Để quá khứ luôn đẹp trong hiện tại

(VOV5) - Vượt lên tất cả, những người lính không quên ký ức để tiếp tục sống với niềm lạc quan và mong muốn cống hiến.

Chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi đau cho tới ngày hôm nay. Vượt lên tất cả, những người lính không quên ký ức để tiếp tục sống với niềm lạc quan và mong muốn cống hiến. Bên cạnh họ, có gia đình và xã hội quan tâm, hỗ trợ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đi cùng cháu tới buổi lễ ra mắt sách về những người chiến sĩ, đại tá Nguyễn Ích Trung, Phó ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam rất vui. Những kỷ niệm cách đây mấy chục năm lại khiến ông bồi hồi. Ông say sưa kể chuyện, nhớ rất nhiều, cho dù giờ đây chiến tranh là chỉ dĩ vãng và những vết thương cũng như nỗi đau da cam không làm ông cảm thấy mệt mỏi: “ Kỷ vật của chúng tôi chuyển cho bảo tàng Hà Nội. Cách tổ chức của cơ quan chức năng để tạo không khí cho thế hệ sau hiểu trong chiến tranh khó khăn như thế nào? Khi tôi trở về miền bắc còn chưa đến 38 kg, hồng cầu thiếu mà có lẽ đi ra miền bắc bằng cái đầu. Khi ra vẫn nhớ quý trọng dân nuôi mình”.

Để quá khứ luôn đẹp trong hiện tại - ảnh 1

Các cựu chiến binh huyện Chư Prông chia sẻ kinh nghiệm sản xuất 

Nhắc tới những kỷ vật của người lính như những lá thư, những câu chuyện thời chiến, đại tá Nguyễn Ích Trung vẫn xúc động và tự hào. Bởi sẽ không ai quên được những người lính như ông, quên được những đóng góp của họ cho đất nước. Người cháu của ông cũng tình nguyện đưa ông tới đây để tận mắt được nhìn thấy những người lính già sau bao năm lại gặp lại nhau, nghe những câu chuyện của họ để hiểu hơn về giá trị của sự hy sinh.

Có lẽ vậy mà những người cựu chiến binh như đại tá Nguyễn Ích Trung, hay anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thiếu tướng Nguyễn Văn Lai vẫn cảm thấy mình là người may mắn vì đã được trở về, được những người thân yêu chờ đợi. Còn biết bao người lính đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Những người trở về hôm nay đang hàng ngày, hàng giờ khát khao được  cống hiến, đóng góp cho xã hội với suy nghĩ: để những hy sinh không uổng phí và thời gian không trôi qua vô ích.

Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh  Việt Nam trên cương vị của mình đã tập hợp, đoàn kết các cựu chiến binh, kết nối với các Hội cựu chiến binh người Việt ở nước ngoài, tổ chức nhiều hoạt động, phát động các phong trào từ thiện, phát triển kinh tế, hướng về biển đảo. Chính từ các phong trào này, tinh thần của những cựu chiến binh, phẩm chất người lính luôn tỏa sáng, vững vàng trước mọi khó khăn. Trung tướng Nguyễn Song Phi chia sẻ: “ Những người lính quân đội hoàn thành nghĩa vụ trở về với nhân dân, địa phương luôn tâm niệm ngoài việc của xã hội đóng góp,  tự vươn lên còn giúp nhau làm từ thiện, xóa đói giảm nghèo mà lien quan tới con em cựu chiến binh bị nhiễm chất độc. Quỹ vì đồng đội, quỹ vì trường sa… lên tới 103 tỷ đồng để đầu tư cho chính quyền địa phương hỗ trợ các nạn nhân..”.

Chính sách đối với người có công, với con em gia đình của người lính luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thể hiện rõ nhất là chính sách hỗ trợ đối với người có công, con em của họ, thương binh, bệnh binh. Ngoài hỗ trợ trong cuộc sống, chính quyền và các tổ chức Hội còn trợ giúp tìm việc làm. Nhiều cựu chiến binh đã vươn lên làm giàu,đóng góp cho xã hội và giúp đỡ được nhiều đồng đội. Ngoài ra, các cựu chiến binh cũng được quan tâm chăm sóc về sức khỏe và các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần. Hội nạn nhân chất độc da cam cũng triển khai dự án thải độc, xông hơi cho các cựu chiến binh và những người phơi nhiễm cũng như tiếp tục làm sạch môi trường.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân dân chất độc da cam dioxin cho biết hoạt động của Hội như sau: “Ban bí thư ra chỉ thị 43  yêu cầu bộ nganh quan tâm sức khỏe cho nạn nhân da cam.  Chỉ thị quán triệt đến cấp ủy, chính quyền địa phương. Quốc hội hoàn chỉnh chính sách đối với người có công. Các nạn nhân thế hệ thứ nhất tham gia kháng chiến được hưởng ưu đãi. Còn hội thì thăm hỏi tặng quà và hỗ trợ về mọi mặt”.

Chiến tranh chỉ còn là quá khứ nhưng hậu quả sẽ còn hiện hữu trong đời sống thường nhật, trong nhiều gia đình. Nhưng nỗi đau sẽ vơi bớt khi được san sẻ, cảm thông từ những tấm lòng. Sự chung sức của xã hội đối với những người lính, người thân của họ và tấm lòng của những người lính với nhau trong hiện tại luôn là những điểm sáng tô đẹp cho cuộc đời. Phẩm chất của những người chiến sĩ vẫn luôn được khơi dậy và là cầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác