Việt Nam chủ động, tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu

(VOV5) - Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo...

 Ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu.

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các đối tác phát triển, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam chủ động, tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu - ảnh 1 GS.TS. Trần Thục (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu trong buổi họp báo ngày 10/10 Ảnh:-  zing

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là quốc gia có trách nhiệm và chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo...

Cùng với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC): "Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris, trọng tâm là thực hiện NDC, hiện đã được Việt Nam triển khai rộng khắp ở các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Trong đó có việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều công trình, dự án đã được triển khai từ nguồn lực của Chính phủ và sự hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển. Những nỗ lực này đã và đang mang lại những kết quả quan trọng".

Bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, đánh giá cao việc  Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại ASEAN được lựa chọn để thực hiện dự án Quỹ khí hậu xanh để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu: "Các hành động về khí hậu mà chúng ta gọi là "đổi mới", như là một yếu tố cơ bản của quá trình phát triển kinh tế bền vững và thương mại tự do.

Việc đổi mới khí hậu ở Việt Nam có thể tận dụng sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ, tạo ra môi trường đầu tư cũng như nâng cao năng suất lao động. Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Việt Nam có thể triển khai được 85 gigawatts (GW) điện mặt trời, và 21GW điện gió trước năm 2020. Có thể thấy rằng đây là lộ trình phát triển khả thi. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng trong tiết kiệm năng lượng". 

Cũng tại Hội nghị, Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) lần đầu tiên công bố Báo cáo đặc biệt về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu (gọi tắt là Báo cáo 1,5độ C). Báo cáo sẽ được các quốc gia xem xét tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 12 năm nay.

Theo báo cáo, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Báo cáo cũng chỉ ra rằng với tốc độ nóng lên như hiện tại, thế giới sẽ có khả năng tăng thêm 1,5 độ C trong khoảng từ năm 2030 đến 2052.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác