Lần đầu tiên, đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường tại Việt Nam

(VOV5) - Chương trình đáp ứng sự mong mỏi của xã hội về xây dựng một đội ngũ chính quy, có trình độ trong việc giúp đỡ, bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ em Việt Nam

Sau rất nhiều nỗ lực của những người trong ngành, các Bộ ngành có liên quan cũng như sự đóng góp tích cực từ tổ chức Liên hiệp tâm lý học đường quốc tế CASP-I,, hai chương trình đào tạo cấp thạc sỹ trong ngành tâm lý học đường tại Việt Nam sẽ chiêu sinh vào tháng 8/2018 với tên gọi Tâm lý học Trường học ở ĐHSP Hà Nội và Tham vấn Học đường tại Đại Học Giáo Dục Hà Nội.

Lần đầu tiên, đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường tại Việt Nam - ảnh 1

Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, người Việt ở Mỹ, nguyên chủ tich CASP-I: “Trong cả hai chương trình này, CASP-I đều được hân hạnh làm việc cùng nhóm giảng viên và lãnh đạo tại trường trong suốt nhiều tháng để thiết kế chương trình. Chương trình tại mỗi trường được thiết kế dựa trên khung chương trình tống quát do CASP-I xây dựng căn cứ theo tiêu chí hành nghề của NASP và tiêu chí đào tạo của ISPA (Hiệp hội tâm lý học đường Quốc tếi) nhưng phù hợp với nhu cầu của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam trong 10 năm qua của CASP-I. Mục đích của việc xây dựng theo tiêu chuẩn của hai tổ chức nói trên là để học viên tốt nghiệp từ hai chương trình này có thể tiếp tục học lên chương trình Tiến sỹ tại các trường có ngành này trên thế giới và các trường theo khung chương trình này có thể xin chuẩn nhận bởi hiệp hội ISPA sau khi kết thúc khóa đào tạo đầu tiên.”

Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của các trường, có những trường chỉ tham khảo chương trình mẫu do CASP-I đề ra, họ sẽ xây dựng chương trình của mình. Đó là trường hợp của ĐHSP Đà Nẵng chẳng hạn. Riêng Đại học Giáo dục, khi soạn thảo, họ đưa 1 khung chương trình và bên CASP-I cũng đưa ra 1 khung chương trình, ha bên so sánh, trao đổi lẫn nhau, có mang tính chất thuyết phục, chứng minh một số học phần có tính chất quan trọng và phù hợp với tình hình địa phương hoặc tình hình của ban giảng huấn địa phương.” – Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nói.

Lần đầu tiên, đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường tại Việt Nam - ảnh 2Một khóa đào tạo do ĐHSP Hà Nội cùng các chuyên gia nước ngoài tổ chức - Ảnh: Báo Dân trí  

Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương: Trong tiến trình tư vấn cho chương trình đào tạo tại hai Đại Học này, CASP-I đã sáng tạo đáp ứng nhu cầu đặc thù, đặc biệt là đối tượng tuyển sinh dự kiến của từng trường. Tại Đại học giáo dục, đại học quốc gia Hà Nội, sinh viên sau khi chọn học trình và làm luận án tốt nghiệp có thể chọn ba hướng chính trong chuyên môn theo cách phân chia của Hoa Kỳ: Tâm lý Học đường, Tham vấn Học đường, và Công tác Xã hội Học đường ở các cấp tiểu, trung học khác nhau. Tại Đại học sư phạm Hà Nội, sinh viên khi chọn học trình sẽ được tư vấn để chọn các lớp phù hợp với môi trường làm việc trong tương lai: giảng dạy tại các đại học sẽ mở ngành này, tham gia các đề án tâm lý và giáo dục của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, làm việc hay mở các trung tâm tham vấn tâm lý, làm việc tại các trường có phòng tâm lý, v.v...

Giảng viên sẽ đảm nhận các học trình trong chương trình đào tạo của hai trường đại học này đều có người đã tốt nghiệp ở các đại học quốc tế trong chuyên ngành Tâm lý Học đường. Đặc biệt với sự tư vấn của tiến sĩ Lê Nguyên Phương, Đại học Sư phạm Hà Nội đã thành lập Faculty Mentorship Program (Chương trình cố vấn giảng viên), hiện nay do Giáo sư Michael Hass, Đại học Chapman, điều phối.

Hơn 20 giáo sư thuộc tổ chức Trainers of School Psychologist (TSP - Hội đào tạo nhà tâm lý học đường)  tại Hoa Kỳ, đã nhận lời hướng dẫn cho các giảng viên Đại học sư phạm trong chương trình đào tạo sắp đến trong viêc tuyển chọn tài liệu, cập nhật nội dung giảng dạy, v.v... Mỗi nhóm giảng viên dạy một học phần sẽ được 1 đến 2 giáo sư Mỹ kèm cặp để nội dung và phương pháp giảng dạy tốt hơn.

TSP là hội duy nhất ở Hoa Kỳ quy tụ tất cả những giáo sư đầu ngành đang đào tạo chuyên gia tâm lý học đường tại các trường đại học. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, ông cũng rất ngạc nhiên khi các giáo sư Hoa Kỳ đã tham gia đông đảo vào chương trình như vậy, mặc dù không hề có thù lao.

Thực sự cho tới nay mọi hoạt động của CASP-I vẫn là thiện nguyện và miễn phí, và tôn trọng tự do, tự chủ của mỗi thành viên tại Việt Nam. Nên từ đó chương trình có thể xem như không thống nhất, ở chỗ tùy mỗi trường đại học có nhu cầu và tình hình giảng viên như thế nào. Chẳng hạn có những chương trình mà không thể có giảng viên, thì có thể những năm đầu tiên họ sẽ không mở những học phần đó. Tới khi đào tạo được giảng viên có trình độ giảng dạy học phần đó thì họ mới đưa vào chương trình chẳng hạn. Nhu câu đó rất lớn. Tôi thấy hầu hết các đại học mà CASP-I có dịp cộng tác ở Việt Nam là tùy theo tình hình thực tế của giảng viên, bắt buộc tạo điều kiện cho những giảng viên đang giảng dạy những bộ môn khác cũng có điều kiện tham gia vào chương trình mới. Nên trong tương lai vấn đề đào tạo giảng viên nguồn rất quan trọng. Cái đó thì đòi hỏi kinh phí lớn hơn việc chỉ là trao đổi trên email, trên điện thoại, skype để hoàn thiện một chương trình trên giấy tờ mà thôi.” – Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết.

Một nỗ lực song song của CASP-I liên quan đến ngành tâm lý học đường tại Việt Nam là việc hỗ trợ GS.TS. Paul Jantz, thuộc Texas State University, hiện là thành viên của Hội đồng Cố vấn của tổ chức TSP, xin quy chế Học giả Fulbright và tài trợ Bộ Ngoại giao Hoa kỳ để qua làm việc với Khoa Tâm lý thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà nội, để tư vấn cho đại học này các chủ đề liên quan đến việc đào tạo tâm lý học đường.

Cũng theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, với nhu cầu tâm lý tại học đường Việt Nam hiện nay, hơn bao giờ hết việc xuất hiện các chương trình đào tạo chính quy mang tiêu chuẩn quốc tế, do chuyên viên quốc tế hỗ trợ thiết kế là điều đáng mừng: “CASP-I hãnh diện được đồng hành cùng các bạn trong ngành Tâm lý học trong việc xây dựng ngành, nghề, và dịch vụ Tâm lý Học đường tại Việt Nam. Và CASP-I hy vọng được gặp mặt tất cả những ai quan tâm đến hoạt động này tại Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế tại Việt Nam lần VI sẽ được tổ chức tại Đại học Sư phạm Hà Nội vào 3 ngày 1 -3 tháng 8 năm 2018.”

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng bày tỏ hy vọng các chương trình đào tạo chuyên sâu ngành tâm lý học đường như vậy sẽ xuất hiện tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, bởi “với nhu cầu hiện nay, có thêm 5-6 trường nữa chắc cũng chưa đáp ứng đủ.”

Sự ra đời chuyên ngành đào tạo tâm lý học đường của ĐHSP Hà Nội và ĐH Giáo dục Hà Nội với nỗ lực thúc đẩy ứng dụng Tâm lý học- Giáo dục học trong đời sống; góp phần triển khai thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường phổ thông của Bộ Giáo dục - đào tạo, phần nào đáp ứng sự mong mỏi của xã hội trong việc xây dựng một đội ngũ chính quy, có trình độ trong việc giúp đỡ, bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ em Việt Nam.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác