Đồng quản lý rừng ngập mặn giúp khôi phục “lá chắn” xanh ven biển

(VOV5) -Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), rừng phòng hộ nơi đây phát triển xanh tốt, từng ngày vươn ra biển, tạo thành một tấm lá chắn bảo vệ cuộc sống, tài sản của bà con.

Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển là mô hình đang được đông đảo bà con ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, tham gia và thực hiện rất hiệu quả. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), rừng phòng hộ nơi đây phát triển xanh tốt, từng ngày vươn ra biển, tạo thành một tấm lá chắn bảo vệ cuộc sống, tài sản của bà con.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Khu vực ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, phủ màu xanh mướt bởi cánh rừng ngập mặn gồm cây đước, mắm, bần, cao ngút ngát, trải dài khoảng 2 km trên tuyến ven biển. Ít ai biết rằng, khoảng 20 năm trước, khu này là một bãi đất bồi, cây thưa thớt, nhiều nơi sóng biển đánh vào bờ cuốn trôi đất đai, hoa màu và uy hiếp đến tính mạng của người dân. Thời điểm đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã tính đến giải pháp di dời nhân dân vào khu vực an toàn, đồng thời triển khai trồng lại rừng để chắn sóng bảo vệ bờ biển.

Đồng quản lý rừng ngập mặn giúp khôi phục “lá chắn” xanh ven biển - ảnh 1Rừng phòng hộ xã Vĩnh Hải (Sóc Trăng) phát triển tốt ( Saigon Online)

Ông Thạch Soal, Nhóm trưởng “Đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển” ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: "Hồi đó lực lượng kiểm lâm mỏng, chính quyền địa phương cũng ít quan tâm nên rừng thường xuyên bị chặt phá. Lúc đó thì người dân cũng còn nghèo, thiếu thốn, không khá giả như bây giờ, nên một số người vào rừng chặt lấy củi này kia làm cho rừng bị hao hụt nhiều, không phát triển".

Nhiều giải pháp được địa phương đưa ra thực hiện nhưng năm 2009, khi mô hình Đồng quản lý rừng phòng hộ được triển khai dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thì hiệu quả được phát huy cao, cây rừng mới bám đất và phát triển. Ngày đầu triển khai, mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ấp Âu Thọ B có 240 thành viên, trên diện tích hơn 110 hec ta. Tất cả đều là những người dân sinh sống, gắn bó với vùng ven biển này, bởi vậy, bà con xem mảnh đất của mình vừa là tài sản, vừa là tình cảm, không thể rời xa. Ban quản lý dự án đã trao quyền làm chủ bảo vệ rừng cho bà con và công khai lợi ích kinh tế thu từ rừng cho nhân dân. Ông Thạch Bun Thone, Thành viên tham gia dự án trồng rừng, chia sẻ: Bên cạnh việc có trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên rừng, các thành viên tham gia mô hình được cấp thẻ ra vào rừng khai thác củi, các nguồn lợi thủy hải sản dưới tán rừng như tôm, cua, cá để phục vụ cuộc sống một cách công khai, minh bạch. Người dân tự giám sát lẫn nhau với một mục đích chung là bảo vệ rừng, để khai thác một cách bền vững, lâu dài. :"Ven bờ biển thì gia đình nào cũng có một ít diện tích đất để sản xuất, nếu mà có người chặt phá thì rừng sẽ mất đi, nước biển sẽ vào bờ, gây thiệt hại đất sản xuất phía trong. Đây là điều thúc đẩy tôi vào nhóm đồng quản lý rừng chung tay cùng mỗi người bảo vệ rừng. Ông Thạch Bung Thone nói

Hiện nay, ngoài nguồn lợi tự nhiên, để tăng thêm phần hiệu quả của mô hình, nhóm đồng quản lý còn triển khai thí điểm nuôi ốc len dưới tán rừng. Đây là loài thủy sản dễ nuôi,  có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ thuận lợi, nên được đông đảo bà con chú trọng phát triển. Anh Thái Đăm, Thành viên đồng quản lý rừng ngập mặn ấp Âu Thọ B, chia sẻ nhờ thu nhập khá từ nguồn lợi dưới tán rừng mà cuộc sống bà con ven biển giờ ổn định hơn: " Mình vừa thu lợi hải sản tự nhiên như ốc, cua, đồng thời cũng thu lợi từ ốc len nuôi trong rừng luôn".

Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ở ấp Âu Thọ B được phân thành 4 khu để quản lý, bao gồm, khu phòng hộ, khu phục hồi bên trong, khu phục hồi bên ngoài và khu sử dụng bền vững. Mỗi khu giữ vai trò riêng, từ bảo vệ cho các loại thủy sản có nơi trú ngụ, sinh sản, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái, ngăn sóng, hạn chế sạt lở  cho đến  mở rộng  vành đai rừng phòng hộ.

Phát huy hiệu quả và là sợi dây gắn kết sự hợp tác giữa ngành chức năng với bà con, cùng chung sức bảo vệ tài nguyên ven biển, mô hình cũng góp phần phần giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo ông Thạch Soal, Trưởng nhóm đồng quản lý rừng ấp Âu Thọ B, những năm qua, nhóm 0 đã cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tăng cường trồng thêm nhiều diện tích rừng mới, mở rộng đai rừng ngập mặn do nhóm quản lý lên tổng diện tích 370ha. "Khi nào rừng rậm rạp thì mình sống cũng yên tâm, không lo sợ sóng gió.Đê biển cũng được bảo vệ, không cần làm bằng bê tông, vì như vậy còn vững chắc hơn bê tông nữa do có rừng bảo vệ rồi, rừng đã trải dài xuống biển đến hơn 1000m. Khi nào mà có rừng nhiều thì tôm, cá cũng nhiều cho anh em trong nhóm bắt phục vụ cho cuộc sống". Ông Thạch Soai cho biết.

Là điểm sáng trong việc phối hợp trồng, bảo vệ rừng, cùng chia sẻ lợi ích từ nguồn thiên nhiên ban tặng một cách bền vững, hiệu quả, Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển thực hiện ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã giúp người dân thay đổi nhận thức, chung tay bảo vệ rừng. Cách làm nay đang được nhân rộng ở các cánh rừng ven biển ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đồng quản lý rừng ngập mặn giúp khôi phục “lá chắn” xanh ven biển - ảnh 2

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác