Úng dụng khoa học công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh ở Việt Nam

(VOV5) - Việc này sẽ giúp cho hoạt động quản lý đồng bộ chặt chẽ hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho mỗi công dân Việt Nam khi làm các thủ tục xuất nhập cảnh. 

Qua tổng kết 10 năm, công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tuy nhiên tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, đề cập dự án luật (sửa đổi) Luật xuất cánh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, đặc biệt là áp dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay.

Úng dụng khoa học công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh ở Việt Nam - ảnh 1

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Theo nhiều Đại biểu Quốc Hội, Dự thảo Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam  trình lên Quốc Hội gồm 6 chương 40 điều về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tế như ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân..., nhưng cần phải bổ sung nhiều điểm mới để bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc Hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: việc áp dụng công nghệ thông tin mạng Internet vào trong quản lý xuất nhập cảnh phù hợp với xu thế phát triển hiện nay nhằm giúp cho hoạt động quản lý đồng bộ chặt chẽ hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho mỗi công dân Việt Nam khi làm các thủ tục xuất nhập cảnh. 

Theo đại biểu TRần Văn Lâm: "Các hoạt động các thông tin về công dân Việt Nam đang từng bước được xác lập cơ sở dữ liệu, các cơ quan chức năng đang lưu giữ quản lý, bây giờ vấn đề xây dựng phần mềm, quy trình quản lý của các cơ quan chức năng làm sao để triển khai thực hiện được. Điều quan trọng là phải tăng cường trang thiết bị vật chất, xây dựng phần mềm chuẩn đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc có chất lượng".

Các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc Hội quan tâm tới các quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, hạ tầng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến; việc cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, những nội dung này cần triển khai, áp dụng đồng bộ để khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày Luật này có hiệu lực ngày 1/7/2020.

Ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc Hội của tỉnh Sóc Trăng đề nghị: "Đầu tiên phải kết nối mạng của các cửa khẩu cả đường bộ, hàng không, đường biển sau đó phải kiểm soát tốt lượng khách vào ra để đảm bảo hỗ trợ cho khách du lịch đến đúng nơi họ muốn, ở những nơi họ đã đăng ký và đảm bảo an ninh cho du khách tạo ấn tượng tốt về hình ảnh của Việt Nam trong du khách bạn bè quốc tế".

Nhiều đại biểu đề xuất, bên cạnh việc đảm bảo cho việc xuất nhập cảnh nhanh chóng thì cần chú trọng sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhằm bảo mật thông tin và đảm bảo an ninh nội địa .

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác