Làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn độ

(VOV5) - Hai bên nhất trí coi tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương; phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. 

Làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn độ - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: TTXVN)

Ngày 29/10, trả lởi phỏng vấn báo chí nhân kết thúc chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết: Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp. Việt Nam và Ấn Độ khẳng định coi trọng quan hệ và nhất trí cao về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục. Thủ tướng Modi và các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định hai bên nhất quán ủng hộ quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng nhất trong chính sách hướng Đông và Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn ở cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội; hợp tác giữa các Bộ, ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân; hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, dầu khí và tăng cường hợp tác kết nối về hàng không và đường biển.

Hai bên nhất trí coi tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương; phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ sẵn sàng cho Việt Nam vay khoản tín dụng 300 triệu đôla Mỹ để nhập khẩu nguyên liệu cho một số ngành kinh tế nhằm giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào; tạo điều kiện thuận lợi xem xét mở cửa thị trường đối với đầu tư, hàng hóa Việt Nam, nhất là về hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ. Về an ninh-quốc phòng: Nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh trên cơ sở các cơ chế và thỏa thuận hợp tác hiện có; tăng cường trao đổi đoàn, đối thoại chính sách quốc phòng, an ninh.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước luật biển Liên hợp quốc 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC. Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, yêu cầu cần bảo đảm tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ở Biển Đông… Ấn Độ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến nhằm xây dựng các cơ chế về duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác