Lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 tiếp tục lan tỏa tình yêu Hà Nội

(VOV5) - Năm nay, Hội đồng Giám khảo đã chọn 12 đề cử chính thức của Giải thưởng và  trao 6 giải thưởng ở 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, giải Tác phẩm, giải Ý tưởng, giải Việc làm.

Lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 năm 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội. Giải thưởng do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái thực hiện từ năm 2008 nhằm tìm tòi, phát hiện, tôn vinh các tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội".

Lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 tiếp tục lan tỏa tình yêu Hà Nội - ảnh 1Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý trao Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội cho ông Nguyễn Bá Đạm - Ảnh:hanoi

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ trao giải “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” là một giải thưởng thường niên, đã khá quen thuộc trong hơn 10 năm qua. Năm nay, Hội đồng Giám khảo đã chọn 12 đề cử chính thức của Giải thưởng và  trao 6 giải thưởng ở 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, giải Tác phẩm, giải Ý tưởng, giải Việc làm.

Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội. Là “ông giáo”, hay “nhà sưu tầm”, “nhà nghiên cứu” Nguyễn Bá Đạm (sinh năm 1922 tại Hà Nội) có thể công chúng chưa biết nhiều vì ông luôn làm việc thầm lặng. Nhưng những ai biết đến ông đều ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp và không kém phần tao nhã, thanh lịch trong đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du trọng thị với các danh sĩ Hà Nội cùng thời. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, uyên bác, mà sử dụng rất nhiều những ký ức, trải nghiệm của bản thân, để với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng. Đó là những cuốn như “Thuở ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19-20”. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, cho biết: “Thông điệp về tình yêu thì nó vô cùng, rất khó so sánh nhưng có duy nhất một điều là sự trọn đời, sự tận tụy, đam mê và những giá trị mà xã hội đang hết sức quý trọng như những con người sống rất khiêm nhường và giữ được cốt cách của người Hà Nội. Đó là những điều chúng tôi nghiêng về ứng cử viên là một vị lão thành có cả một sự cống hiến hết sức bình dị nhưng sâu sắc”.

Hiện ông Nguyễn Bá Đạm đang gấp rút hoàn thiện bản thảo “Hà Nội xưa kia”, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2018. Không dừng lại ở đó, vào năm 2019, ông dự định in cuốn sách về các danh họa của Hà Nội trong đó tập trung vào bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

Lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 tiếp tục lan tỏa tình yêu Hà Nội - ảnh 2 Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý trao Giải việc làm - Vì tình yêu Hà Nội cho các tác giả - Ảnh: hanoi

Tiếp tục mạch cảm xúc trân trọng các giá trị mang tính khám phá, lưu giữ ký ức, câu chuyện và hình ảnh của Hà Nội, hạng mục Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay tôn vinh tập thơ “Ta còn em” của nghệ sỹ tài hoa Phan Vũ và bộ phim “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier. “Ta còn em” mở đầu bằng trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” (gồm 443 câu thơ chia thành 24 khổ). Phan Vũ không chỉ là nhà thơ. Ông còn là một đạo diễn, biên kịch và họa sỹ tài hoa. Bởi vậy, thơ ông đậm chất họa. Có thể nói, 24 khổ thơ của “Em ơi, Hà Nội phố” được ví như 24 bức họa về Hà Nội, được vẽ bởi chính những ký ức và hoài niệm của tác giả với Thủ đô.

Ở một mạch nguồn khác, bộ phim tài liệu “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) là hành trình khám phá những “bí mật nhỏ” về Hà Nội. Kiến trúc là đề tài được Jean Noel Poirier đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời lượng phim. Cựu Đại sứ Pháp quan sát kiến trúc của Hà Nội một cách tỉ mỉ, để đưa ra kết luận thú vị: “Một thành phố hấp thụ ảnh hưởng của ngoại lai, gìn giữ và biến chúng thành của mình. Giống như trò ghép hình, mỗi người dân ở đây bổ sung vào bức tranh tổng thể về Hà Nội một miếng ghép của mình.”

Giải Ý tưởng năm nay được trao cho “Những đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối” của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và các nhà khoa học. Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối có diện tích khoảng 19.000m2, nằm trên địa bàn thôn Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Di chỉ được phát hiện từ năm 1969 và đã trải qua tám lần khai quật. Qua đó, hàng nghìn di vật đã phát lộ. Các nhà khoa học cho rằng khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ cách đây khoảng 3500 đến 1800 năm. Đây vừa là nơi cư trú vừa là nghĩa địa sớm nhất của Hà Nội, là bằng chứng hiếm hoi về những cư dân đầu tiên của thành phố. Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Cư dân của di chỉ Vườn Chuối này là những cư dân đầu tiên của Hà Nội. Khi tôi nói thông điệp đấy cho báo chí, cho lãnh đạo Thành phố Hà Nội thì họ hiểu ngay đây là của quý của Hà Nội. Tôi đã đưa ra niên đại của nó là 3.500 năm với Hà Nội và đây là những cư dân Hà Nội đầu tiên thì những cái đó đi vào cảm xúc của mỗi người”.

Hạng mục Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay tôn vinh hành động hiến tặng hai mỏ neo cổ cho Bảo tàng Hà Nội của ông Quách Văn Địch và Dự án phố bích họa Phùng Hưng. Theo các chuyên gia nghiên cứu cổ vật (đến từ Nhật Bản, Pháp và Canada), hai chiếc mỏ neo có niên đại từ thế kỷ 15, là hiện vật quan trọng, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu lĩnh vực giao thương đường thủy của Việt Nam trong lịch sử. Trước khi được hiến tặng (cuối năm 2017), hai chiếc mỏ neo cổ đã gắn bó với gia đình ông Quách Văn Địch gần hai thập kỷ. Ông Quách Văn Địch cho biết:“Hiện vật này được vớt ở sông Hồng, Hà Nội, tôi mua của những người thuyền chài. Hiện vật này là một trong những dấu ấn lịch sử, nói về Hà Nội, về sông Hồng, về việc ông cha ta ngày xưa đã hội nhập”. 

Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Dự án phố bích họa Phùng Hưng không chỉ dựa trên chất lượng nghệ thuật của công trình mà còn vì kế hoạch dài hơi muốn đánh thức không gian văn hóa công cộng ở các khu phố quanh cầu cạn đường sắt khu vực Long Biên.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội khẳng định tình yêu Hà Nội của nhiều người con Việt Nam và những người bạn quốc tế vẫn luôn mạnh mẽ và dạt dào. Tình yêu đó như dòng chảy, kết nối và lan toả nhiều giá trị tốt đẹp để góp phần xây dựng một Hà Nội đẹp đẽ, hiện đại và đáng sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác