Nâng cao chất lượng hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

(VOV5) - Đây là chủ đề của Hội nghị toàn quốc bàn giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài diễn ra sáng 8/3, tại Hà Nội. 


Nâng cao chất lượng hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - ảnh 1
Ảnh: VGP/Đình Nam


Theo Bộ lao động thương binh và xã hội, đơn vị tổ chức Hội nghị, nhiều năm qua, việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ kỹ năng cho một bộ phận lực lượng lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Khi người lao động đi xuất khẩu trở về thì họ lại chính là nguồn lực trong những lĩnh vực Việt nam cần về lâu dài, là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như nguồn lao động của Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động...



Để nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Phải mở rộng thêm được thị trường không chỉ là thêm quốc gia mà trong cùng 1 đất nước thì phải mở rộng ngành nghề mới, phân khúc mới theo hướng bớt dần lao động giản đơn. Thứ hai là phải có chính sách để mọi địa phương vào cuộc, cả hệ thống vào cuộc chứ không chỉ có chính quyền. Thứ ba là tăng cường công tác đào tạo. Việt Nam không chỉ tập trung đào tạo lao động cho các đơn vị trực tiếp đưa lao động đi xuất khẩu ngay mà phải đưa ra các mô hình đào tạo vào chương trình dạy nghề trong nước. Về phía Nhà nước, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có chương trình sửa đổi luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài".

Năm 2016, Việt Nam đưa gần 130 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó chủ yếu là thị  trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam đặt mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020, hàng năm đưa 100 đến 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70-80% là lao động đã qua đào tạo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác