Nuôi dưỡng mầm xanh đất nước tự tin vươn lên vững chãi

(VOV5) -Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mầm non tương lai của đất nước. Vì thế, để giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tâm hồn thì công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em phải được chú trọng. Với mong muốn giúp “các mầm xanh ấy” vươn lên vững chãi, nhiều tổ chức, cá nhân bằng tâm huyết của mình đã thực hiện những dự án cộng đồng có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho thế hệ tương lai của Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong những năm qua, Việt Nam đạt được thành tựu đáng kể về cải thiện dinh dưỡng cho người dân. Tuy nhiên, tầm vóc của trẻ em Việt Nam nói chung so với các nước trong khu vực vẫn ở tình trạng thấp còi, chưa cân đối. Để cải thiện tình trạng này, năm 2011 chính phủ đã khởi động đề án 641 về phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030. Góp phần vào mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, từ năm 2013, tập đoàn sữa TH True Milk cùng với các doanh nghiệp khác tích cực tham gia chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng học đường’’cho trẻ.

Thạc sĩ Lều Thị Nguyệt Ánh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của TH cho biết: Nền tảng TH xây dựng và đồng hành chương trình sữa học đường là Từ năm 2013, TH là đơn vị đầu tiên hợp tác với các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành từ Viện dinh dưỡng quốc gia cùng với sự tư vấn khoa học của các chuyên gia Pháp, TH tiên phong phát triển công thức sữa chuyên biệt là sản phẩm phẩm sữa học đường, bổ sung các vi chất dinh dưỡng, khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Qua nghiên cứu lâm sàng thí điểm tại Nghệ An, sản phẩm sữa học đường TH được đánh giá có hiệu quả cải thiện thể trạng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em."

Nuôi dưỡng mầm xanh đất nước tự tin vươn lên vững chãi - ảnh 1Thực đơn ăn sáng cho bé của blogger Phan Anh Asheep. Ảnh PA 

Hiện nay, nếu như tình trạng trẻ suy dinh dưỡng xảy ra phổ biến tại các vùng nông thôn thì trẻ em tại các đô thị đang đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì. Các chuyên gia cảnh báo nếu các gia đình không lập tức kiểm soát chế độ ăn uống hàng ngày của các con, thì tình trạng béo phì tiếp tục gia tăng, gây ra những hậu quả rất xấu đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Nhận thấy nguyên nhân trẻ bị thừa cân, béo phì là do bữa ăn dinh dưỡng của gia đình truyền thống bị phá vỡ, lạm dụng đồ ăn nhanh, Phan Anh - chuyên gia ẩm thực, một blogger nổi tiếng với trang “Phan Anh Asheep” đã sáng tạo phong phú công thức nấu ăn đơn giản, đẹp mắt và đầy đủ dưỡng chất dành cho các bà mẹ bận rộn. Sáng kiến tô màu bữa cho bé và gia đình của Phan Anh truyền cảm hứng mạnh mẽ về tầm quan trọng của mâm cơm gia đình đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Bà mẹ của 2 cô gái nhỏ này còn mong muốn lan tỏa niềm đam mê với bếp núc cho các bé thông qua chương trình truyền hình “Nấu nướng thật vui” trên VTV3:

Nuôi dưỡng mầm xanh đất nước tự tin vươn lên vững chãi - ảnh 2Trẻ em luôn là đối tượng mà chị Phan Anh ưu tiên khi sáng tạo những công thức nấu ăn đẹp mắt và đầy đủ dinh dưỡng. - Ảnh nhân vật cung cấp 

“Trong những dự án, tôi luôn ưu tiên đối tượng trẻ em và bữa ăn gia đình. Đối với tôi, căn bếp là ngôi trường đầu tiên của trẻ nhỏ, là nơi trẻ nhỏ có thể trải nghiệm những kỹ năng trong cuộc sống. Việc các em vào bếp, chính là tạo cho các con một kỹ năng tổng hợp. Bản thân các em sẽ có tiếp xúc, trải nghiệm trong bếp với nguyên liệu, với món ăn, quan sát và hiểu được về dinh dưỡng. Những gì trải nghiệm trong ẩm thực là yếu tố quan trọng giúp con hình thành thói quen ăn uống tốt,  từđó tạo nên một nền tảng tốt cho sự phát triển thể chất”…Phan Anh chia sẻ,

Nuôi dưỡng mầm xanh đất nước tự tin vươn lên vững chãi - ảnh 3Sân chơi khu tập thể K7 Thành Công, Hà Nội

Bên cạnh cải thiện dinh dưỡng cho trẻ thì chuyện chơi của các em cũng là mối quan tâm lớn, nhất là khi không gian chơi ngoài trời của trẻ rất hạn chế. Thực trạng này khiến các em phải tìm đến những điểm chơi không an toàn như vỉa hè, lòng đường, ao hồ hoặc vùi đầu vào trò chơi ảo trên các thiết bị thông minh. Nhìn thấy thực tế đó, một nhóm thiện nguyện gồm phóng viên, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, sinh viên Hà Nội thành lập nhóm Nghĩ đến sân chơi trẻ em trong phố (Think Playgrounds) và quyết định “phải bắt tay làm điều gì đó cho các em”.

Điều đặc biệt là trong các dự án sân chơi của Think Playgrounds là tất cả đồ chơi đều được làm từ nguyên liệu tái chế, an toàn sử dụng, độ bền cao và được sắp đặt tự do sáng tạo, thiết kế ngộ nghĩnh.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt nhóm trưởng cho biết: Khi chúng tôi đề cập làm một sân chơi, mọi người thường nghĩ đến làm cái gì đó kiên cố hoặc nghĩ là chúng tôi làm thương mại. Nhưng không phải thế. Điều chúng tôi muốn là làm thay đổi nhận thức của mọi người về sân chơi cho trẻ và biết đâu đấy, những sân chơi như thế sẽ tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng. Khi đó không phải chúng tôi làm nữa mà chính họ, những người dân sẽ quyết định là cần phải có sân chơi cho các em.”

Nuôi dưỡng mầm xanh đất nước tự tin vươn lên vững chãi - ảnh 4Những đồ chơi được thiết kế màu sắc, ngộ nghĩnh và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường 

Sau 5 năm hoạt động nhóm Think Playgrounds xây dựng nhiều sân chơi miễn phí cho thiếu nhi ngay tại khuôn viên các khu tập thể, trong trường học, nhà văn hóa ở các quận, huyện của Hà Nội. Ở nhiều nơi xa xôi, khó khăn như đảo Cù Lao Chàm, huyện đảo Lý Sơn cũng có các sân chơi ý nghĩa do nhóm tạo dựng.

Những sân chơi công cộng đơn giản nhưng độc đáo, những ly sữa học đường, những bữa ăn của tình yêu thương được tạo nên từ  nỗ lực, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân và sự ủng hộ của toàn xã hội, đang không chỉ mang đến cho trẻ em Việt Nam cơ hội vui chơi mà còn tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ví trẻ em như búp non trên cành: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác