Giáo dục và định hướng khởi nghiệp cho thanh niên

(VOV5) - Hiện nay, trên cả nước đang có phong trào khởi nghiệp, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được đưa vào thực hiện.

Vấn đề khởi nghiệp là một trong những chủ trương lớn được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chú trọng và đẩy mạnh, thông qua các hoạt động của phong trào Đoàn. Chính vì vậy, những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp dần được hình thành, nhiều doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp thành công.

Giáo dục và định hướng khởi nghiệp cho thanh niên - ảnh 1

Các đại biểu điều hành Diễn đàn - Ảnh: laodongxahoi.net

Tại diễn đàn đối thoại “Khởi nghiệp, việc làm – Cơ hội, thách thức của thanh niên Việt Nam”, diễn ra ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết công tác định hướng nghề nghiệp cũng như các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục phát triển. Một trong tâm là giúp thanh niên có việc làm ổn định, thu nhập chính đáng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018 sẽ là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp: "Một trong những khâu đột phá trong bồi dưỡng đào tạo phát triển nhân lực chính là giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đang lấy ý kiến xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn. Hướng tới giáo dục nghề nghiệp phải làm sao lượng người học đông lên, học nghề ra là phải có việc làm và thu nhập phải ngày càng cao hơn”.

Để giúp các thanh niên khởi nghiệp bền vững, Quỹ Tài năng trẻ, thuộc Trung ương Đoàn có nhiệm vụ hỗ trợ các thanh niên khởi nghiệp về vốn, kỹ thuật, cây con giống cũng như hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình trồng chọt và chăn nuôi.

Giáo dục và định hướng khởi nghiệp cho thanh niên - ảnh 2

Các đại biểu thanh niên đề xuất ý kiến với lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương - Ảnh: laodongxahoi.net

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, được sự hỗ trợ của Quỹ Tài năng trẻ, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã biến ý tưởng, đam mê của mình thành hiện thực. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 100 doanh nghiệp, hơn 40 hợp tác xã và trên 600 trang trại kinh tế do thanh niên làm chủ, có mức thu nhập hàng năm đạt từ 50 triệu đồng trở lên, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Anh Hoàng Anh, Trưởng ban thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị, Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc, chia sẻ: "Chúng tôi cũng đã thành lập Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp quy tụ các anh em thanh niên đang có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp nhỏ, giúp nhau phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên đang hỗ trợ thanh niên thông qua Quỹ tài năng trẻ của tỉnh. Tử năm 2006 đến nay đã hỗ trợ cho gần 1.000 mô hình của thanh niên với dư nợ khoảng 7,8 tỷ đồng. Tại địa phương, thanh niên cũng được giao quản lý nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách gần 240 tỷ đồng".

Hiện nay, trên cả nước đang có phong trào, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được đưa vào thực hiện. Vì vậy, việc hỗ trợ về khung khổ pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp nói riêng, doanh nhân khởi nghiệp nói chung, đã được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, cho biết: "Chính phủ đã có định hướng trong việc thúc đẩy thành lập mạng lưới cố vấn, tư vấn cung cấp dịch vụ quản trị cho doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tư vấn. Hiện Bộ Kế hoạch đầu tư trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nội dung xây dựng, thúc đẩy mạng lưới tư vấn viên, bao gồm cả tư vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp".

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng có phương thức hỗ trợ trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp. Bộ, ngành, địa phương bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp thanh niên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác