Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội

(VOV5) - Thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin. Ngoài ra, trong củ sâm Ngọc Linh còn có tới 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và 0,1% hàm lượng tinh dầu.

Vùng đất ngã ba Đông Dương- Kon Tum không chỉ được xem là điểm đến hấp dẫn du khách bởi các giá trị văn hóa giàu bản sắc mà còn có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với nhiều hệ động thực vật quý hiếm. Trong đó cây sâm Ngọc Linh - một trong những dược liệu đặc hữu vô cùng giá trị của Việt Nam đang được ví như báu vật của vùng đại ngàn Tây Nguyên và “Sách đỏ” thế giới. Không phải đến Quảng Nam hay Kon Tum, mời quý vị ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội để tìm hiểu về loại sâm quý hiếm này.

Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội - ảnh 1Triển lãm Sâm Ngọc Linh kéo dài đến hết năm 2019 tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội 

 Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Bước vào khuôn viên triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, du khách bắt gặp một không gian mang đậm văn hóa của vùng đất của nắng gió đại ngàn như mô hình nhà Rông, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, điêu khắc tượng gỗ, khu trải nghiệm đan lát mây tre, dệt vải thổ cẩm, làm gốm đất sét...Tuy nhiên, nơi thu hút đông du khách nhất là khu trưng bày các sản phẩm về sâm Ngọc Linh- một loại dược liệu quý được ví như báu vật thiên nhiên của Việt Nam.

Chị Vilin, du khách Mehico chia sẻ: "Tôi rất may mắn khi đến Hà nội lại được thăm triển lãm về văn hóa dân tộc Tây Nguyên và biết về cây thuốc quý của Việt Nam. Ah, tôi ấn tượng với một ông già người dân tộc, ông ấy rất tài khi tự làm và chơi được nhiều nhạc cụ. Ông ấy lúc nào cũng cười làm tôi vui lắm”.

Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội - ảnh 2 Sâm Ngọc Linh được ví như thần dược thiên nhiên, báu vật đại ngàn vùng Tây Nguyên

Đây là lần đầu tiên hơn 200 tư liệu hiện vật hình ảnh về cây sâm Ngọc Linh được giới thiệu tại triển lãm. Ứng dụng công nghệ hiện đại thực tế ảo 3D và 4D, khu vực trung bày đã tạo ra hiệu ứng sống động ấn tượng đưa người xem mô hình khép kín từ việc ươm cây tới trong chăm sóc và thu hoạch loại sâm quý này.Tại các gian hàng nhiều người muốn tìm hiểu để mua được sản phẩm sâm Ngọc Linh chính hiệu. Mặc dù giá bán các sản phẩm Sâm Ngọc Linh đắt gấp nhiều lần so với sâm thông thường nhưng chị Hoài Thanh vẫn chọn mua những củ sâm tươi và rượu sâm Ngọc Linh. Chị cho biết trước đó nghe rất nhiều về công dụng thần kỳ của loại dược liệu quý này: "Tôi tin tưởng vào giá trị của sâm Ngọc Linh đối với sức khỏe cũng như chất lượng sản phẩm được bày bán tại đây. Tôi mua cũng là để ủng hộ sản phẩm được coi là báu vật quốc gia này. Tôi muốn sâm Ngọc Linh của Việt Nam mình được phát triển và nổi tiếng thế giới, để qua đó giúp người dân vùng dân tộc ở Kontum cải thiện cuộc sống."

Nhiều nghiên cứu cho thấy là một loại thảo dược quý hiếm đặc biệt, thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin. Ngoài ra, trong củ sâm Ngọc Linh còn có tới 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và 0,1% hàm lượng tinh dầu. Chính vì thế sâm Ngọc Linh có công dụng giúp cơ thể tăng thể lực, tăng sức đề kháng, kích thích não bộ, chống lão hóa, giảm cholesterol, tăng tạo hồng cầu, điều hòa hoạt động của tim mạch, hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường.

Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội - ảnh 3Rượu sâm Ngọc Linhvô cùng bổ ích cho sức khỏe 

Ông Nguyễn Thành Duy người khá am hiểu về cây dược liệu quý này cho rằng triển lãm là dịp để giới thiệu, tôn vinh cây sâm dược liệu Ngọc Linh như một báu vật quốc gia.

"Hồi đi bộ đội tôi nghe nói nhiều về tác dụng thần của loài sâm quý này. Có một dược sĩ quân đội đã phát hiện và sử dụng nó để cứu sốngnhiều người lính. Sau này,có người bạn ở Kon Tum gây giống cây sâm nên biết nhiều hơn về công dụng của nó. So với sâm Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, hàm lượng saponin của sâm Ngọc Linh cao hơn rất nhiều. Giờ giống sâm tự nhiên không còn nữa nên chúng ta  phải gây giống để gìn giữ báu vật được thiên nhiên ban tặng này."

Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội - ảnh 4Tỉnh Kontum đang lập ra những khu trồng sâm ở quanh núi Ngọc Linh

Tỉnh Kon Tum có độ che phủ của rừng chiếm 62,3% đã tạo nên nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và có giá trị to lớn về y tế: Đảng sâm, Ngũ Vị tử, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ và các loại nấm dược liệu, trong đó đặc biệt là sâm Ngọc Linh- loài cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh được phát hiện năm 1973. Từ đó đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định Ngọc Linh là một loại sâm quý hiếm trên thế giới.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết, vì coi là báu vật thiên nhiên ban tặng cho địa phương nên tỉnh Kon Tum đã lập ra những khu trồng sâm di thực ở quanh núi Ngoc Linh- không gian sinh tồn vốn có độ cao, thời tiết mát mẻ và những điều kiện phù hợp cho sự phát triển tốt nhất của cây sâm Ngọc Linh.

Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội - ảnh 5Một phần hình ảnh của Kontum được tái hiện trong không gian triển lãm

"Chúng tôi đã tham mưu với chính quyền tỉnh xây dựng cơ chế quản lý chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện triển khai xây dựng tiêu chuẩn giống sâm Ngọc Linh và đã gửi đến Bộ Nông nghiệp và PT Nông thôn để hoàn thiện và để sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam cho cây giống và nguồn gen sâm Ngọc Linh."

Nhận thấy với tiềm năng kinh tế to lớn mà loại cây dược phẩm này mang lại, Nhà nước cũng đã có chủ trương đưa sâm Ngọc Linh thành 3 sản phẩm dược liệu quý cấp quốc gia.

Báu vật đại ngàn ra mắt tại thủ đô Hà Nội - ảnh 6Trong chuyến thăm Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: Sâm Ngọc Linh xứng đáng là quốc bảo của đất nước. Ảnh Chinhphu.vn 

Tại khai mạc triển lãm “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon tum- Báu vật đại ngàn”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, cây sâm Ngọc Linh không chỉ sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, thực phẩm chức năng của Việt Nam mà còn đưa vùng đất Kon Tum, Quảng Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về du lịch, về thương hiệu sâm quý Ngọc Linh mang tầm quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác