Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu

(VOV5) - Quả bóng khổng lồ có thể nâng mình lên khỏi mặt đất do không khí bên trong được đốt nóng có tỉ trọng nhẹ hơn so với bên ngoài, tạo ra lực nâng. 

Nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác bay bổng, lướt theo gió từ trên bầu trời cao xanh, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn cảnh vật từ trên xuống với một góc nhìn hoàn toàn khác, thì khinh khí cầu là một phương tiện bay trên không đáp ứng những điều đó.

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 1Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế 2019

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Với mong muốn con người có thể bay như một chú chim trên bầu trời, ý tưởng về khinh khí cầu đã được các nhà khoa học nghiên cứu và sáng tạo. Khinh khí cầu bay được có thể hiểu nôm na là do một nguyên lý khoa học: Không khí nóng nhẹ hơn so với không khí lạnh, cho nên nó sẽ bay lên. Một khinh khí cầu bao gồm một túi lớn chứa không khí nóng; một chiếc giỏ đan bằng liễu gai dành cho khoang hành khách. Trong chiếc giỏ này có một bệ đốt sử dụng nhiên liệu propane. Nhờ những đột phá trong việc chế tạo lớp vỏ và sử dụng công nghệ buồng đốt propane, khinh khí cầu trở nên phổ biến và gần gũi với đông đảo công chúng.

Trong ba ngày diễn ra lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế 2019, ngay từ sáu giờ sáng, sân Hàm Nghi ở thành phố Huế tấp nập các đoàn phi công của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam. Từ trên ô tô, nhóm phi công khẩn trương khuân đồ xuống sân gồm vỏ khí cầu và giỏ mây chở hành khách. 

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 2Vỏ khinh khí cầu và giỏ mây được vận chuyển ra sân.
Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 3Đoàn Nhật Bản tiến hành mở vỏ khinh khí cầu.
Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 4 Lò đốt propane 
Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 5Bật thử khí propane

Phi hành đoàn tiến hành trải vỏ bóng ra sân. Tiếp đó, họ dùng một chiếc quạt có công suất lớn thổi không khí vào miệng khinh khí cầu.

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 6Khinh khí cầu đang dần phồng to lên.  
Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 7Khí propane được thổi vào bên trong vỏ khinh khí cầu. 

Sau khi quả khinh khí cầu được thổi đầy không khí và phồng to, người ta sử dụng khí đốt propane để thổi vào bên trong. Quả bóng khổng lồ từ từ nâng mình lên khỏi mặt đất do không khí bên trong được đốt nóng có tỉ trọng nhẹ hơn so với bên ngoài, tạo ra lực nâng. Quả bóng khổng lồ lung linh dưới ánh nắng sớm mai, có màu sắc đẹp rực rỡ.

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 8 Quả khinh khí cầu đang từ từ nâng mình lên khỏi mặt đất.
Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 9 Quả bóng khổng lồ lung linh dưới ánh nắng sớm mai.

Một nhóm ba đến năm người trong đội phi công ghì giữ chắc chiếc giỏ đan áp sát mặt đất cho tới khi các hành khách trèo vào bên trong. Sau khi ổn định chỗ đứng, phi công bật lửa liên tục ở bệ đốt sử dụng nhiên liệu propane đặt dưới miệng túi và khinh khí cầu dần cất mình bay lên. Ông Nguyễn Văn Hòa, đã nghỉ hưu được chục năm, cho biết đây là lần đầu tiên ông bước lên khinh khí cầu: “Tôi đi máy bay nhiều và quen lắm rồi, còn khinh khí cầu thì chưa. Khinh khí cầu có từ lâu rồi nhưng tôi mới chỉ xem thôi nên bây giờ đi thử cho biết. Tôi thấy rất thú vị. Lên khinh khí cầu cảm giác như mình ở trên nhà cao tầng nhìn xuống”.

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 10 Du khách đã sẵn sàng chuẩn bị cho những phút giây bay treo cùng khinh khí cầu.

Tại lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Huế 2019, có ba loại dịch vụ bay: Khinh khí cầu bay tự do, khinh khí cầu bay treo và khinh khí cầu mini bay biểu diễn. Mỗi khinh khí cầu bay tự do chỉ chứa tối đa hai đến ba khách và một đến hai phi công. Hành khách phải tuân theo sự hướng dẫn và điều khiển của phi công trong quá trình bay. Với giá 6 triệu đồng một người một lượt, du khách có thể chu du ngắm nhìn cung điện đền đài của cố đô xưa trong bán kính năm cây số tính từ điểm cất cánh với thời gian 40 đến 45 phút.

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 11Trải nghiệm trên khinh khí cầu

Anh Tawin, người Thái Lan, có thâm niên 10 năm là phi công tự do và đây là lần thứ hai, anh tham gia Lễ hội khinh khí cầu ở Huế: “Tôi đến Huế tôi rất sửng sốt trước cảnh đẹp của Huế. Bay trên khinh khí cầu có một cảm giác rất đặc biệt khi nhìn Huế từ trên cao, ngắm cảnh quan với dòng sông bên dưới rất đẹp. Từ đây có thể có những góc nhìn rất lạ so với ở bên dưới”.

Nếu muốn trải nghiệm từ 3 đến 5 phút trên khinh khí cầu bay treo với độ cao 50 mét, thì du khách chỉ mất 150.00đ/ một người/ một lượt.

Rất đông du khách thích thú với trải nghiệm này và đã kiên nhẫn xếp số chờ đến lượt: Nhật Anh chia sẻ: “Em chờ chơi bay khinh khí cầu bay treo. Chưa đi nên chưa biết cái này là cái gì. Ở Huế bây giờ là mùa du lịch nên là rất là đông đúc, nhộn nhịp. Lần đầu tiên em trải nghiệm khinh khí cầu bay treo nên rất phấn khích”.

Anh Paul Cawell, từ Sydney đến Huế dự lễ hội này thông qua lời mời của một người bạn. Anh nói anh thật may mắn khi có mặt ở đây: “Tôi nghĩ rằng nhiều người ở các quốc gia khác muốn đến và trải nghiệm lễ hội khinh khí cầu. Tôi nghĩ rằng ban tổ chức đã tiến hành thực hiện lễ hội này rất tuyệt vời để mọi người có thể đến đây và chiêm ngưỡng khinh khí cầu ở nhiều quốc gia”.

Lướt trên không trung cùng khinh khí cầu - ảnh 12 Sân Hàm Nghi nơi diễn ra sự kiện Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế 2019.

Sau ba lần tổ chức, Huế đã đáp ứng được yêu cầu của lễ hội khinh khí cầu mang đẳng cấp quốc tế. Các phi công nước ngoài cũng như du khách ấn tượng với không gian, cảnh quan đa dạng với thành quách, sông Hương, núi rừng, đồng ruộng, đầm phá của Huế. Được biết, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế sẽ được duy trì như một lễ hội thường niên, mang ý nghĩa của hoạt động văn hóa – thể thao – du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế để người dân địa phương cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế thỏa đam mê với những quả bóng khổng lồ đầy màu sắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác