Nón lá sen – Một sản phẩm thủ công độc đáo ở xứ Huế

(VOV5) - Sản phẩm nón lá sen vừa gần gũi với thiên nhiên, độc đáo và mang bản sắc dân tộc Việt, tạo ấn tượng với du khách khi đến thăm thành phố Huế.

Từ hàng trăm năm nay, chiếc nón lá là một vật dụng che nắng, che mưa đối với phụ nữ Huế. Và chiếc nón lá được xem là biểu tượng đẹp gắn với hình ảnh của xứ Huế thơ mộng. Du khách khi đến Huế cũng thường tìm đến chợ Đông Ba, đến các làng nghề để tìm một vài chiếc nón mang về làm quà. Từ vẻ đẹp của chiếc nón lá, anh Nguyễn Thanh Thảo đã tiếp tục thổi hồn vào nón với tác phẩm nón lá sen, một sản phẩm du lịch vừa đẹp vừa mang tính thẩm mỹ cao.

Nón lá sen – Một sản phẩm thủ công độc đáo ở xứ Huế - ảnh 1 Nón lá sen, một sản phẩm lưu niệm độc đáo ở xứ Huế  

Nghe âm thanh tại đây: 

Sinh ra ở làng làm nón Đốc Sơ, thành phố Huế, anh Nguyễn Thanh Thảo đã nhiều lần trăn trở làm thế nào để tìm ra những sản phẩm lưu niệm, sản phẩm du lịch độc đáo nhưng vẫn mang đậm dấu ấn đất cố đô. Sau khi học xong khoa Đồ họa tạo hình, Trường nghệ thuật thuộc Đại học Huế, trong một lần ngồi bên hồ sen, anh Thanh Thảo nhớ lại tuổi thơ của mình với những trưa hè cùng chúng bạn ngắt lá sen đội lên đầu che nắng. Anh nảy ra ý tưởng tại sao không làm chiếc nón bằng lá sen. Bởi chiếc lá sen có hình dáng gần như chiếc nón với những đường vân nổi khá đẹp. Cộng thêm nữa lá sen dày, có độ dẻo, độ bóng.

Sau bao nhiêu lần làm đi, làm lại, cuối cùng ý tưởng đã trở thành hiện thực, niềm đam mê và sự kiên trì đã đưa anh đến thành công: “Tính chất của lá sen là không thấm nước. Điều đó đáp ứng được yêu cầu của chiếc nón là chịu được mưa, nắng. Để đạt được tiêu chuẩn của nón là sen, thứ nhất, lá sen phải đẹp, thứ hai là kĩ thuật chằm nón lá, thứ ba là kĩ thuật tái tạo màu. Tổng thể phải tạo độ hài hòa và đủ tiêu chuẩn của nón lá Việt Nam”.

Nón lá sen – Một sản phẩm thủ công độc đáo ở xứ Huế - ảnh 2 Anh Nguyễn Thanh Thảo trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Để làm được chiếc nón lá sen, ngoài việc thực hiện các công đoạn giống chiếc nón lá bình thường như chọn lá, lên khung, chuốt vành, đánh bóng..., thì cần sự cầu kỳ và tỉ mỉ hơn. Đầu tiên phải xử lý lá sen. Cụ thể, sau khi chọn được những chiếc lá sen tươi, có độ già vừa phải, lá sen được ủ bằng nước javel, sau đó phơi khô rồi mới đưa đi chằm nón. Lớp lá sen là lớp ngoài cùng của chiếc nón. Do vậy khi thực hiện công đoạn này, người thợ phải cắt lá sen sao cho thật khéo để giữ được đường vân và sóng của lá sen. Khâu cuối cùng là sơn bóng lên toàn bộ chiếc nón để bảo quản và giữ được sắc xanh nguyên bản của lá sen: “Đường kính của lá sen để chằm nón tầm 70 cm. Và điều đặc biệt mỗi chiếc lá sen không có lá nào giống lá nào nhờ đường vân lá khác nhau. Do đó, mỗi chiếc nón là một sản phẩm riêng biệt, tạo sự thích thú cho người sử dụng”.

Nón lá sen – Một sản phẩm thủ công độc đáo ở xứ Huế - ảnh 3Khách nước ngoài thích thú xem gian trưng bày nón lá sen và tranh sen của công ty Sen Thảo tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019. 

Sản phẩm nón lá sen của anh Thanh Thảo đã được nhận giải A Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017. Sản phẩm này không những được người dân thành phố Huế đón nhận mà còn vươn ra ngoài biên giới quốc gia đến với du khách của nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc. Anh Thảo cho biết sản phẩm nón lá sen nhằm mục đích quản bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, tạo ấn tượng với du khách khi đến thăm thành phố Huế. Mặt hàng lưu niệm này vừa gần gũi với thiên nhiên, độc đáo và mang bản sắc dân tộc Việt, như lời bà Lê Diệu Huyền: “Tôi thấy chiếc nón màu xanh có biểu tượng của lá sen rất là hay. Khi nhìn vào chiếc nón, người ta nhìn thấy màu xanh của lá sen.Và đặc trưng của Huế là sen. Tôi thích chiếc nón đó bởi vì mình cảm nhận được vẻ dịu dàng khi mặc cùng một chiếc áo dài sẽ rất dễ thương”.

Nón lá sen là sản phẩm mang tính nghệ thuật nhiều hơn là sản phẩm ứng dụng. Do đó, chiếc nón lá sen có giá 250.000 đ, cao hơn nón lá thông thường. Bà Bách Diệp, một người con xứ Huế cho biết: “Chiếc nón bài thơ của Huế rất là nhẹ nhàng, thanh thoát. Người ta chỉ làm hai lớp lá đội lên nhẹ nhàng, mát và nhẹ đầu. Còn chiếc nón lá sen mang biểu tượng về Huế khá đẹp nhưng đội hơi nặng. Đội nón lá sen mang một phong cách thời trang, điệu đà”.

Anh Thanh Thảo cho biết công ty Sen Thảo của anh đang triển khai kết hợp với các hãng lữ hành thành lập các tour tham quan làng làm nón, một mặt quảng bá nón lá sen đến với đông đảo du khách, mặt khác đó cũng cách tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng.

Nón lá sen – Một sản phẩm thủ công độc đáo ở xứ Huế - ảnh 4 Ngoài nón lá sen, Sen Thảo còn có các sản phẩm như tranh sen, lọ hoa bằng sen...

Ngoài việc làm nón lá sen, Sen Thảo còn thực hiện nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác từ sen như đèn lồng, quạt, tranh lá sen, lọ hoa lá sen v.v. Anh Trần Quốc Học, phụ trách mảng tranh sen, cho biết: “Khách rất hào hứng với tranh lá sen. Họ đến chụp ảnh nhiều. Ngay từ đầu, chúng tôi đã làm các sản phẩm về sen này vì bọn em hướng tới đó là sản phẩm mang đặc trưng của Huế để quảng bá về thành phố Huế. Chúng tôi đang phát triển theo chiều hướng các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch tới Huế có thể đem về, từ đó quảng bá rộng hơn cho thành phố Huế”.

Nón lá sen – Một sản phẩm thủ công độc đáo ở xứ Huế - ảnh 5 Anh Trần Quốc Học thực hiện các công đoạn làm hoa sen.

Say mê sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nón lá sen đã giúp họa sĩ Nguyễn thanh Thảo trưởng thành hơn và tiếp tục nung nấu thêm nhiều ý tưởng mới, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng giới thiệu đến du khách khi đến với xứ Huế mộng mơ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác