Cường độ bão số 2 (Mun) không mạnh lên, đổ bộ vào đất liền sáng ngày 4/7

(VOV5) -Đây là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại một số địa phương vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo nhận định của Trung tâm thì cường độ của bão Mun không mạnh lên, bão số 2 đang ở vị trí thấp hơn so với huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Thời điểm bão số 2 đi vào đất liền vào khoảng từ 4-7 giờ sáng 4/7 (khu vực trọng điểm bão đi vào là Hải Phòng và phía Bắc của Thanh Hóa) với cường độ gió mạnh cấp 6, một số khu vực ven biển có thể có gió giật cấp 7-8, có nơi cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão, trong đêm 3/7, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to thậm chí mưa rất to.

Cường độ bão số 2 (Mun) không mạnh lên, đổ bộ vào đất liền sáng ngày 4/7 - ảnh 1Vị trí đường đi của Bão số 2 cập nhật sáng 4/7 

Ngày 3/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ban hành Công điện gửi UBND các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an về việc ứng phó khẩn cấp với bão Mun.

Nội dung Công điện nêu rõ: Hiện nay, bão Mun đang tiếp tục di chuyển về đất liền Việt Nam. Theo dự báo, bão Mun có khả năng đổ bộ vào  khu vực ven biển Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nguy cơ  lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, đặc biệt là một số tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Đây là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại một số địa phương vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Để hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.

Để ứng phó bão Mun, các địa phương dồn sức chống bão, đảm bảo an toàn cho dân. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, toàn bộ 2.137 tàu thuyền với hơn 6.000 lao động tỉnh Nam Định khai thác thủy hải sản trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Hơn 1.000 lều, chòi với trên 1.300 lao động nuôi trồng thủy sản, nuôi ngao khu vực ngoài đê biển cũng đã vào bờ.

Trước khi có bão Mun, từ ngày 2/7, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tàu đưa khoảng 4 ngàn khách du lịch khẩn trương vào bờ tránh bão. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong bão Mun, Quảng Ninh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 11 giờ ngày 3/7 đối với tàu du lịch và tàu chở khách ra các tuyến đảo. Các giải pháp đảm bảo an toàn cho những người ở lại trên các đảo cũng đã được chủ động triển khai. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác