Quốc hội thảo luận về Dự thảo luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

(VOV5) -  Sáng nay (26/05), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật phí, lệ phí; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về Dự thảo luật này. Thảo luận về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đa số ý kiến đánh giá so với Dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã hoàn thiện hơn một bước đáng kể. Tuy nhiên các ý kiến cũng tập trung đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của kiểm toán nhằm nâng cao tính trung thực, minh bạch, giá trị pháp lý của kiểm toán.


Quốc hội thảo luận về Dự thảo luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Quyền phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN


Ông Phùng Đức Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, cho rằng cần bổ sung nguyên tắc “nhanh chóng, kịp thời” trong hoạt động kiểm toán bởi đây là nguyên tắc quan trọng chi phối toàn bộ hoạt động của Kiểm toán nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán được khẩn trương, xử lý kịp thời những sai phạm: “Việc bổ sung nguyên tắc “Nhanh chóng, kịp thời” phù hợp ý kiến rút ngắn thời hạn kiểm toán đã được tiếp thu chỉnh lý tại điều 34 của dự án Luật. Qua đó khắc phục kịp thời hậu quả pháp lý, hạn chế thiệt hại nền tài chính quốc gia. Đồng thời cũng góp phần hạn chế những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài sản tài chính công”. 


Trước đó, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật phí, lệ phí. Theo tờ trình của Chính phủ, cần thiết phải ban hành Luật phí và lệ phí để nhằm khắc phục tồn tại của Pháp lệnh phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật hình sự sửa đổi. Tại các phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi bổ sung hoàn thiện Dự án Luật. Tuy nhiên các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc sửa đổi lần này cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế, hiệu lực, hiệu quả của công tác đầu tranh phòng chống tội phạm và bổ sung những vấn đề mới nhằm hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác