Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở vùng quê Bắc Bộ

(VOV5) - Về Giao Thủy, tỉnh Nam Định, được trải nghiệm du lịch cộng đồng quả là thú vị. Được sống trong ngôi nhà gỗ cổ của người dân, hòa mình vào cuộc sống nơi thôn quê, thanh bình mà mộc mạc. Thong thả đạp xe quanh những con đường làng rải bê tông sạch sẽ, nghe tiếng chim hót líu lo mới thấy cuộc sống thật vô vàn màu sắc.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Bữa cơm chiều trong ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Vân ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy thật đầm ấm. Cả chủ và khách vui vẻ cụng ly rượu và thưởng thức những món ăn đậm chất quê như gà rang, rau luộc, mực xào…Người dân ở đây hầu như đều tự trồng rau, nuôi gà, tự đánh bắt hải sản nên chế biến các món ăn luôn tươi, ngon. Người dân ở Giao Xuân  được tập huấn về làm du lịch cộng đông nên rất hiểu tâm lý của khách. Ông Nguyễn Văn Vân cho biết. Đón khách từ năm 2006 đến giờ nhưng 3-4 năm nay khách đông hơn. Chúng tôi được học tất cả mọi dịch vụ như tiếp khách, phòng buồng, nấu ăn. Khách nước ngoài ít nói, ăn uống khác. Khách Tây ăn thịt nạc và đồ rán. Khách Việt thích ăn đồ hải sản.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở vùng quê Bắc Bộ  - ảnh 1
Đoàn khảo sát Hải Dương học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng ở Giao Thủy, Nam Định, tham quan Bảo tàng Đồng quê Nam Định. Ảnh: vhttdlhd.vn



Bữa cơm kết thúc, gia chủ và khách cùng ngồi uống chén trà và đàm đạo nhiều câu chuyện về cuộc sống.Trong đêm khuya tĩnh mịch, chiếc đồng hồ đổ chuông như nhắc nhở du khách đi nghỉ để sáng mai dậy sớm đón ánh bình minh nơi làng quê ven biển.


Phương tiện duy nhất để tham quan làng quê Giao Xuân là đi xe đạp. Nhẩn nha đạp xe đi trên con đường bê tông nhỏ quanh làng để được tận hưởng làn gió mát rượi từ biển thổi vào, ngắm nhìn những giọt sương vẫn còn đọng lại trên những tán cây ven đường. Buổi sáng ở Giao Xuân, khách thích đạp xe ra con đường đê ven biển, ngắm bình minh và tàu cá cập bến.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở vùng quê Bắc Bộ  - ảnh 2
Ảnh: dulichgiaothuy.namdinh.gov.vn



Chợ cá hình thành ngay trên bến. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng trả giá, tiếng nói cười làm rộn ràng cả một vùng quê. Cảnh mua bán diễn ra chóng vánh. Trời sáng rõ, cũng là lúc chợ bắt đầu tan. Dòng người tản ra các hướng.


Rời chợ cá, điểm đến mà cả khách nước ngoài cũng như khách trong nước thích thú đó là cơ sở làm mắm cổ truyền của gia đình ông Trần Văn Phung ở xã Giao Hải, sát cạnh bên chỉ mất 10 phút đạp xe. Anh Trịnh Văn Hậu, quản lý trung tâm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, cho biết mắm là thức chấm quen thuộc, gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt Nam. Làm nước mắm là một nghề truyền thống đặc trưng của người dân sống ở ven biển: Đây là điểm tham quan danh cho du khách. Khách nước ngoài đến đây,  họ không mua mắm nhưng lại tò mò về cách làm mắm thủ công. Còn khách Việt thì nhiều người thích thú vì từ trước đến nay không hiểu làm mắm như nào. Còn các con nhỏ thì càng không biết nên về đây được trải nghiệm về nghề làm mắm.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở vùng quê Bắc Bộ  - ảnh 3
Ảnh: dulichgiaothuy.namdinh.gov.vn



Với nguồn thủy hải sản phong phú, người dân ở Giao Thủy làm ra nhiều loại nước chấm ngon, từ mắm ruốc, mắm tôm, mắm nêm, mắm tép … Ông Trần Văn Phung ban đầu làm nước mắm để ăn, sau bán cho người dân quanh làng, xóm lân cận. Cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu như cá, tép biển, muối, ông Trần Văn Phung bảo cái tâm của người làm nghề luôn đặt lên hàng đầu. Tiếng lành đồn xa, giờ đây cơ sở làm nước mắm của gia đình ông trở thành điểm đến không thể thiếu khi khách du lịch đến miền quê Giao Thủy:Trước ở đây nhà nào cũng có làm mắm. Từ ngày có du lịch có mở mang bán mạnh hơn. Nhiều người biết đến. Khách đến tham quan rồi lại mua. Làm sao đảm bảo an toàn, chất lượng là được. Nước mắm nhà tôi để được hàng năm.


Khách du lịch đến Giao Thủy ngày một đông. Người dân có thêm nguồn thu nhập từ làm du lịch nhưng điều mà người dân thích thú là chính họ được học hỏi nhiều điều hay từ du khách. Ông Trần Văn Vân và vợ ông cho hay: Họ về rất vui, mình học họ rất nhiều Cái gì hay của khách mình học họ như về cách ư xử, cách đi đứng, tiếp xúc. Kể cả dân làng cũng phấn khởi vì họ cũng được hưởng: Thay đổi nhiều. con người mình cũng nhanh nhẹn hơn, gia đình có nề nếp, gọn gàng sạch sẽ hơn.


Trải nghiệm cuộc sống nơi thôn quê, sống giữa những người dân hiền hòa, không gian mát mẻ, bao mệt mỏi của cuộc sống thường ngày dường như tan biến. Một lần về với Giao Thủy để hòa mình với thiên nhiên nơi miền quê ven biển, để cuộc sống lắng đọng đôi chút giữa bộn bề cuộc sống.

Phản hồi

Các tin/bài khác