Hội thảo tại Thụy Sĩ về quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh

(VOV5) - Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm lên tới 6,13 triệu ha, chiếm gần 19% tổng diện tích cả nước.

Hội thảo về quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh do Trung tâm quốc tế Geneva về rà phá bom mìn nhân đạo (GICHD) tổ chức hôm 05/09, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ.

Hội thảo tại Thụy Sĩ về quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh - ảnh 1 Tháo gỡ bom mìn. (Ảnh: ANTĐ)

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ cùng đại diện Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nhiều nhất và gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm lên tới 6,13 triệu ha, chiếm gần 19% tổng diện tích cả nước. Đại sứ khẳng định Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng bằng nguồn lực quốc gia nhằm khắc phục hậu quả bom mìn. Cùng với đó, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã hợp tác với GICHD nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Bên cạnh đó, GICHD còn hợp tác với Kênh Truyền hình quốc phòng của Việt Nam sản xuất phim tài liệu tựa đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn”. Được thực hiện tại châu Âu và Việt Nam, “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn” đề cập những vấn đề cơ bản về Quản lý rủi ro trong khắc phục hậu quả bom mìn, tình trạng ô nhiễm bom mìn và khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, đại biểu đến từ nhiều quốc gia phát biểu ý kiến về vấn đề quản lý rủi ro bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đại sứ Stefano Toscano, Giám đốc GICHD cho rằng kinh nghiệm thu được từ dự án tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xử lý bom mìn còn sót lại tại các nước trong khu vực như Lào và Campuchia. Trong khi đó, đại diện Vương quốc Anh chia sẻ khó khăn đối với công tác quản lý bom mìn tại các nước Đông Nam Á.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác