Về Kiên Giang thưởng thức đàn ca tài tử

(VOV5) - Kiên Giang là một điểm đến vô cùng thú vị đối với những du khách ưa thích một kỳ nghỉ yên tĩnh. Những hòn đảo ở đây tuyệt đẹp và vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Khung cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, du khách có thể đến Kiên Giang đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.


Đến Kiên Giang, ngoài cảnh đẹp, ẩm thực phong phú của miền sông nước thì một điều đặc biệt  mà du khách không thể bỏ lỡ đó là thưởng thức đàn ca tài tử. Là một trong những địa bàn phát triển đàn ca tài tử nổi bật ở Nam Bộ, đất Kiên Giang luôn làm đắm say lòng du khách bằng những điệu đàn ca tài tử đặc trưng của vùng đất phương Nam. 

Về Kiên Giang thưởng thức đàn ca tài tử - ảnh 1
Biểu diễn đườn ca tài tử 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Đàn ca tài tử được nhiều  nghệ sĩ dân gian biểu diễn. Họ là những người nông dân hiền hậu yêu ca hát, yêu thể loại âm nhạc dân gian này và biểu diễn nhiều lần vẫn thu hút người nghe. Cùng một lời hát, cùng một giai điệu, song trong mỗi lần diễn, người nghệ sĩ lại có những cách hát nhấn nhá khác nhau, không lặp lại như cũ. Lý giải điều này, nhiều nhà nghiên cứu cho  rằng do nếp sống sinh ra từ văn minh kênh rạch, sông nước phóng khoáng nên nội dung của các làn điệu đàn ca tài tử không y khuôn bản gốc mà đã có đôi nét thêm thắt, thay đổi và được tô điểm cho phù hợp với cuộc sống. hầu hết cư dân ở đây là con cháu của những người khai phá đất phương nam, nên trong làn điệu vẫn phảng phất đượm buồn, nỗi nhớ xa quê, nhớ  cội nguồn của những người đi mở đất. Bà Nguyễn Thị Thúy, thành viên của câu lạc bộ đàn ca tài tử ở xã Mỹ Lâm, cho biết hiện nay tỉnh Kiên Giang có 157 câu lạc bộ, với  gần 1700 nghệ nhân trực tiếp tham gia trong phong trào đàn ca tài tử. Riêng câu lạc bộ đàn ca tài tử của xã Mỹ Lâm ra đời đã phần nào đáp ứng sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người dân nơi đây: "Định kỳ sinh hoạt một tháng 1 lần, được bà con trong xã đồng tình ủng hộ, nhằm xây dựng xã văn hóa nông thôn mới càng ngày càng phát triển, cũng góp phần nâng cao, tuyên truyền cho địa phương để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là loại hình đàn ca tài tử đặc trưng của miền sông nước, là nơi để mọi người tập trung sau giờ lao động, về đây sinh hoạt, ôn lại truyền thống lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương".


Năm 2013, nghệ thuật  đàn ca tài tử Nam Bộ được Tổ chức khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (Unesco) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ giúp bảo tồn  phát huy loại hình nghệ thuật này được bài bản, chuyên nghiệp hơn mà là nguồn động viên, khuyến khích tinh thần cho những câu lạc bộ đàn ca tài tử ở đây phát triển. Đầu năm 2016, trong Liên hoan Đờn ca tài tử và Cải lương lần thứ 4 năm 2016 của huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, có 5 đơn vị, với hơn 30 diễn viên đến từ các xã Sơn Kiên, Lình Huỳnh, Thổ Sơn, thị trấn Hòn Đất và cả một huyện của tỉnh bạn An Giang tham dự. Lễ hội Nguyễn Trung Trực tổ chức vào ngày 26-28/8 âm lịch hàng năm ở Kiên Giang có hàng triệu lượt du khách về tham quan, hành hương, dự lễ.  Ngoài phần Lễ, trong phần Hội, thì các tiết mục  đàn ca tài tử luôn được công chúng đón nhận. Ông La Văn Tài, thành viên một câu lạc bộ đàn ca tài tử ở thành phố Rạch Giá, cho biết: "Câu lạc bộ đàn ca tài tử cuả chúng tôi, hoạt động rất là thường xuyên. Trước hết an hem họp mặt, giao lưu với nhau. Những ca khúc, những tác phẩm tự sáng tác cũng là để giao lưu với các câu lạc bộ của bạn để trao đổi những phần văn hóa văn nghệ, những điều tốt đẹp những, những điều cho đạo đức xã hội, cho nếp sống của con người, nền văn hóa hiện đại, cho tất cả lớp trẻ, con cháu mình noi theo".


Về Kiên Giang thưởng thức đàn ca tài tử - ảnh 2


Không chỉ là thú giải trí, nghệ thuật đàn ca tài tử giới thiệu cho du khách biết về một loại hình nghệ thuật độc đáo ở miền sông nước Cửu Long. Chị Nguyễn Thu Hương, du khách ở Hải Dương, cho biết: "Đến với Kiên Giang, ngoài cảnh đẹp thì chúng tôi, những thành viên trong đoàn của tỉnh Hải Dương đều rất thích thú khi được thưởng thức các nghệ sĩ dân gian biểu diễn các làn điệu đàn ca tài tử làm cho du khách như chúng tôi cảm thấy thú vị".

Ở Kiên Giang, loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân. Với những phong trào đàn hát đàn ca tài tử ở Kiên Giang, chắc chắn loại hình âm nhạc này sẽ luôn được phát huy và trường tồn cùng hơi thở của miền đất Phương Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác