Hà Nội những ngày lịch sử

(VOV5) - Với những người con Hà Nội được tham gia và chứng kiến giờ phút lịch sử những ngày Cách mạng tháng 8, Quốc khánh mùng 2/9 cho tới ngày giải phóng Thủ Đô(10/10/1954), đó sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên. Qua ghi chép “ Hà Nội những ngày lịch sử”, Phóng viên đài TNVN ghi lại câu chuyện với những người phụ nữ Hà Nội trực tiếp tham gia cách mạng để hiểu được không khí hào hùng cùng tình cảm của những con người thời đó:


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tôi tìm đến nhà bà Minh Thái, bí danh Thái Tiên, ngôi nhà nằm trong một ngõ nhỏ giữa lòng Hà Nội. Ở cái tuổi gần 90, nhưng bà vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và rất cởi mở khi nói chuyện. Năm nào cũng vậy, cứ dịp kỷ niệm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2/9, bà lại được tiếp rất nhiều phóng viên, báo chí và cả bạn bè, người thân. Những kỷ niệm cứ thế tràn về, những câu chuyện trôi theo dòng cảm xúc cuốn cả người hỏi lẫn người nói chuyện. Mọi năm, còn có cả chồng bà, ông Hy Đào, bí danh Thái Hy, một chiến sĩ thành Hoàng Diệu, ngồi tiếp khách. Còn năm nay, cho dù ông đã đi xa, nhưng với bà, những kỷ niệm đầu tiên mà bà nhớ tới vẫn là những câu chuyện về ông, về tình yêu giữa ông và bà, tình yêu của những thanh niên Hà Nội cách đây mấy mươi năm, được nuôi dưỡng, bồi đắp trong tình cảm chung của dân tộc: Tôi là cơ sở Cách mạng. Nhà tôi là thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, tham gia đội thanh  niên tuyên truyền xung phong. Hoạt động bí mật chỉ có 3 người, tuyên truyền trên tàu điện, rạp chiếu bóng, rồi tham gia phá kho thóc, tuyên truyền Việt Minh, ở Rạp hát Tố Như. Ông tham gia nòng cốt, chiếm diễn đàn. Cách mạng tháng 8 nổ ra ngày 19 thì ông được tham gia chiếm trại bảo an binh. Ông cũng là một  nòng cốt trong việc vào chiếm kho súng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công thì ông đi Tây Tiến. Tôi cũng tham gia công tác cơ sở. Tài liệu vũ khí, đạn dược đưa vào 96 Hàng Bột tôi là người giữ.

Hà Nội những ngày lịch sử - ảnh 1
Bà Thái Tiên, một trong những người được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc


Bà Thái Tiên khi đó là cô nữ sinh  Đồng Khánh 17, 18 tuổi. Sinh ra trong gia đình tiểu tư sản, nền nếp, gia phong, khi được giác ngộ Cách mạng, bà tham gia tích cực và luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Bà Thái Tiên chỉ vào ngón tay, nơi chiếc nhẫn, kỷ vật đã theo bà suốt mấy chục năm mới được bà tháo ra, cất giữ cẩn thận như để chứng minh một tình yêu không bao giờ thay đổi. Chính điều này là nguồn sức mạnh để bà vừa tham gia thoát ly đi hoạt động, vừa chờ đợi ông chiến đấu trở về. Những giọt máu bà đã hiến cho bộ đội Tây Tiến cũng minh chứng về lòng chung thủy của một người con gái Thủ đô. Bà nhớ lại kỷ niệm khi được giao nhiệm vụ khâu cờ  cho cuộc Tổng khởi nghĩa: Cách mạng giao cho mấy chị em khâu cờ cho Tổng khởi nghĩa. Ba chị em là tôi, bà Vân, bà Ngọc khâu. Cô Trâm khi đó 13 tuổi được giao nhiệm vụ canh giữ ngoài cổng. Đang khâu nghe thấy tiếng giày đinh  nhìn ra thấy 2 thằng Nhật. Tất cả đã bày ra rồi. KHông đóng kịp cửa chạy không kịp. Cô Trâm chạy vào ôm hết cờ chui vào gầm giường. Chui lọt vào hòm để dưới gầm giường thì thằng Nhật vào. Nó nhìn thấy mấy cô tiểu thư người đánh đàn, người đọc sách, người chải tóc thế là chúng nó đi. Đi khỏi thì chúng tôi bỏ ra khâu tiếp. Đấy là trận nguy hiểm nhất.

Hà Nội những ngày lịch sử - ảnh 2
Vợ chồng bà Phương Trâm tại ngôi nhà ở Hà Nội


Nhớ như in kỷ niệm này, bà Phương Trâm, giờ cũng đã ở tuổi ngoài 80 vẫn cứ bồi hồi, không thể quên phút giây vừa sợ hãi, vừa nguy hiểm và bà cũng không hiểu vì sao lúc đó, bà lại có thể nhanh trí xử lý như vậy. Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, bà xung phong vào Đội thiếu nữ tiền phong thành Hoàng Diệu, tham gia nhiều hoạt động cùng với các bạn thiếu nhi đi biểu diễn. Bà Trâm nhớ nhất là lần được gặp Bác Hồ khi Bác đi dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô trở về vào năm 1946: Bác đứng ở nhà khách 12  Ngô Quyền, đoàn qua phố Lê Thạch. Tôi được đại diện mang hộp bánh Trung thu lên nói với Bác: Rằm tháng 8, bác đi vắng, chúng cháu để phần Bác. Cụ nhận hộp bánh, ôm hôn tôi rồi hôn lên má tôi. Ngày 2/9/2009, tôi vinh dự được đi dự sự kiện Những điều còn mãi. Hôm ấy, đứng trước khung ảnh Bác, tôi nhớ như in khi gặp Bác vào năm 1946 cho dù lúc đó tôi đã bước sang tuổi 80. Tôi thấy Bác đúng như khi tôi ao ước được chụp với Người vào năm 1946. Bác để dâu rài, mảnh khảnh.  Sau Hội nghị Phông-ten-nơ-blô cả dân tộc lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những người con  Thủ đô ra đi kháng chiến và họ cũng là những người đại diện đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954. Những ngày đó, Hà Nội rực cờ hoa đón chào đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô. Bà Thái Tiên nhớ lại: Không khí Hà Nội rừng rực. Đoàn vào tiếp quản thì ông chồng tôi vào trước ở Ủy ban quân sự, tôi vào sau. Khi mới vào, đóng ở Đài truyền thanh ở phố Quán Sứ, đối diện bệnh viện K, sau chuyển về ngã tư Sở , Tăng Bạt Hổ.

Cuộc sống ngày hôm nay với biết bao bận rộn, lo toan, nhưng những người người phụ nữ Thủ Đô vẫn cố gắng  nuôi dưỡng những hồi ức, sống với những kỷ niệm thông qua những bức hình, những bài thơ, kỷ vật để sau này truyền lại cho con cháu. Chia tay họ, tôi vẫn văng vẳng nghe đâu đây tiếng hát, tiếng đàn của bà Phương Trâm với ca khúc Sông Lô, tiếng đọc thơ chầm chậm của bà Thái Tiên với những bài thơ bà tự viết “Tạm biệt”, “Nhớ lại tình xưa”, “Gặp lại”. Tất cả đưa chúng ta quay trở lại những ngày quá khứ hào hùng của dân tộc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác