cá lồng. Bà Mai chia sẻ:  Tôi ở bè luôn, vừa cho cá ăn, vừa nấu cơm cho người làm. Giờ ông xã về hưu cũng xuống giúp. Mình rảnh thì cho cá ăn. Mấy người ghe cào thì tôi chỉ gọi điện thoại thôi. Tôi mua sắm đầy đủ cho ghe trước khi đi ra khơi. Biết làm thì dễ thôi. Người nghèo không có vốn chứ nếu có vốn thì làm được. Ban đầu tôi cũng may mắn vì được bà con giúp đỡ.



Nữ chủ gia đình phát triển kinh tế ở đảo Hòn Đốc, Hà Tiên - ảnh 1

Vợ chồng bà Mai bên đảo hòn Đốc


Trước mặt tôi là người đàn bà vóc dáng nhỏ bé có khuôn mặt đầy vết nhăn, hằn sâu nỗi vất vả, đôi tay thô ráp.  Bà kể, cuộc đời mình trải qua nhiều thăng trầm, khốn khó, cuộc sống  nhiều lúc đã chạm đến đáy của sự cùng cực: Tôi thấy làm tiến tới hoài nên làm tiếp. Đến Hà Tiên hỏi cô Mai ai cũng biết. Người ta thương lắm. Ngày trước cực khổ lắm nhiều lúc trong nhà không có nổi 2000 đồng để mua mỡ chiên cá trong nhà cũng không có rồi cả tiền cho con đi không cũng khó. Cũng cố gắng cho con đi học nhưng có mấy đứa học không được thì ở nhà giúp mẹ. Giờ hai đứa lái ghe cho mẹ.


Bà không nề hà bất cứ công việc gì làm để kiếm tiền nuôi con. Ban ngày bà đi thả lưới chỉ mong đánh bắt được mớ cá nhỏ, còn chồng bà thì đi theo ghe cào thuê. Nhờ thật thà, chăm chỉ làm ăn mà vợ chồng bà Mai được người dân ở đây giúp đỡ để có chút vốn làm ăn. Bà Mai kể: Đầu tiên có một chiếc cách đây cũng chục năm. Ghe cào đó khoảng 100 triệu, mối đổ hàng hỗ trợ cho tôi 40 triệu. Lúc đó tôi chỉ có 5 đến 6 triệu. Ông Nguyễn Văn Luyến chủ mối cho thiếu 300 triệu mà trị giá cái ghe sau là 600 triệu. Giờ thì tôi đã trả hết nợ.


Lúc khởi nghiệp, trong tay không có nổi 10 triệu làm vốn, nhưng nay bà Mai đã có một cơ ngơi khang trang. Tài sản của gia đình bà  bây giờ là 4 chiếc ghe trị giá trên 2 tỷ đồng. 7 lồng cá cũng sấp xỉ 1 tỷ đồng. Cậu con trai và con rể út giúp bà quản lý 4 chiếc ghe. Mỗi năm 4 chiếc ghe cũng đem lại cho bà hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Nhiều lúc đứng nhìn khối tài sản của mình mà bà cứ nghĩ là đang mơ: Có khi đứng dưới bè nhìn ra ghe của mình tôi nói với mấy đứa con là ghe của của ai vậy? 4 chiếc ghe kia của ai? Mấy đứa con bảo ghe của má. Nhiều khi đứng trên ghe cũng không biết là ghe của ai nữa. Mình không nghĩ là có ngày được như vậy. Thật ra cũng là may mắn.



Nữ chủ gia đình phát triển kinh tế ở đảo Hòn Đốc, Hà Tiên - ảnh 2

Ông bà bên tổ ấm của mình


Nuôi cá lồng trên biển tuy vất vả nhưng đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện mô hình kinh tế này. Đầu năm 2014, bà Mai mới thử nghiệm công việc nuôi cá lồng trên diện tích hơn 500m2, bà nuôi hơn 5000 con cá bớp và cá mú nghệ. Năm đầu tiên thử nghiệm với mô hình nuôi cá, bà Mai đã gặp nhiều khó khăn. Cá mắc bệnh bà không xử lý kịp, chăm sóc cá cũng chưa đúng cách nên số lượng cá nuôi thiệt hại hơn 50%. Tuy nhiên cá bớp và cá mú nghệ là hai loại cá có giá trị kinh tế cao nên số còn lại cũng đủ để bà Mai thu hồi đủ vốn. Có kinh nghiệm từ lần nuôi đầu, năm 2015, bà Mai tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi và chủ yếu nuôi cá mú nghệ. Ông Lương Văn Sơn, chồng bà Mai cho biết: Chúng tôi gặp nhau năm 1976, bà ở nhà đi chèo xuồng đánh lưới. Lúc đó phương tiện ở địa phương còn thô sơ, khi đất nước giải phóng trên đảo chỉ còn hơn 20 hộ. Tới năm 1990 mới bắt đầu có được chiếc ghe 20 mã lực. Làm dần đến năm 1992 tôi lên làm chủ tịch mặt trận xã còn bà ở nhà quán xuyến, cai quản làm kinh tế gia đình. Bà vất vả, cực khổ cũng khuyên vợ làm vừa thôi, lên nhà nghỉ đi nhưng bà ở dưới hoài nhưng đó là ý thích của bà ấy.


Không chỉ những người phụ nữ, mà cả những người đàn ông trên đảo ai cũng nể phục bà Mai về ý chí cũng như sức khỏe và tính chịu thương chịu khó. Bà chăm lo con cái, lo toan gia đình để chồng yên tâm làm công tác xã hội. Ông Hồng Ngọc Điệp, một người dân trên đảo Hòn Đốc, cho biết: Quan trọng là người chủ chốt gia đình quyết định được hay không. Nhiều lúc muốn nuôi nhưng không được sự đồng thuận của vợ hoặc chồng. Hoặc nhiều người sợ rủi ro nhưng bà Mai hay lắm. Bà quyết định được. Con cái dù có gia đình riêng nhưng bà vẫn lèo lái được hết. Bà là người dám nghĩ dám làm.

Chia tay đảo nhỏ, tôi cứ suy nghĩ mãi về người phụ nữ mang tên một loài hoa của mùa xuân: hoa mai. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, con người và cây cối, hoa cỏ đều phải vươn sức để thích ứng và biến đổi cho cuộc sống ngày càng thêm xuân. Sức vươn lên vượt khó làm giàu của bà Lê Thị Mai đúng như tên gọi hiện thân của con người và thiên nhiên đảo Hòn Đốc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác