65 năm ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

(VOV5) - Ngày 1/11 năm nay, Ban Đối ngoại TW Đảng tròn 65 năm kể từ khi thành lập. 65 năm qua, Ban Đối ngoại Trung ương đã có những đóng góp quan trọng, khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu trong việc hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ của Việt Nam và các nước trên thế giới, cũng như quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản và các chính đảng trên thế giới. Nhân kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.
 65 năm ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương - ảnh 1
Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương

 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


PV: Thưa ông, 65 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Ban Đối ngoại Trung ương đã chung sức, chung lòng viết lên truyền thống "Tuyệt đối trung thành, chủ động, sáng tạo". Điều đó được thể hiện qua những kết quả nổi bật nào?

Ông Hoàng Bình Quân: 65 năm qua, các thế hệ cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương đã nối tiếp nhau viết lên truyền thống vẻ vang của ngành đối ngoại Đảng. Đó là truyền thống tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết, nhất trí thương yêu lẫn nhau và truyền thống vượt mọi khó khăn, tận tụy cống hiến. Thời kì đầu khi lập phòng Lào- Miên vào ngày 1/11/1949 theo Nghị quyết của Hội nghị thường vụ trung ương trong hoàn cảnh rất khó khăn. Lúc đó phòng Lào Miên là tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương bấy giờ đã là nòng cốt trong việc đoàn kết tập hợp, phối hợp hoạt động với các bạn Campuchia và Lào củng cố và phát huy liên minh kháng chiến Việt-Miên-Lào, đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ thì đối ngoại Đảng cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tăng cường thúc đẩy quan hệ giữa nước ta với các nước trong phe XHCN, các đảng cộng sản, các đảng cánh tả, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tranh thủ một cách mạnh mẽ và tạo ra mặt trận nhân dân thế giới lớn chưa từng có ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng, đất nước và nhân dân ta. Sau năm 1975 trong giai đoạn tái thiết đất nước, đối ngoại Đảng cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân rất nỗ lực cố gắng để tiếp tục mở mang tranh thủ hợp tác quan hệ quốc tế cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từng bước xóa bỏ bao vây cấm vận của đế quốc Mỹ và thế lực thù địch. Trong công cuộc đổi mới, đối ngoại Đảng, tham mưu và phối hợp tham mưu các chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng và đồng thời rất cố gắng triển khai các hoạt động đối ngoại của đảng ta, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng trên thế giới, đặc biệt là các đảng cộng sản cầm quyền, các đảng cộng sản và các đảng cánh tả, tạo ra cơ sở chính trị quan trọng cho quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới, đồng thời  nỗ lực làm tốt việc chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân, tạo nên nền tảng xã hội hữu nghị rộng lớn cho quan hệ đối ngoại của nước ta cũng như tiếp tục tranh thủ, góp phần vào việc tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới.

 

PV: Với chức năng chủ yếu là tham mưu cho Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng và trực tiếp tổ chức thực hiện các quan hệ đối ngoại của Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương đã làm gì để hoàn thành trọng trách này thưa ông?

Ông Hoàng Bình Quân: Ban Đối ngoại Trung ương đã rất cố gắng làm tốt công việc nắm bắt diễn biến của tình hình thế giới, nắm bắt tình hình của các chính đảng trên thế giới, trên cơ sở đó chủ động tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách đường lối đối ngoại. Cụ thể là tham gia vào xây dựng các văn kiện, nghị quyết chuyên đề, các quyết định, quyết sách đối ngoại, ngoại giao quan trọng của đảng và nhà nước ta; trực tiếp tổ chức các hoạt động đối ngoại đặc biệt là đối ngoại cấp cao, đồng thời đưa quan hệ của đảng ta với các chính đảng đi vào chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đảng trên thế giới. Hiện nay chúng ta có quan hệ với hơn 200 đảng ở 114 quốc gia trên thế giới, có thể nói đây là cơ sở chính trị đối ngoại quan trọng cho mặt trận ngoại giao của nước nhà. Ngoài ra, Ban Đối ngoại được Bộ Chính trị giao là phải làm sao chỉ đạo hướng dẫn thật tốt hoạt động của đối ngoại nhân dân. Chúng ta thấy trong thời gian qua, đối ngoại của Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân diễn ra rất sôi động, tạo nền tảng xã hội hữu nghị rộng rãi, lâu bền, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta tuyên truyền quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam và tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

 

PV: Vậy theo ông, đối ngoại đảng cần phối hợp với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân như thế nào để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta?

 

Ông Hoàng Bình Quân: Đây là 3 nội dung trên mặt trận đối ngoại hay nói cách khác là 3 bộ phận cấu thành nên mặt trận đối ngoại của đảng, nhà nước ta. Đối ngoại Đảng làm cơ cở chính trị, đối ngoại nhân dân xây dựng nền tảng xã hội hữu nghị, còn ngoại giao nhà nước là triển khai cụ thể hợp tác của Việt Nam với các nước trên tất cả các lĩnh vực. Cho nên phải thực hiện tốt sự phối hợp trong nắm tình hình và tham mưu đề xuất; phối hợp trong triển khai các hoạt động đối ngoại lớn; phối hợp trong quản lý các hoạt động đối ngoại; phối hợp trong xử lý các vấn đề về đối ngoại và phối hợp trong việc đào tạo cán bộ đối ngoại.

 

PV: Thưa ông, thời gian tới, công tác đối ngoại của Đảng nói chung và hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương nói riêng sẽ tập trung vào trọng tâm nào để góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản, các đảng cầm quyền và các chính đảng trên thế giới?

Ông Hoàng Bình Quân: Mục tiêu rất quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao là làm sao gìn giữ được môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước; thứ hai là bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng; thứ 3 là tiếp tục tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của thế giới và quốc tế đối với công cuộc đổi mới và cụ thể là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Chúng ta phải nỗ lực đưa quan hệ giữa chúng ta với các đảng cộng sản cầm quyền, các đảng cộng sản và các đảng cánh tả đi vào chiều sâu; đồng thời chủ động, tích cực mở rộng quan hệ với các chính đảng trên thế giới để làm sao chúng ta quan hệ rộng rãi và chủ động với mọi tình huống của thế giới; làm sao phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhuần nhuyễn hơn nữa giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, giảm thiểu bất lợi và tăng cường lợi thế để tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ một cách hiệu quả nhất. Rõ ràng chúng ta thấy tình hình chính trị thế giới phức tạp, chính trị các nước cũng rất phức tạp, vai trò chính trị  ở các đảng cũng thay đổi rất nhanh chóng. Vậy thì chúng ta phải làm tốt công tác nắm bắt tình hình dự  báo tình huống và dự báo chiến lược để làm thế nào đó các biện pháp ngoại giao chúng ta đề xuất, triển khai và thực hiện đáp ứng được mục tiêu về đối ngoại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác