Câu chuyện về Trung đội nữ công binh thép

(VOV5) - Có một câu chuyện huyền thoại về Trung đội nữ công binh trên đỉnh đèo Phu la nhích trong cuộc chiến chống Mỹ giai đoạn ác liệt nhất vào giai đoạn 1971 – 1975.  

Nghe âm thanh tại đây:

Câu chuyện ấy càng đặc biệt hơn vì họ là những người lính quả cảm trong quân đội lừng lẫy của một vị tướng vĩ đại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cái tên “Trung đội nữ công binh thép” đã được Tướng Giáp đặt cho họ tại chiến trường khi Đại tướng vào thăm bộ đội Trường Sơn, thăm tọa độ lửa đèo Phulanhich..

Trung đội phó Trung đội nữ công binh Dương Thị Trình,  hiện đang ở tại thôn Vinh Tiến xã Hải Hòa - Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Trung đội trưởng đã mất, giờ đây bà Trình nhận nhiệm vụ làm “cầu nối” để các chị em trong trung đội gần nhau hơn. Trong ngôi nhà của ông bà dành vị trí trang trọng nhất để lưu giữ những kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng đội.

Lịch sử đã ghi lại về sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Một trong những nơi được coi là trọng điểm khốc liệt nhất của đường Trương Sơn ngày ấy, đèo Phu la nhich, cua chữ A, ngầm Tà Lê với tên gọi tắt A-T-P  được coi là túi bom, tọa độ lửa.

Câu chuyện về Trung đội nữ công binh thép - ảnh 1 Cua chữ A một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích, đường 20 Trường Sơn). - Ảnh tư liệu của phóng viên chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Kiểm

Năm 1971 những cô gái đảm nhận nhiệm vụ khai thông đường tại ngầm Tà Lê, đèo Phu la nhich còn rất trẻ, mới chỉ 18, đôi mươi. Họ cùng từ vùng quê Tĩnh Gia - Thanh Hóa gia nhập Trung đội nữ công binh gồm 38 chị em thuộc B3C3 tiểu đoàn 33 - Binh trạm 14 - Đoàn 559.

Ông Lương Minh Xuân, nguyên đại đội trưởng Đại đội 33, Tiểu đoàn 33 nhớ lại: “Tại sao một trung đội nữ lại đưa vào một trọng điểm ác liệt có tiếng như thế này. Vì quá trình chiến tranh chiến trường mỗi ngày một lớn lên, lực lượng chúng ta càng đẩy sâu vào bao nhiêu thì ngoài này càng mỏng đi bấy nhiêu. Và như thế không thể khác được, những điểm này để tắc đường một giờ đã chết chứ chưa nói tắc ngày tắc đêm. Nên lực lượng phải bố trí 1 trung đội nữ vào đấy, chị em thì sẵn sàng xung phong vào, nhưng đồng thời chiến sĩ ta cũng rút được lực lượng nam giới để vào sâu trong chiến trường. Và khi chị em đã vào đây thì quá dũng cảm, và đã làm được những việc kỳ diệu, việc của nam giới nhưng chị em làm hoàn chỉnh.”

Khốc liệt là thế nhưng những cô gái trẻ trong đội nữ công binh không lùi bước trước khó khăn gian khổ, không chồn chân trước sự hy sinh của đồng đội. Các cô động viên nhau, vẫn lạc quan yêu đời để cống hiến sức trẻ. Đêm xuống, cả trung đội bốc đá đổ ra ngầm, ngày gánh đá, trực barie, bảo đảm thông đường trong mọi tình huống. Bà Dương Thị Trình nhớ lại: “ Sốt rét trong chiến trường là chuyện bình thường, sốt rét rất nhiều, mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa sốt rét nhiều lắm. Có những chị cơn sốt vừa xong cũng xung phong đi phá bom, cũng xung phong đi lấp hố bom”.

Và cả những mất mát đến từ hậu phương, khi họ đang nỗ lực cho ngày chiến thắng. Ở quê nhà, gia đình nữ công binh Nguyễn Thị Lưu đã nằm dưới hố bom sâu, sau những trận bom kinh hoàng, chỉ còn lại người bà và hai em nhỏ. Bà Nguyễn Thị Lưu kể: “Bom Mỹ đánh, gia đình lúc đó tan hoang không còn cái chi cả. Nhưng được sự giúp đỡ đùm bọc của chị em làng xóm đem tranh tre vách lá đến dựng lại nhà cho bà”.

Trong hồi ức của các nữ công binh, họ không thể quên một ngày đang san lấp hố bom trên đèo, thì được lệnh Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội Trường Sơn, thăm tọa độ lửa đèo Phu la nhich. Gặp những người lính, đại tướng nói “chỉ có những ý chí thép mới có thể trụ lại ở chiến trường khốc liệt này”, và gọi tên Trung đội là “Trung đội nữ công binh thép”. Hỏi thăm ân cần nguyện vọng của chị em, Đại tướng hiểu các cô gái ở chiến trường thiếu thốn từ những vận dụng thiết yếu nhất. Bà Dương Thị Trình nhớ lại:“Khoảng 20 ngày sau đơn vị nhận được món quà của Bác gửi vào. Trong đó Bác có ghi Gửi tặng trung đội nữ công binh, trong đó là một1 bao tải bồ kết, 1 súc vải màn và 100 bánh xà phòng 702. Chị em mừng quá,  nhiều chị em đã khóc”.

38 cô gái trẻ trong trung đội, thì 18 cô đã hy sinh. Sau giải phóng, những người nữ công binh trở về với cuộc sống đời thường, với quê hương. Có người làm công chức. Có người ngày ngày quẩy quang gánh đi thu mua ve chai. Có người quanh năm cày cấy bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Người lập gia đình vì ảnh hưởng chất độc da cam nên khi sinh con dị tật. Người quá lứa lỡ thì không lấy được chồng,... Không nhiều người có được hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng họ vẫn tập hợp nhau trong tình đồng đội cũ, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.  

Câu chuyện về Trung đội nữ công binh thép - ảnh 2 Bà Dương Thị Trình trong buổi gặp lại Đại tướng sau 30 năm. - Ảnh tư liệu

Trong một lần xem truyền hình về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội cựu chiến binh Việt Nam năm 2003, các chị em Trung đội nữ công binh đã vỡ òa, khi thấy Đại tướng gửi lời nhắn: “Hồi bác vào chiến trường ở đèo Phulanhch có gặp Trung đội là những nữ công binh. Bây giờ ai còn sống, ở đâu, biên thư cho Trung ương hội hoặc biên thư cho bác biết.” Cô Trình kể: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi biết Đại tướng vẫn nhớ đến chúng tôi. Chúng tôi bố trí chị em ra thăm Đại tướng. Đại tướng bắt tay từng đồng chí và chúc: các đồng chí cùng gia đình mọi sự bình an tốt lành”.

Câu chuyện về Trung đội nữ công binh thép - ảnh 3Đại diện Trung đội nữ công binh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày gặp lại sau 30 năm. - Ảnh tư liệu 

Đại tướng chỉ đạo các cơ quan giám định thương tật cho các nữ công binh hưởng chế độ thương, bệnh binh và nhiễm chất độc da cam. Cuộc sống của họ bớt đi phần nào vất vả. Sau này, những cựu nữ công binh lại một lần nhận tin mời ra Hà Nội. Chương trình “Bông hồng thép” năm 2015 tại Nhà hát Lớn do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, đặc biệt Trung đội nữ công binh thép Đoàn 559 và các nữ doanh nhân tiêu biểu trong công cuộc đổi mới đất nước.

Câu chuyện về Trung đội nữ công binh thép - ảnh 4Trung đội nữ công binh được tôn vinh trong chương trình Bông hồng thép 

Hình ảnh những nữ chiến sĩ công binh năm xưa báo cáo trước anh linh Đại tướng trong lần ra Hà Nội lần thứ hai, như một giai điệu đẹp trong khúc tráng ca trọn vẹn về tình yêu tổ quốc.

Tin liên quan

Phản hồi

NGUYỄN THANH HOANH

Trung Đội Nữ Công Binh Thép . Bộ Đội Cụ Hồ phải được phong danh hiệu ANH HÙNG . Đó biểu tượng... Xem thêm

Các tin/bài khác