Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển thể thao

(VOV5) -Thể thao Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 vươn lên tốp đầu khu vực Đông Nam Á và là quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh ở châu Á.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) có tác động gián tiếp đến lĩnh vực thể thao, lĩnh vực chủ yếu liên quan đến tố chất con người. Thể thao được hưởng lợi nhiều nếu biết tận dụng những đột phá của thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, thể thao Việt Nam phải chủ động cao, định hướng sớm thì mới có những bước tiến vững chắc.

Thể thao Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh áp dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 từ công tác đào tạo vận động viên, huấn luyện đến thi đấu các giải đấu quan trọng ở trong nước và quốc tế.

Giải pháp quan trọng nhất là quy hoạch lại mạng lưới đội ngũ cán bộ thể thao, đồng thời quy hoạch lại mạng lưới cơ sở vật chất và trang thiết bị thể thao. Thạc sĩ Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao, Tổng Cục Thể dục thể thao, cho biết:        

“Chúng tôi đề xuất xây dựng một trung tâm tuyển chọn quản lý vận động viên, ứng dụng công nghệ số. Trung tâm này sẽ đặt tại Tổng Cục Thể dục Thể thao kết nối với tất cả các địa phương trong cả nước cũng như với quốc tế về thông số vận động viên như thành tích, chiều cao, cân nặng, dự báo khả năng thi đấu trong tương lai, tình hình chấn thương… Từ đó, các liên đoàn, hiệp hội thậm chí quốc tế đều có thể lấy được thông tin của từng vận động viên từ Trung tâm này.”

Giải pháp quan trọng khác là sử dụng công nghệ chip gắn vào các vận  động viên cho phép theo dõi các thông số kỹ thuật trong quá trình tập luyện, thi đấu của vận động viên. Công nghệ này chủ yếu ứng dụng ở các môn thể thao chạy, nhảy, marathon, bơi. Ứng dụng công nghệ 3D ở các môn bóng bàn bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông và bóng đá. Công nghệ này khá tốn kém mất khoảng 1 triệu USD nhưng cho phép theo dõi được các thông số tập luyện, thi đấu của các vận động viên để các huấn luyện viên, chuyên gia đề ra giáo án, bài tập phù hợp.

Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo vận động viên đẩy mạnh số hóa các bài tập, từng môn tập và kiểm tra, đánh giá các vận động viên được tối ưu hóa bằng các phần mềm. Chế độ ăn, dinh dưỡng cũng cần quan tâm một cách khoa học, sử dụng trang thiết bị hiện đại khi chữa trị chấn thương cho các vận động viên.

Thể thao Việt Nam sẽ phát triển, tiến kịp với trình độ phát triển thể thao ở các nước trong khu vực và trên thế giới nếu áp dụng tốt thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thể thao Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 vươn lên tốp đầu khu vực Đông Nam Á và là quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh ở châu Á.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác