Tìm về chiến trường xưa

(VOV5) - 65 năm đã trôi qua nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ và những dấu vết còn lại vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ cho các thế hệ người dân Việt Nam mà còn cho cả bạn bè quốc tế. 

65 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Để rồi hàng năm, vào những ngày đầu tháng 5, Điện Biên luôn là địa chỉ đỏ để du khách các nơi về thăm, từ các cựu chiến binh, các nữ dân quân đến các bạn trẻ là học sinh, sinh viên và cả du khách quốc tế. Họ đến để tận mắt nhìn thấy các địa danh gắn với những trận chiến lịch sử của 65 năm về trước như Mường Thanh, Hồng Cúm, căn cứ địa Mường Phăng, cứ điểm đồi A1…

Tìm về chiến trường xưa - ảnh 1Những dấu tích lịch sử về trận đánh oanh liệt của 65 năm về trước vẫn còn trên đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghe những câu chuyện về chiến dịch lịch sử, chiến sĩ trẻ Lò Văn Khoa, dân tộc Thái, dấy lên niềm tự hào về chiến công oanh liệt của trí tuệ, lòng dũng cảm và ý chí của cha ông đi trước: “Em đến tìm lại lịch sử ngày xưa. Em thấy tự hào về thời kỳ trước kia, về các thế hệ trước đã có tinh thần chiến đấu bất khuất, anh dũng, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”.

Tìm về chiến trường xưa - ảnh 2

Nhìn những tư liệu, những hiện vật, kỉ vật có giá trị lịch sử phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam, ông Bùi Đức Thọ trong chuyến thăm bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho rằng: "Các thế hệ trước đã chiến đấu rất hào hùng, anh dũng. Vũ khí rất là thô sơ mà đánh với Pháp có vũ khí hiện đại. Nhưng mình vẫn thắng. Đó là điều tuyệt vời. Đó là lòng yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh đoàn kết của quân và dân. Đó là một sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của tướng Giáp".

Tìm về chiến trường xưa - ảnh 3

Trong dòng người đến Điện Biên Phủ, có không ít thân nhân của các liệt sỹ đã hy sinh trong hơn 50 ngày đêm của chiến dịch. Bà Nguyễn Thị Nghiệp, 73 tuổi, tâm sự: đồi A1 là điểm hẹn lịch sử của gia đình bà vì người bác Nguyễn Đình Linh đã chiến đấu và hi sinh tại nơi này: “Bác tôi đã chiến đấu ở Điện Biên từ năm 1947. Bác hi sinh khi chưa có vợ. Tiếc thương lắm nhưng biết làm sao được. Để có được hòa bình là hạnh phúc. Cả nước hy sinh chứ đâu phải riêng nhà mình”.

Hòa trong dòng người đến với chiến trường Điện Biên năm xưa, có không ít du khách nước ngoài, phần lớn là du khách Pháp. Họ đến để hiểu vì sao thực dân Pháp lại thất bại ở nơi đây và để cảm nhận sự kiên cường, gan dạ, đoàn kết của quân và dân Việt Nam. Bernard Farjounel, một người Pháp, đến Điện Biên đúng dịp Việt Nam kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Tôi đi tham quan và tìm hiểu về các hiện vật ở bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tôi hiểu rằng, những gì ở đây chính là một phần lịch sử của Pháp ở Đông Dương và ở Việt Nam. Và đây cũng là nơi gắn liền với một vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp. Chiến tranh đã lùi về quá khứ. Việt Nam đã có được tự do và mở ra một thời kỳ tươi đẹp. Đó là điều không dễ dàng nhưng các bạn đã làm được”.

65 năm đã trôi qua nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ và những dấu vết còn lại vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ cho các thế hệ người dân Việt Nam mà còn cho cả bạn bè quốc tế. Điều đó cho thấy tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa quan trọng của chiến dịch này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác