Đàm phán hạt nhân Iran: Khó có bước lùi

(VOV5)- Hôm nay (31/3) là thời hạn chót để phương Tây và Iran phải đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hiện đang bước vào giai đoạn đầy thử thách song cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể, bởi xét trên nhiều góc độ, một thỏa thuận khung có thể mang đến lợi ích cho tất cả các bên trong thời điểm này. Bài viết của biên tập viên Ánh Huyền nhan đề “ Đàm phán hạn nhân Iran: khó có bước lùi”.

Nếu vòng đàm phán lần này tại Thụy Sĩ thành công, các bên sẽ ký kết một thỏa thuận khung, mở đường cho 90 ngày đàm phán tiếp theo hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm khép lại cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài 12 năm qua.

Nỗ lực khai thông bế tắc
Kể từ sau khi ký hiệp định khung tại Genève hồi tháng 11/2013, các bên đã đi được một chặng đường dài song vẫn chưa đến đích. Mấu chốt vấn đề vẫn xoay quanh bất đồng về giới hạn làm giầu urani của Tehrran và việc có hay không kho nhiên liệu hạt nhân của Iran phải chuyển ra nước ngoài. Cùng với đó là lộ trình gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Iran.

Đàm phán hạt nhân Iran: Khó có bước lùi - ảnh 1
Căng thẳng trên bàn đàm phán hat nhân Iran và P5+1 ngày 29/3 (ảnh: Reuters)

Trước hạn chót cho một thỏa thuận chính trị cơ bản để giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc đàm phán giữa các cường quốc trong nhóm 5+1 và Teheran tiếp tục diễn ra trong không khí khẩn trương. Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ phải đi tới phút cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 30/3 đã hủy các kế hoạch tham dự một sự kiện quan trọng ở thành phố Boston để tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran tại Thụy Sĩ. Các nhà đàm phán phương Tây cũng hết sức lạc quan về một thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong khi đó nhà đàm phán hàng đầu Iran Abbas Araqchi trong phát biểu với báo chí đã khẳng định thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 là "khả thi" và chỉ còn lại "hai hoặc ba" vấn đề cần giải quyết.

Sức ép và trở ngại
Tuy nhiên, con đường dẫn đến thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran vẫn còn một số trở ngại. Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama hiện đang ở tình thế hết sức khó khăn trước những động thái quyết liệt của Quốc hội lưỡng viện do phe Cộng hòa kiểm soát nhằm ngăn cản việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran. Các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư ngỏ tới Nhà Trắng đòi có quan điểm cứng rắn hơn trong mọi thỏa thuận với Iran, đồng thời có kế hoạch bỏ phiếu về một dự luật mới liên quan tới nước này. Thậm chí, một nhóm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa còn gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo Iran cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào đạt được có thể bị điều chỉnh hay rút lại một khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2017. Tại Iran, phe bảo thủ cũng luôn tìm cách gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Hassan Rowhani trong các cuộc đàm phán hạt nhân với 6 cường quốc thế giới. Ngoài việc chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Rowhani trong các cuộc đàm phán hạt nhân, Quốc hội Iran với đa số nghị sĩ thuộc phe bảo thủ yêu cầu phương Tây phải bãi bỏ ngay lập tức tất cả các biện pháp trừng phạt một khi hai bên đạt được thỏa thuận hạt nhân, yêu sách được cho là khó có khả năng được đáp ứng.

Khó có bước lùi
Mặc dù còn vấp phải nhiều trở ngại nhưng các nhà phân tích nhận định cơ hội đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng hiện lớn hơn nhiều so với trước đây. Sức ép và các trở ngại nói sẽ trên càng khiến Mỹ và Iran quyết tâm đạt bằng được thỏa thuận khung trước thời hạn chót. Xét trong bối cảnh hiện nay, một thỏa thuận khung ký đúng thời hạn chót sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Với Iran, thỏa thuận này không những cho phép Iran thực hiện các hoạt động hạt nhân dân sự một cách bình thường, phù hợp với những điều khoản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn được phương Tây hủy bỏ dần những biện pháp trừng phạt về kinh tế, vốn đã và đang tác động nặng nề đến đời sống người dân nước này. Đối với phương Tây, việc kéo dài trừng phạt Iran cũng mang lại những thiệt hại không hề nhỏ. Với thị trường giầu tiềm năng cả về tài nguyên và khí đốt của Tehran, đến nay giới đầu tư và công nghiệp phương Tây vẫn không thể bước chân vào. Đối với Mỹ, việc ký một thỏa thuận với Iran sẽ chấm dứt những năm tháng căng thẳng với Iran, từ đó có triển vọng mở ra một thời kỳ hợp tác mới với thế giới Hồi giáo. Trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, việc có Iran hỗ trợ sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho Mỹ và liên quân.

Những diễn biến hiện tại cho thấy vấn đề hạt nhân Iran khó có thể kéo dài thêm một thời hạn nữa. Tổng thống B.Obama không còn nhiều thời gian cho đàm phán khi kết quả của nó sẽ tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 khi vấn đề này ảnh hưởng tới vị thế Mỹ tại Trung Đông và trên thế giới. Trong khi đó, Iran cũng không muốn bỏ qua cơ hội tái hội nhập quốc tế để phát triển. Một thỏa thuận bất thành có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và khiến tình hình khu vực này trở nên bất ổn hơn. Đây là điều mà cả Mỹ và phương Tây đều không hề mong muốn. Vì thế, khả năng vòng đàm phán hạt nhân lần này tại Thụy Sĩ được dự đoán kết thúc vào thời điểm chót với sự nhượng bộ nhất định của các bên./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác