Để Cộng đồng ASEAN thực sự là của người dân

(VOV5)- Ý tưởng hình thành Cộng đồng ASEAN là mục tiêu ngay từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời. Đến nay, lộ trình xây dựng Cộng đồng đã đi đến chặng cuối cùng, với quyết tâm cao nhất của lãnh đạo 10 nước ASEAN. Tuy nhiên, đối với người dân mỗi nước, Cộng đồng hình thành sẽ mang lại lợi ích gì cho họ và việc chuyển từ hiệp hội sang cộng đồng có ý nghĩa như thế nào thì không phải ai cũng nhận thức đầy đủ. Chính vì vậy, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đang được các quốc gia ráo riết đẩy mạnh, chuẩn bị cho thời điểm Cộng đồng đang đến rất gần.

Để Cộng đồng ASEAN thực sự là của người dân  - ảnh 1
Các khách tham dự tạo một hội thảo chủ đề "Giải pháp liên kết xuất nhập khẩu trước thềm ASEAN+" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp tổ chức vào năm 2014 - Ảnh: doanhnhansaigon.vn

“Tôi cũng nghe nói đến chuyện hội nhập ASEAN, nhưng nói thật là các khâu như thế nào, bước tiếp cận như thế nào hoặc quá trình đến đâu rồi thì đúng là chúng tôi chưa được cập nhật đầy đủ.” “Dưới góc độ là một công dân ASEAN, tôi chỉ hình dung ra rằng khi Cộng đồng được thành lập, thì ở Việt Nam tôi sẽ dễ dàng mua được các sản phẩm của các nước trong ASEAN và ngược lại người dân của các nước ASEAN khác thì cũng có thể mua được các sản phẩm của Việt Nam nhập khẩu vào nước họ. Thông qua những sản phẩm đó, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các người dân các nước ASEAN sẽ được tăng cường” Lời chia sẻ của 2 người dân, trong đó có đại diện doanh nghiệp Việt Nam, đã phần nào nói lên thực trạng hiện nay về mức độ nhận thức của người dân trong từng quốc gia ASEAN về Cộng đồng. Sự thiếu hiểu biết về Cộng đồng, về các quốc gia trong Cộng đồng đang là những thách thức đối với quá trình xây dựng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC). Không chỉ ở Việt Nam, một kết quả khảo sát mới đây của Ban thư ký ASEAN chỉ ra rằng 80% người dân thành thị các nước ASEAN có nghe nói về Cộng đồng ASEAN, trong đó 76% người được khảo sát không hề biết gì về chức năng của khối. Như vậy, chỉ chưa đến 1/3 dân số ASEAN hiểu được các lợi ích từ Cộng đồng ASEAN là điều đáng lo ngại. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-ASEAN, chia sẻ: “Cộng đồng ASEAN không phải là của riêng các nhà lãnh đạo, của riêng các chính phủ mà Cộng đồng ASEAN là của nhân dân ASEAN. Nhân dân là người thực hiện, thúc đẩy và hoàn thiện nó vì vậy Cộng đồng này phải vì dân, hướng vào dân và nếu dân tin cậy, dân làm thì lúc đó mới hiệu quả. Những năm qua, các hoạt động giao lưu nhân dân quá nhộn nhịp nhưng theo tôi chưa đủ. Để gắn kết, các chính phủ phải tăng cường tuyên truyền về Cộng đồng.”

Vì vậy, cùng với việc chuẩn bị một cơ chế tương thích cho thành viên của Cộng đồng, thay cho Hiệp hội như trước đây, các nước ASEAN đều đang ráo riết chuẩn bị cho sự “giác ngộ” của người dân về Cộng đồng trước thời điểm hình thành. Các hoạt động như tọa đàm, giao lưu nhân dân, hội thảo, triển lãm, thiết lập thư viện hình ảnh và thông tin nghe nhìn, khai trương trang web, xây dựng thư viện về ASEAN tại các trường học cho sinh viên, tổ chức các buổi giao lưu của thanh niên, giáo dục, triển lãm về Cộng đồng ASEAN được triển khai đồng bộ tại tất cả quốc gia. Mỗi nước cũng xây dựng chương trình phim tài liệu, truyền hình về lịch sử hình thành, phát triển của ASEAN và 10 nước thành viên ASEAN, giới thiệu những nét tương đồng của ASEAN trên các lĩnh vực âm nhạc, múa, trang phục truyền thống, thủ công mỹ nghệ... Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Mayerfas khẳng định: “Những chương trình được triển khai quyết liệt ở mỗi nước như vậy cho thấy quyết tâm của ASEAN trong vấn đề xây dựng Cộng đồng chung, lấy người dân làm trung tâm. Các nước ASEAN đang cố gắng, nỗ lực để đóng góp cho cộng đồng chung ASEAN. Chúng tôi muốn người dân Indonesia nói riêng, ASEAN nói chung ý thức được rằng, họ là một phần của ASEAN.”

Ngay trong năm nay, ASEAN nhất trí triển khai dự án thành lập trung tâm văn hóa ASEAN trong từng quốc gia thành viên và ngày 8/8 tới đây, Trung tâm văn hóa đầu tiên sẽ được khai trương tại Thái Lan. Dự án này hoàn thành góp phần gia tăng đáng kể nhận thức của người dân mỗi nước về Cộng đồng.

Hiện nay cứ 10 người ASEAN thì có 6 người ở độ tuổi dưới 30, đồng nghĩa với tổng số những người trẻ tuổi của khu vực đang chiếm số lượng là hơn 320 triệu người. Đây chính là lực lượng sẽ đem lại bước chuyển quan trọng cho ASEAN từ Hiệp hội sang Cộng đồng. Tự nâng tầm mình lên, chủ động hòa nhập, tìm kiếm các cơ hội mà Cộng đồng mang lại, là cách mà các bạn trẻ Việt Nam đang hướng tới. Trên thực tế, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đã ý thức rõ và trau dồi những kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu khi hội nhập. Phương Linh, thạc sĩ Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, bày tỏ: “Em nghĩ là năng lực bản thân mình cũng khá đồng đều với thị trường lao động trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN. Trong tất cả các chương trình học em đã trải qua thì kỹ năng mềm, khả năng ngôn ngữ, khả năng tiếng Anh đều đã được trau dồi trong suốt quá trình học tập.”

Gắn kết người dân, xây dựng một xã hội phục vụ tốt nhất cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà các nước ASEAN đang hướng tới. Bằng những hành động cụ thể từ chính phủ mỗi nước, ý thức của mỗi người dân, một Cộng đồng ASEAN giầu bản sắc văn hóa, thống nhất trong đa dạng đang dần hình thành.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác