Đảm bảo quyền có nhà ở, quyền kinh doanh bất động sản của người dân

(VOV5) - Trong phiên họp chiều nay của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).


Đảm bảo quyền có nhà ở, quyền kinh doanh bất động sản của người dân - ảnh 1
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII


Luật nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 183 điều quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Ngoài việc quy định các định chế tài chính phát triển nhà ở phù hợp để các doanh nghiệp và mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho mục đích cải thiện nhà ở, Luật nhà ở (sửa đổi) cũng mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 6 chương với 82 điều, điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các đạo luật khác có liên quan như: Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư. Dự án luật có nhiều điểm mới, trong đó có việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản.

Trao đổi với báo chí về Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Những luật này đáp ứng nguyên tắc quan trọng là phát triển bất động sản và nhà ở phải theo quy hoạch, có kế hoạch và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của trung ương và địa phương, thay vì phó mặc cho thị trường; đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Luật nhà ở có quan điểm rõ ràng là không chỉ phát triển nhà ở thương mại và còn phải phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của nhà nước. Việc Luật nhà ở ra đời sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu nhà ở đến với người dân và là bước cụ thể hóa quyền nhà ở của người dân mà Hiến pháp quy định. 2 luật này được thông qua sẽ là công cụ, cơ sở pháp lý tạo ra môi trường  cho đầu tư phát triển cả kinh tế -  xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác