Scotland tách khỏi Anh: Cơ hội phát triển hay chủ nghĩa dân tộc tiêu cực?

(VOV5)- Hôm nay (18/9), hơn 4 triệu cử tri Scotland đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của đất nước. Kết quả của cuộc bỏ phiếu, nếu đạt tỷ lệ phiếu thuận của hơn 50% cử tri, một quốc gia độc lập 5,3 triệu dân có thể sẽ xuất hiện. Việc Scotland có trở thành một quốc gia thịnh vượng sau độc lập hay không là điều chưa ai dám bàn, song có một điều chắc chắn quyết định tách rời Anh của Scotland sẽ gây ra những hệ lụy nhất định.    

Scotland nằm ở phía bắc nước Anh, trải rộng trên một diện tích gần 79 ngàn km2 (chiếm khoản 1/3 diện tích đất liền ở Anh) với dân số khoảng 5,3 triệu người, trong đó người Scotland chiếm 80% dân số. Kinh tế chính của Scotland là nguồn doanh thu từ dầu và khí đốt ở vùng biển bắc và từ lâu, Scotland vẫn được coi là nguồi dự trữ dồi dào về dầu mỏ. Scotland hiện đang đóng góp khoảng 10% GDP cho toàn bộ nền kinh tế Vương quốc Anh.

Mối ràng buộc lịch sử và nguyên nhân chia tách
Từ thế kỷ 17, cả Anh và Scotland đều duy trì nền độc lập về mặt chính trị. Tuy nhiên, đến năm 1707, mối quan hệ giữa Scotland và Vương quốc Anh được ràng buộc bởi một Hiệp ước, hình thành nên Liên hiệp Vương quốc Anh và bắc Ireland (UK). Tuy nhiên, không phải tất cả dân chúng Scotland đều hài lòng với sự hợp nhất này. Trong nhiều năm qua, đã hơn 1 lần Scotland mong muốn tách ra khỏi UK, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Âu, năm 1999, Scotland đã thành lập quốc hội riêng nhưng mọi quyết định về vấn đề kinh tế vẫn do Vương quốc Anh trực tiếp nắm quyền chỉ đạo và kiểm soát từ London. Cho đến năm 2011, khi mà Đảng Dân tộc Scotland (SNP) với phong trào đòi độc lập nắm quyền kiểm soát quốc hội, xu hướng đòi độc lập mới trỗi dậy mạnh mẽ và một cuộc trưng cầu dân ý đã được ấn định giữa Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ hiến Scotland Alex Salmond tháng 10/2012, sau một thời gian dài bất đồng quan điểm.

Scotland tách khỏi Anh: Cơ hội phát triển hay chủ nghĩa dân tộc tiêu cực?  - ảnh 1
Ảnh minh họa - Nguồn; báo Lao Động

Hiện tại, theo các cuộc thăm dò cử tri, tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ độc lập đang xấp xỉ nhau, khiến cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland không chỉ nóng ở Anh mà còn toàn bộ Châu Âu. Trong khi nhóm ủng hộ cho rằng việc tách ra khỏi Anh sẽ giúp Scotland tự chủ về kinh tế và quản lý các nguồn thu nhập từ dầu mỏ mà không cần phải chia sẻ với London, thì nhóm nói “không” với độc lập cho rằng tách rời khỏi London sẽ là mối đe dọa đối với kinh tế Scotland.

Ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình nhất thể hóa Châu Âu
Nếu kết quả là 50%+1 cử tri Scotland bỏ phiếu thuận, Scotland sẽ chính thức tách khỏi Vương quốc Anh và tuyên bố độc lập vào ngày 24/3/2016. Và như vậy, hai bên sẽ có khoảng thời gian hơn 1 năm để đàm phán hàng loạt vấn đề chung “gai góc” như nợ công, việc sử dụng đồng tiền chung, kiểm soát biên giới… Chính phủ Scotland cũng phải tiến hành viết Hiến pháp riêng. Song song đó là đàm phán để gia nhập NATO và EU.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định độc lập của Scotland có thể phải trả giá rất đắt. Về kinh tế, Scotland sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn về lãi suất, thuế, bảo vệ nhà đầu tư, ổn định tài chính và chính sách tiền tệ. Dự báo thâm hụt tài chính của Scotland sẽ ở mức ít nhất là 6,4% GDP. Ly khai sẽ khiến Scotland không thể giữ đồng bảng Anh làm tiền tệ lưu thông bởi điều này vấp phải sự phản đối của các đảng chính trị của Anh. Không có liên minh tiền tệ, việc Scotland sử dụng bảng Anh sẽ là trái với luật pháp ở EU. Thủ tướng Anh David Cameron thậm chí cảnh báo quyết định độc lập của Scotland không phải là sự ly thân thử mà là cuộc chia ly đau đớn, bởi sẽ không còn có con đường quay trở lại và vĩnh viễn UK chấm dứt sự tồn tại sau hơn 300 năm.

Song điều đáng lo ngại hơn cả là nếu xu hướng ly khai thắng thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Việc Scotland tách ra khỏi Anh cũng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của nước Anh trong 28 quốc gia EU, nhất là trong bối cảnh khu vực vừa phục hồi sau khủng hoảng kinh tế và Anh-Đức-Pháp đang đóng vai trò trụ cột về thương mại, đưa EU trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Những rủi ro báo trước
Hiện tại, tuy chưa có kết quả bỏ phiếu cuối cùng nhưng thị trường đã có những phản ứng tiêu cực bước đầu. Đồng bảng Anh tuần qua đã mất giá đáng kể so với đồng đô la Mỹ, ở mức thấp nhất trong gần 10 tháng qua. Trong khi đó, giá cổ phiếu của hai ngân hàng lớn ở Scotland cũng giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Châu Âu. Hai tập đoàn ngân hàng lớn là Royal Bank of Scotland và Lloyds dọa chuyển trụ sở chính khỏi Scotland trong trường hợp vùng đất này chia tay với Anh quốc. Trên khắp Scotland vài ngày qua, những người vận động ủng hộ và phản đối nền độc lập của xứ này đổ ra các tuyến đường để thể hiện quan điểm của mình.

Hiện tại, mọi sự chú ý đang dồn vào kết quả bỏ phiếu cuối cùng. Scotland sẽ ra sao sau độc lập, thịnh vượng hơn hay suy thoái hơn? Câu trả lời là chưa thể, nhưng chắc chắn sự kiện này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thị trường toàn cầu và kéo theo những phong trào ly khai trong cộng đồng EU như đã manh nha ở Tây Ban Nha và Bỉ. Người dân Scotland, hơn ai hết, cần hết sức tỉnh táo và thận trọng với quyết định về tương lai đất nước, bởi rất có thể lá phiếu của họ có thể đẩy xứ này phải trả giá đắt./.

Phản hồi

Các tin/bài khác