Phòng biên tập chung - Một thời để nhớ

LTS: Do đặc thù riêng, trong một thời gian dài, Ban biên tập Đối ngoại - Đài Tiếng nói Việt Nam, nay là Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5) duy trì một phòng biên tập chung, cung cấp tin - bài cho các buổi phát thanh tiếng nước ngoài. Nhân kỷ niệm lần thứ 69 ngày thành lập Đài TNVN, cũng là 69 năm hoạt động của các chương trình phát thanh đối ngoại, xin giới thiệu cùng bạn đọc những kỷ niệm về Phòng biên tập chung của một nhà báo từng làm việc tại đây.

Tôi về làm việc tại Ban Biên tập (BBT) Đối ngoại vào tháng 2/1979. Trước đó, làm phóng viên của CP.90 rồi vào Nam sau ngày 30/4/1975, quả thật là hiểu biết về Đài TNVN nói chung và BBT Đối ngoại nói riêng còn mù mờ lắm. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh Đinh Gia Khang, một phóng viên của BBT Đối ngoại vào số 7 Hồng Thập Tự, quận 1, TP.HCM, trụ sở 2 của Đài TNVN làm việc, chúng tôi mới tiếp xúc với một kiểu viết báo ngắn gọn, cô đọng. Anh em chúng tôi chia nhau từng khẩu phần thuốc lá (tôi không hút nhưng cũng được chia phần), từng gói mì tôm và cùng nhau đi biên giới… Không ngờ sau nhiều lần xin chuyển công tác về Hà Nội, cùng với anh Trần Quang Khải (trước khi nghỉ hưu, anh Khải là Phó Tổng giám đốc Đài TNVN), tôi được anh Mai Thúc Long, lúc đó là Trưởng ban BBT Đối ngoại nhận về, làm việc ở bộ phận biên tập chung, đặc trách các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Phòng biên tập chung - Một thời để nhớ - ảnh 1
Tác giả (bên trái) cùng lái xe Phạm Đức Thuận trong một chuyến công tác tại Vị Xuyên-Hà Giang

Phòng biên tập chung lúc đó (nay là Phòng Thư ký - Biên tập) đã có nhiều cây bút chuyên nghiệp, làm việc lâu năm như anh Đào Đình Tuấn (sau là Trưởng ban biên tập), anh Đinh Gia Khang, anh Nguyễn Ngọc Cương, chị Thanh Lịch, anh Phan Công Thọ, chị Nguyễn Thị Dục, anh Trần Danh Phương, nhạc sĩ, chuyên biên tập các chương trình ca nhạc cho thính giả nước ngoài. Đặc biệt, có cô Vũ Thị Thân, một nữ sinh Trưng Vương, đánh máy rất giỏi cả hai thứ tiếng Anh và Pháp. Nhóm chúng tôi ở bộ phận tiếng Trung Quốc còn có anh Thắng Lộc, anh Nguyễn Xuân Sắc (đều là người của CP.90 trước kia), anh Đào Xuân Tân, anh Nguyễn Quốc Triều. Tôi là người trẻ nhất, mới làm báo được 5 năm. Tất cả nhập lại thành một nhóm phóng viên mạnh của BBT.

Lúc đó chiến tranh biên giới đang ác liệt. Chúng tôi thay nhau đi biên giới. Cứ ở đâu súng nổ là đi. Nếu khi quen biết anh Đinh Gia Khang, tôi bắt đầu hiểu thế nào là phát thanh “đối ngoại”, thì khi về làm việc tại phòng Trung Quốc, hiểu thêm “thế nào là đối tượng hóa”. Tin - bài chúng tôi viết, được các phòng biên dịch chọn lọc lại một lần nữa, tin - bài nào phù hợp với đối tượng người nghe được dịch ra và phát trên sóng. Ở phòng tiếng Trung (gồm 3 thứ tiếng: Bắc Kinh, Quảng Đông và Triều Châu) nhiều hôm làm hàng chục tin, chỉ chọn được dăm bảy tin phù hợp với đối tượng. Vốn là người Việt sống nhiều năm ở Trung Quốc, các anh chị lớn tuổi đều hiền hậu, ít nói nhưng khá khắt khe về chất lượng tin bài. Tôi nghĩ các phòng phát thanh khác chắc cũng vậy.

Phòng Biên tập chung lúc đó là một tổ ấm. Mọi người sống với nhau chan hòa. Anh Cương nghiện thuốc, cũng hay uống rượu, có bộ răng ám khói, nhưng dí dỏm và thường là người lên kế hoạch cho những chuyến công tác. Đi công tác, đặc biệt là lên biên giới, không đơn giản. Xăng xe thế nào? Đi đâu, gặp ai, ăn ở như thế nào là cả một bài toán khó. Có chuyến công tác đi Hoàng Liên Sơn, qua ngã ba Mê Linh, anh Quốc Triều còn phải ôm cả nửa xe rau quả… Cho nên, người lên kế hoạch cho cả chuyến đi phải thông thạo tình hình các địa phương, quen biết nhiều thì mới lo được. Bài vở của BBT Đối ngoại phát “lên trời” bằng các thứ tiếng. Lại phải liên hệ với các chương trình phát thanh Đối nội, nhờ tải hết các nội dung mình viết để “trả nợ địa phương”.

Chị Thanh Lịch, chị Dục là những nữ phóng viên quen biết nhiều, nên những chuyến đi có các chị, cơ sở đón rất vui. Chị Lịch với anh Đào Xuân Tân vốn học cùng thời Đại Từ của khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng đóng chung với nhau vở chèo “Đường về trận địa” nên những lúc “trà dư tửu hậu” chuyện nổ như ngô rang… Những năm 1979 đến 1984, đời sống ngày càng khó, nhưng chúng tôi vẫn chăm chỉ đi, cần mẫn đi chiến trường, thi thoảng mới tạt qua vùng đồng bằng. Mấy năm liền, năm nào gần Tết, sát Tết đều lên biên giới, đến với chiến sĩ ta phản ánh cuộc sống của chiến sĩ đồng bào trên đó. Bây giờ nghĩ lại, thấy những năm đó học ít - làm nhiều.

Tôi được sống cùng phòng biên tập chung BBT Đối ngoại gần 5 năm. Chuyến đi công tác đầu tiên là đầu tháng 3/1979, lên Lạng Sơn đúng vào ngày nhà báo Nhật Ta-ca-nô bị đạn từ phía Trung Quốc giết hại. Tình cờ sao, chuyến đi cuối cùng ở đây cũng là chuyến đi biên giới Vị Xuyên - Hà Giang ngày 22/5/1984. Lúc đó chiến sự đang diễn ra ác liệt. Phía Trung Quốc lần đầu tiên pháo tầm xa vào thị xã Hà Giang, trúng hầm gia đình một nhà giáo, một cháu nhỏ bị chết. Giữa lúc đạn pháo còn viu viu trên đầu, cùng với anh Phạm Đức Thuận - lái xe, chúng tôi phóng đến hiện trường, trực tiếp ghi âm tiếng khóc của cháu nhỏ bị thương, điện về phòng Thời sự Đối nội để phát trên sóng. Những năm sau này, hễ có dịp tôi lại đi Hà Giang, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, trong đó những kỷ niệm về phòng biên tập chung BBT Đối ngoại lại ùa về…

Kể lại chuyện Phòng biên tập chung và BBT Đối ngoại những năm gian khổ, nhiều phóng viên trẻ trong Hệ VOV5 cứ mắt tròn mắt dẹt không nghĩ những “sếp” hôm nay của mình ngày xưa  lại sống “vui” như vậy. Cô Huệ (tiếng Anh, sau là trưởng ban) ngồi bán bia ở vỉa hè gây quỹ công đoàn. Chú Hòa, chú Khang chạy phim chiếu cho mọi người xem. Chú Cương hay rủ mọi người ra Hàng Lược làm món “cày tơ”… Trò chuyện và cùng đi công tác với các bạn trẻ, thấy vui vì nghiệp vụ ai cũng được học nhiều, viết bài dựng bài đều thạo. Và đặc biệt là được tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn trong khi vẫn dành thời gian đến với Trường Sa, đến nơi biên giới, hải đảo… Sang năm, 70 năm phát thanh Đối ngoại, hẳn có nhiều chuyện vui nữa./.

Trương Cộng Hòa/Báo VOV

Phản hồi

Các tin/bài khác