Trải nghiệm Lai Châu qua những tour du lịch cộng đồng

(VOV5) – Bản Nà Luồng nằm bên dòng Nậm Mu hiền hòa, tựa lưng vào vách núi, lôi cuốn du khách không chỉ vì vẻ đẹp mà còn bởi những nét văn hóa đặc sắc được người dân nơi đây gìn giữ cho đến tận ngày nay. 

Những tour du lịch văn hóa truyền thống tại các làng, bản thuộc khu vực miền núi Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu, là một trong những điểm đến thú vị và là sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Với sự đa dạng văn hóa, phong cảnh đẹp, Lai Châu đang phát triển loại hình du lịch cộng đồng, để du khách được khám phá, trải nghiệm cuộc sống và những nét độc đáo của đồng bào các dân tộc. 


Trải nghiệm Lai Châu qua những tour du lịch cộng đồng - ảnh 1
Một góc bản Hon. Ảnh: Internet



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Trên cung đường đến với Tây Bắc, du khách sẽ đặt chân đến bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, nơi đây được mệnh danh là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Lai Châu. Bản Nà Luồng nằm bên dòng Nậm Mu hiền hòa, tựa lưng vào vách núi, lôi cuốn du khách không chỉ vì vẻ đẹp mà còn bởi những nét văn hóa đặc sắc được người dân nơi đây gìn giữ cho đến tận ngày nay. Nà Luồng không chỉ thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài bằng sự thân thiện và mến khách, mà còn là sự trải nghiệm, những giá trị văn hóa luôn hiển hiện trong cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây. Anh Nguyễn Xuân Huy, du khách tỉnh Phú Yên, chia sẻ: “Đến Nà Luồng, chúng tôi được sống trong những ngôi nhà sàn, được sinh hoạt cùng đồng bào các dân tộc, thưởng thức các món ăn truyền thống do người dân nấu. Chúng tôi cũng được đi bắt cá suối, đi hái măng, được dạy nấu cơm lam, nướng thịt… Buổi tối, đoàn chúng tôi cùng giao lưu văn nghệ, nghe nhưng những làn điệu dân ca của các dân tộc… Bản Nà Luông gần như còn giữ nguyên vẹn các nét văn hóa truyền thống, từ ngôi nhà đến cuộc sống bình yên. Không chỉ tôi mà các thành viên trong đoàn đều rất vui vì có những ngày được trải nghiệm ở Nà Luồng”.


Trải nghiệm Lai Châu qua những tour du lịch cộng đồng - ảnh 2
Đường liên thôn bản đã được bê tông hóa 100%, thuận tiện cho việc đi lại của người dân và du khách khi đến thăm Bản Hon. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN


Đến huyện Tam Đường, du khách có thể ghé thăm xã Bản Hon, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lự. Bản du lịch cộng đồng này vẫn còn giữ được hơn 100 ngôi nhà sàn truyền thống và nghề dệt thổ cẩm truyền thông. Bản Hon nổi tiếng với những làn điệu dân ca, những tiết mục ca múa do những chàng trai, cô gái trong bản biểu diễn cùng các loại nhạc cụ như trống, chiêng, sáo… Đến Bản Hon, du khách cùng hòa mình và cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày của đồng bào dân tộc cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành. Chị Vân Anh, ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Đến Bản Hon tôi ở cùng với gia đình chủ nhà. Đây là những ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, sạch sẽ, và 10-15 du khách có thể ở thoải mái. Giá tiền một đêm cũng chỉ 100 nghìn đồng/người. Đồ ăn ở đây cũng khá rẻ và đều do bà con nuôi trồng như rau, cá, gà… Tôi và gia đình ở đây 4 ngày, được đi leo núi, cùng người dân lên đồi hái rau, hái măng… về nhà tự nấu nướng theo ý mình”.


Trải nghiệm Lai Châu qua những tour du lịch cộng đồng - ảnh 3
Đến với Bản Hon, khách du lịch sẽ được khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân bản địa. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN


Lai Châu còn có nhiều điểm du lịch được du khách tìm đến như: thị trấn Sìn Hồ,  Động Tiên Sơn, xã Bình Lư, huyện Tam Đường; bản Gia Khâu , xã Nậm Lỏong, Thành phố xã Lai Châu…. Trong đó phải nhắc đến bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ. Nằm cách Thành phố Lai Châu khoảng 30km, bản Vàng Pheo, một trong những bản cổ xưa nhất của người Thái trắng ở tỉnh Lai Châu. Bản Vàng Pheo nằm tựa vào núi Phu Nhọ Khọ, là nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So và Nậm Lùm. Đến với Vàng Pheo du khách được thưởng thức những món ăn truyền thống như: rêu đá, cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, thịt trâu sấy, canh rau đắng… Điều thu hút du khách nhất khi đến đây chính là những nét văn hóa của người Thái trắng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, từ những ngôi nhà sàn truyền thống đến những bộ trang phục và các lễ hội văn hóa. Mỗi lễ hội ở Vàng Pheo là một bức tranh miêu tả đời sống xã hội, mang những nét đặc trưng truyền thống của đồng bào Thái xứ Mường So, cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân như: tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy. Anh Nguyễn Văn Thành, du khách ở Hải Phòng, cho biết: “Vàng Pheo xa thành phố Lai Châu nên rất bình yên. Chúng tôi đi ngày cuối tuần nên lượng khách cũng đông. Tôi cũng đã đi nhiều điểm du lịch ở Lai Châu và thấy rằng người dân Lai Châu thân thiện, mến khách; các món ăn rất ngon. Đồng bào các dân tộc đã có ý thức hơn trong việc phát triển du lịch nên các điểm du lịch luôn được giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ, giá cả rất hợp lý”.

Ngoài phong cảnh đẹp, không khí trong lành, các địa điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và nước ngoài bởi  những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Du lịch cộng đồng cũng đang là cách làm mà tỉnh Lai Châu đang đầu tư phát triển, từ đó hướng đến làm du lịch bền vững, gìn giữ văn hóa truyền thống của địa phương cũng như khu vực Tây Bắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác