Hy Lạp trước thời khắc rời khỏi EU

(VOV5) - Ngày 30/6 là hạn chót để Hy Lạp trả nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và cũng là ngày gói cứu trợ dành cho Hy Lạp hết hạn. Dù không có luật lệ nào quy định Hy Lạp sẽ phải rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu không thể trả nợ, song con đường để Hy Lạp ở lại khu vực này là rất khó khăn. Dù chỉ đóng góp chưa đầy 2% cho GDP của eurozone, song sự ra đi của Hy Lạp sẽ tạo tiền lệ xấu cho các quốc gia khác trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh "thịnh vượng" mà khu vực đồng tiền chung từ trước tới nay vẫn luôn hướng tới. 

Hy Lạp trước thời khắc rời khỏi EU - ảnh 1
ại các cây ATM, người Hy Lạp không được rút quá 60 Euro/ngày. Ảnh theo tinhhoa.net

Với mức nợ lên tới 320 tỷ USD, Hy Lạp đang ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nhất là khi mà mọi thứ dường như đang ngừng trệ ở nước này. Ngày hôm nay, Athens phải trả 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoặc bị tuyên bố vỡ nợ. Không thể trả nợ đúng hạn, Hy Lạp sẽ không được nhận thêm bất kỳ khoản viện trợ nào từ IMF nữa. Không viện trợ cũng đồng nghĩa Hy Lạp sẽ phải in tiền để giữ Chính phủ hoạt động và rời khỏi eurozone. 

Vệt dầu loang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

Bầu không khí ở quốc gia Địa Trung Hải này đang nóng lên từng giờ khi người dân ồ ạt đi rút tiền do lo ngại hệ thống ngân hàng sụp đổ. Kể từ đêm 28/6, Hy Lạp đóng cửa toàn bộ các ngân hàng và kiểm soát vốn chặt chẽ cho đến hết ngày 6/7, nhằm bảo vệ hệ thống tài chính trong bối cảnh hết khả năng thanh toán. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ đóng băng các khoản vay khẩn cấp đang duy trì hoạt động hệ thống ngân hàng nước này.

Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu, song Hy Lạp lại là một thành viên của khối đồng tiền chung châu Âu nên những diễn biến bất ổn về tình hình tài chính tại Hy Lạp tác động đến hầu hết thị trường tài chính toàn cầu. Ngay sau khi cuộc thương lượng cuối cùng giữa giới chức Hy Lạp và các chủ nợ thất bại, chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á ngày 29/6 tụt dốc mạnh. Chỉ số Nikkei 225, Nhật Bản giảm 2,9%. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) giảm hơn 7%. Chỉ số chứng khoán Hang Seng (Hồng Kông) giảm 2,6%. Các chỉ số khác của Australia S&P/ASX 200 và của Hàn Quốc Kospi cũng tụt giảm. Đồng euro cũng giảm giá mạnh so với các đồng tiền khác. Trong khi đó, giá vàng cũng có xu hướng tăng do giới đầu tư bán tháo các tài sản có độ rủi ro cao để chuyển sang các tài sản có độ ổn định cao hơn như USD, vàng. 

Trưng cầu dân ý có giữ được Hy Lạp ở lại Eurozone?

Trong một diễn biến mới nhất, Quốc hội Hy Lạp đã chấp thuận tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới, theo đó, người dân Hy Lạp sẽ phải quyết định bằng cách bỏ phiếu việc chính phủ nên chấp nhận hoặc từ chối dự thảo thỏa thuận do bộ 3 chủ nợ  đưa ra. Đó là tiếp tục cải cách thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ. Nhưng theo giới phân tích, điều này cũng khó giúp Athens thoát được vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bởi người dân nước này khó có thể chịu đựng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” thêm nữa.

Người dân Hy Lạp đã quá mệt mỏi với các chính sách thắt lưng buộc bụng, đang tác động mạnh hàng ngày, hàng giờ tới cuộc sống của họ trong thời gian qua. Suốt 5 năm qua, chất lượng cuộc sống người dân Hy Lạp đã giảm sút nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp 26% trong đó lao động trẻ chiếm tới hơn 50%. Nền kinh tế rệu rã trong những năm qua vẫn chưa có tín hiệu sáng sủa nào. Do vậy, dù kết quả trưng cầu ra sao đi chăng nữa thì những sự kiện diễn ra trong những ngày gần đây khiến nền kinh tế của quốc gia Địa Trung Hải này khó có thể gượng dậy. Mấu chốt của vấn đề hiện nay không phải là việc EU có bơm thêm tiền cho Hy Lạp hay không mà là Hy Lạp sẽ hành động ra sao để thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm qua. 

Những hệ lụy từ việc Hy Lạp rời khỏi khu vực Eurozone

Hiện, EU đã chuẩn bị sẵn kịch bản Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Điều này sẽ đưa Hy Lạp tới một giai đoạn kinh tế mới cực kỳ khó khăn. Với một đồng nội tệ mới, có giá trị thấp hơn rất nhiều so với đồng euro, Hy Lạp sẽ chìm trong một cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài. Hy Lạp ra khỏi eurozone cũng sẽ tác động không nhỏ tới toàn bộ châu Âu và các thị trường quốc tế. Một hiệu ứng domino tồi tệ có thể xảy ra sau khi Hy Lạp vỡ nợ. Thị trường tài chính các nước yếu trong eurozone sẽ bị chao đảo. Tâm lý lo ngại tiền tệ mất giá có thể khiến các công ty, các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền ra khỏi các quốc gia này. Hơn nữa, Hy Lạp vỡ nợ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng duy trì eurozone, đe dọa hình ảnh “sự thịnh vượng chung” mà EU từ trước tới nay luôn hướng tới.

Để giữ Hy Lạp ở lại eurozone, đồng nghĩa với việc giữ sự ổn định trong khu vực, hiện tại các chủ nợ EU chỉ còn cách là phải nhượng bộ, chấp nhận tiếp tục “cưu mang” Athens sau khi thời hạn chót trả nợ đã hết. Nhưng để làm vậy, EU sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn từ những ý kiến phản đối việc sử dụng tiền đóng thuế của người dân trong khu vực eurozone vào việc cứu trợ, đồng thời tạo ra tiền lệ tồi tệ cho các quốc gia còn lại rằng có thể nhận được các khoản vay mà không cần cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây là cơ sở mong manh để hy vọng vào một sự giải cứu thần kỳ cho Hy Lạp vào phút cuối cùng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác