Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm đưa cánh diều Việt Nam bay xa

(VOV5) - Ông Kiêm thấy vui vì sau quá trình làm việc không biết mệt mỏi, nghệ thuật chơi diều đã được nhìn nhận ngang hàng với nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác.

Bất kỳ ai từng đến làng Bá Dương Nội (tên nôm là Kẻ Bá, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đều bị mê hoặc bởi tiếng sáo diều. Từ trên không trung, những tiếng sáo du dương, trầm bổng vẳng xuống như có dàn nhạc ở lưng chừng trời. Để tiếng sáo diều làng Bá Dương Nội được gìn giữ đến hôm nay, không thể không nói đến công lao của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm. Ông chính là người nâng niu cánh diều sáo Kẻ Bá, đưa nghệ thuật chơi diều của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm đưa cánh diều Việt Nam bay xa - ảnh 1

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống chơi diều. Cha của ông là cụ Nguyễn Hữu Ngọ, người chơi diều nổi tiếng ở làng Kẻ Bá trước đây. Từ thủa lọt lòng đã tắm mình trong tiếng sáo diều vi vu, cậu bé Kiêm mê diều và đã sớm tự làm cho mình những con diều, cây sáo để thả lên không trung. Sau này trưởng thành, ông công tác trong ngành điện lực. Mê diều nên mỗi chuyến đi xa đến các tỉnh, ông thường cố hoàn thành công việc một cách nhanh nhất rồi tranh thủ thời gian tìm hiểu về thú chơi diều ở mỗi địa phương.

Năm 2005, ông được Trung ương Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tới năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Lĩnh vực mà ông được vinh danh rất hiếm, rất đặc biệt. Ông hiện là người duy nhất ở Việt Nam được công nhận danh hiệu cao quý này trong lĩnh vực nghệ thuật chơi diều.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm cho biết: “Đầu những năm 80 câu lạc bộ diều ở đây đã hoạt động rồi, chính thức năm 2004 thì tôi thành lập Câu lạc bộ chơi diều xã Hồng Hà. Khi đó câu lạc bộ có 15 người hiện nay lên 30 người. Đại lễ 1000 năm Thăng Long tôi là thành viên Ban tổ chức lễ hội thả diều chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long tại Mỹ Đình. Trước đó, 5 lần Festival diều quốc tế ở Vũng Tàu tôi được mời làm tư vấn cho thành phố Vũng Tàu tổ chức Festival diều quốc tế. Chúng tôi đã thành lập Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam thuộc Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tôi mong muốn Nhà nước sớm công nhận thú chơi diều là sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Về làng Bá Dương Nội, hỏi nhà Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm thì ai trong làng cũng biết bởi ông là người làm diều sáo giỏi nhất làng và rất am hiểu thú chơi diều. Với dân làng, ông như một “kho sách sống” về nghệ thuật chơi diều. Ông Phan Văn Hà, Trưởng Ban quản lý di tích làng Bá Dương Nội, cho biết: “Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm là người có công giữ lại nghề làm diều cho làng, truyền lại cho con cháu mai sau. Ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều xã Hồng Hà. Ông làm diều, làm sáo truyền dạy cho các con, cháu kế thừa nghề. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm từng được mời tham dự Festival diều Huế, Festival diều ở các nước như Thái Lan, Singapores, Malaysia, Pháp… Ông mang tinh hoa nghệ thuật chơi diều các nơi tới quê hương  và mang diều sáo truyền thống của làng Bá Dương Nội đi giao lưu, quảng bá tới các nước”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm đưa cánh diều Việt Nam bay xa - ảnh 2

Các diều dự lễ hội diều làng Bá Dương Nội

Vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều làng chơi diều sáo. Nhưng không đâu, âm thanh của tiếng sáo diều hay như ở làng Bá Dương Nội. Diều Bá Dương Nội bay rất cao, tiếng sáo kêu hay, vang rất xa. Ở Bá Dương Nội chỉ nghe tiếng sáo diều, là có người ta thể đoán được tính cách, tâm tư của người chơi. Và cũng chính nhờ Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm, tiếng sáo diều làng Bá Dương Nội nói riêng, sáo diều Việt Nam nói chung đã được thế giới biết tới. 

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm kể: “Tôi đã được mời đi dự Festival diều ở nhiều nơi trên thế giới. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có cánh diều truyền thống riêng nhưng diều sáo thì chỉ ở Việt Nam mới có. Tôi từng dự Festival diều ở Pháp, đây là Festival diều lớn nhất thế giới tổ chức 10 ngày liền có khoảng 50 nước tham gia. Khi Việt Nam mang diều sáo dự, Ban tổ chức có nói rằng Festival diều quốc tế không thể thiếu diều sáo Việt Nam. Sáo một coi như hát đơn ca, còn sáo đôi là hát song ca, chấp lên nhiều sáo thì như dàn đồng ca. Ngày xưa các cụ hay chơi sáo 1, sao đôi, ngày nay có khi chơi tới sáo 7, sáo 12. Tuy nhiên, kinh nghiệm các cụ để lại là sáo đôi là kêu hay nhất”.

Trở thành Nghệ nhân Ưu tú, ông Nguyễn Hữu Kiêm không coi đó là niềm vui riêng của mình. Ông thấy vui vì sau quá trình làm việc không biết mệt mỏi, nghệ thuật chơi diều đã được nhìn nhận ngang hàng với nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác. Điều đó góp thêm động lực cho giới trẻ làng Bá Dương Nội gắn bó với nghệ thuật chơi diều. Nay dù đã ngoài 70 tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm vẫn luôn đau đáu, tâm huyết trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chơi diều sáo ở quê hương mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Nguyên Vũ

Làm sao để tiếp cận được với diều của làng Bá Dương?

Các tin/bài khác