Bồi đắp tri thức để thế hệ trẻ hiểu biết, văn minh sẽ là tương lai của đất nước

(VOV5) - Mấy năm qua, chương trình tủ sách lớp học do thạc sĩ dược học Nguyễn Thị Hương Liên, Phó giám đốc Công ty dược phẩm Sao Thái Dương khởi xướng đã được thực hiện ở hai huyện thuộc tỉnh Nam Định.


Xuất phát từ tình yêu sách và thấu hiểu mong muốn được đọc sách hay, sách đẹp của trẻ em vùng nông thôn, chị Hương Liên cùng với lãnh đạo một số doanh nghiệp và nhà tài trợ lập được hơn một nghìn tủ sách cho các lớp học. Từ một tủ sách ban đầu, đến nay, xây dựng tủ sách lớp học đã được thực hiện ở các huyện, trở thành phong trào chính thức của tỉnh Nam Định. 


Bồi đắp tri thức để thế hệ trẻ hiểu biết, văn minh sẽ là tương lai của đất nước - ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Hương Liên trả lời phỏng vấn tại phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam


Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


Phóng viên: Chị là người làm việc ở lĩnh vực dược học, ý tưởng tạo ra tủ sách học đường đến với chị như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Thực ra suy nghĩ cũng giản dị thôi. Mình xuất thân là con nhà nghèo ở nông thôn, đã có những năm tháng rất vất vả khi học tập ở quê, sau đó ra thành phố. Mình nhìn thấy sự chênh lệch giữa trẻ em thành phố và trẻ em nông thôn. Ở thành phố thì cơ hội tiếp cận với sách rất lớn, bố mẹ cũng quan tâm hơn đến trẻ em và việc các thư viện ở thành phố thì cơ hội tiếp cận sách dễ dàng. Trong khi đó, bản thân mình trước đây ở nông thôn rất đói khát sách. Khi mình còn bé thì đã đọc bất cứ thứ gì đến tay, kể cả giấy gói bánh hay gói xôi. Đến khi trưởng thành thì thấy rằng những gì mang lại kiến thức cho mình thì không phải chỉ là trường học, thầy cô, mà rất là nhiều từ sách. Sách tạo ra sự trưởng thành, phát triển về chuyên môn, nghề nghiệp cũng như giao tiếp xã hội, tạo dựng cho mình sự tự tin trong cuộc sống. Sự thành đạt của mình mặc dù cũng nhỏ thôi, nhưng phần lớn là có sự đóng góp từ sách. 

Khi về thăm quê, mình thấy, đến bây giờ, Nam Định không phải là một tỉnh nghèo nữa, nhưng sách vẫn chưa đến được các gia đình. Ở trường học thực sự chỉ có sách giáo khoa, không có nhiều sách về xã hội, về nhân văn, văn hóa hoặc khoa học… Những sách ngoài trường học thì rất thiếu. Chính vì suy nghĩ ấy mình thử làm, thử tặng sách cho một số trường sau đó quay lại kiển tra xem niềm yêu thích sách của trẻ như thế nào. Thực sự, không phải như mọi người nói, là văn hóa sách bây giờ chết rồi. Ở thành phố có Internet, hay là nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác, nên văn hóa đọc bị pha loãng ra. Tuy nhiên, ở nông thôn, các phương tiện đó chưa phải phổ biến. Lần đầu tiên tôi mang sách về thì các cháu cũng khá là dè dặt, nhưng những lần sau, mình chỉ cần chở ô tô sách về là các bạn nhỏ tự ra mang sách vào và đọc ngay trên đường đi từ sân trường vào lớp học. Mình đã quyết tâm làm tủ sách học đường. 

Đầu tiên cũng có ít tiền thôi, vì kinh doanh cũng tiết kiệm được số tiền nhất định. Lúc đầu mình tập trung làm ở các trường năng khiếu, vì mình nghĩ rằng, mỗi huyện chỉ có một trường và ở đó tập hợp các em học sinh xuất sắc và có ký túc xá, các em có nhiều thời gian để đọc sách. Hai thư viện đầu tiên được lập ra tại hai trường năng khiếu ở huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Rất là vui vì sau khi nói chuyện với nhà trường, trường đã tạo điều kiện cho mượn một phòng học để những giá sách, rồi mua sách, kêu gọi bạn bè đóng góp sách cũ đã đọc rồi, sau đó gửi về cho các cháu. 

Sau đó thì chính các cựu học sinh về hội trường cũng góp tiền ra mua sách hay hơn để tặng. Năm đầu tiên, khi xây dựng một thư viện như thế mất khoảng 150 triệu. Trong đó, 120 triệu làm giá sách và mua sách ban đầu. Đến bây giờ thì số lượng sách đã tăng khoảng từ 3000 -5000 cuốn mỗi thư viện. 

Phóng viên: Cho đến thời điểm này thì số lượng tủ sách mà chị và các đồng sự đã thực hiện được đến đâu rồi?

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Vâng, sau khi thực hiện thư viện ở trường năng khiếu thì vẫn thấy có hạn chế, vì thời gian các cháu vào thư viện chưa nhiều và không phù hợp với các trường ở xã vì kỹ năng đọc của các cháu kém hơn ở các trường năng khiếu. Rất là may là lúc đó tôi gặp anh Nguyễn Quang Thạch (Người xây dựng mô hình “Sách hóa nông thôn”, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 –PV) thì anh ấy có ý tưởng là đưa sách về từng lớp học, xây dựng tủ sách cho từng lớp học. 

Sau khi suy nghĩ là mình có cải tiến thêm, không xây dựng tủ sách cho từng lớp riêng lẻ, mà mình xây dựng thành một hệ thống. Ví dụ, một trường có 20 lớp, thì mình sẽ mua khoảng 1000 đầu sách khác nhau, sau đó chia đều cho các lớp và cứ 1 tháng 1 lần các lớp luân chuyển tủ sách cho nhau. Và như thế, thì tủ sách linh hoạt, mỗi lớp không chỉ có cơ hội đọc 50 đầu sách, mà phải là 1000 đầu sách cho toàn trường. Mô hình này giống như thư viện, nhưng các giá sách được chia về các lớp. 

Đến thời điểm này thì ở huyện Hải Hậu, sau hai năm đã thực hiện được khoảng gần 700 tủ sách ở các lớp học với khoảng 40 000 đầu sách, kinh phí thực hiện là khoảng 1,3 tỉ đồng. Ở huyện Nghĩa Hưng, mới thực hiện được một năm, cũng đã hoàn thành khoảng 250 tủ sách, tương đương với kinh phí khoảng gần 500 triệu đồng. 

Hiện nay, ở Nam Định, không chỉ ở các huyện Hải Hậu hay Nghĩa Hưng, mà các huyện như Nam Trực, Lý Nhân, Vụ Bản, Xuân Trường… đã bắt đầu có các nhà tài trợ thực hiện tủ sách học đường cho các trường. 

Làm được việc này có sự thúc đẩy rất lớn từ phía Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định. Anh Bạch Ngọc Chiến (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định – PV) ngày 26/4/2016 đã phát động chương trình kêu gọi xây dựng 12 000 tủ sách lớp học cho toàn tỉnh Nam Định. 

Phóng viên: Làm công tác kinh doanh dược phẩm tôi thấy chị rất bận rộn vì vừa nghĩ cách chế ra thuốc, vừa tìm kiếm thị trường. Nhưng chị cũng dành nhiều thời gian để phát triển sách học đường? 

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Thêm việc thì vất vả thêm thôi anh ạ. Mình phải cố gắng thu xếp việc làm sao cho ăn ý với nhau. Làm ngoài giờ hoặc tranh thủ Thứ Bảy, Chủ Nhật, thay vì về quê chỉ đi chơi, thì mình kết hợp làm tủ sách. Cũng rất vui vì trong nhóm bạn bè ở Câu lạc bộ doanh nhân Hải Hậu ở Hà Nội rất hưởng ứng, và mỗi người giúp một tay. Còn bản thân tôi không lo hết được mọi chuyện. Mình thấy là vất vả nhất là thời gian chọn lựa danh mục sách, và việc đó, có những người rất nhiệt tình dành thời gian đi đến các Nhà xuất bản chọn danh mục, lựa chọn từng cuốn sách, lọc các nội dung làm sao cho vừa hấp dẫn, lại đạt được tiêu chí của chương trình như phải có tính giáo dục, xây dựng cơ cấu sách đủ cả lịch sử, văn hóa, giao tiếp, khoa học, xã hội… Công đó là của những người thầm lặng thực hiện. Tiếp đó phải kể đến các nhà tài trợ. Ví dụ như doanh nhân Đinh Quang Chiến (Thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Hải Hậu ở Hà Nội – PV) thông báo là với tủ sách của Hải Hậu, anh ấy đóng góp một nửa vốn đối ứng. Đây là nguồn lực rất lớn mà các anh chị đã đóng góp để chương trình thành công.

Phóng viên: Từ kinh nghiệm triển khai tủ sách lớp học, theo chị, cần những yếu tố gì để chương trình đạt được thành công như hiện nay? 

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Tôi nghĩ, trước tiên là phải yêu thích đọc sách, bởi nếu yêu sách thì sẽ hiểu được rằng điều gì hấp dẫn trẻ em đọc sách. Sau đó thì sẽ nghĩ ra thôi… (cười).

Tiền bạc thì các anh chị doanh nhân có rất nhiều chương trình đẻ tài trợ như xây nhà tình nghĩa, hay làm đường, làm trường… Chương trình sách thì không phải rất nhiều tiền, nhưng lại mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội. Và khi các anh chị quan tâm đến sách, thì quyên góp, trài trợ đóng góp rất dễ.

Phóng viên: Theo chị thì chính quyền địa phương có vai trò như thế nào khi thực hiện chương trình này?

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Vai trò của các cấp lãnh đạo như là Ủy ban nhân dân các cấp và ngành giáo dục, các thầy cô hiệu trưởng của các trường là đặc biệt quan trọng vì sách có về đến nơi rồi, thì cũng cần sự nỗ lực của các thầy cô để sách thực sự sống, trẻ em được đọc sách và có những chương trình khuyến đọc phù hợp. Ví dụ như Trường THPT xã Hải Phương (Huyện Hải Hậu- pv) tổ chức buổi Thứ Hai đầu tuần cho các bạn học sinh lên giới thiệu sách. Mỗi tuần một bạn sẽ đại diện cho lớp của mình lên giới thiệu một cuốn sách hay mà mình đã đọc. Các bạn ấy tự tập luyện thuyết trình trong lớp ở những giờ sinh hoạt để đầu tuần giới thiệu sách mới trước toàn trường. Điều đó tạo sự hứng khởi, ngoài việc thích đọc sách, có được kiến thức từ sách mà còn rèn luyện được cả kỹ năng nói trước công chúng, một kỹ năng mà học sinh Việt Nam, đặc biệt là học sinh nông thôn rất yếu. Điều này tạo ra sân chơi rất tốt và điều đấy thì không ai, ngoài các thầy cô trong trường và thầy hiệu trưởng có thể thực hiện được. Có một số trường mà thầy hiệu trưởng không thật sự quan tâm đến văn hóa đọc thì sách cũng chỉ phát huy ở mức độ nào đó. Tôi nhận thấy là ở huyện Nghĩa Hưng, ngay từ đầu, Chủ tịch, Bí thư huyện và lãnh đạo cấp xã, hiệu trưởng các trường tự đứng lên kêu gọi các cựu học sinh đóng góp để xây dựng tủ sách cho trường thì thành công rất là nhanh. Khi họ kêu gọi và thực hiện vất vả thì việc vận hành các tủ sách, bảo quản và hướng dẫn cho học sinh đọc sách thành công hơn rất nhiều. Cùng một cuốn sách đó, nhưng cơ hội đọc không chỉ trao cho một học sinh, một lớp và trao cho hàng nghìn học sinh ở một trường và nó phải có độ bền khoảng 5 năm thì cuốn sách mang lại cơ hội cho nhiều người đọc. Điều này có ý nghĩa rất lớn và rất tiết kiệm. 

Phóng viên: Điều chị hài lòng ở chương trình sách học đường là gì?

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Điều thành công nhất của chương trình đấy chính là từ các thầy cô và học sinh phản ánh lại. Với học sinh, tự các em viết được các bài văn từ cảm xúc chân thành của các bạn ấy và các bạn ấy đã thay đổi như thế nào trong suy nghĩ sau khi đọc những cuốn sách do chương trình mang đến. Ví dụ, có em học sinh viết một bài rất xúc động. Trước đây em ấy không tham gia vào công việc gia đình, nhưng mà khi đọc sách xong, em ấy mới nhận ra rằng điều đó không đúng trong cuộc sống. Là học sinh nam, em ấy đã biết nhặt rau, nấu cơm và chăm sóc gia đình khi bị ốm. Có học sinh lớp 1, lớp 2 viết những lá thư còn rất ngệch ngoạc cảm ơn những cuốn sách đã mang lại cơ hội để biết về đáy đại dương như thế nào, các loại động thực vật ra sao…Còn các thầy cô giáo dạy văn nói rằng, học sinh viết văn hay hẳn vì các em hấp thụ được các cụm từ, hay cách hành văn hay từ các truyện cổ, sách văn học… Ở một số trường, các thầy cô còn lập những câu lạc bộ khoa học, từ bộ sách “Tập làm nhà phát minh” của nhà sách Long Minh, thì các bạn làm những mô hình tàu thủy, máy bay, tên lửa... Điều đó cho thấy, các em không chỉ tiếp nhận được kiến thức từ sách, mà còn biết vận dụng nó để làm cho cuộc sống tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tôi hy vọng rằng, sau này khi các em trưởng thành, thì nền tảng tri thức văn hóa, nhân văn, cách suy nghĩ về cuộc sống và cách giúp đỡ người khác cũng được thể hiện tốt hơn. Hy vọng thế hệ mới văn minh sẽ là tương lai của đất nước.

Về chương trình tủ sách lớp học sắp tới. Điều quan trọng nhất hiện nay là nguồn tài trợ. Chương trình tủ sách ở Nam Định còn cần rất nhiều tiền. Nam Định có 12 000 lớp học. Hiện nay 89 đến 90% số lớp học chưa có sách. Điều đó đòi hỏi sự đóng góp nguồn lực xã hội lớn từ các anh chị đã thành đạt trong cuộc sống, kể cả trong nước hay nước ngoài. Chương trình hy vọng rằng, với thành công bước đầu như thế này, mong các nhà tài trợ, các nhà văn hóa quan tâm hơn đến việc phát triển văn hóa và tri thức cho quê hương, giúp đỡ cho học sinh không chỉ Nam Định nói riêng, mà các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, làm sao để nâng tầm văn hóa và tri thức cho học sinh, thế hệ tương lai của đất nước sau này.

Phóng viên: Cảm ơn chị Hương Liên về những chia sẻ vừa rồi. Theo tôi nghĩ mô hình tủ sách lớp học luân phiên ở các trường thực sự là phương thức đặc biệt hiệu quả để đưa sách nói riêng và tri thức đến học sinh. Gắn mô hình này với các câu lạc bộ khoa học hay giới thiệu sách, bài văn, việc tốt, người tốt... hàng tuần ở các trường là cách hữu hiệu nhất để đưa tri thức từ sách vở vào cuộc sống. Chúc chị có sức khỏe, thành công để tiếp tục thực hiện chương trình sách học đường mà chị và các đồng sự đang triển khai.

Chị Nguyễn Thị Hương Liên: Vâng, cảm ơn Đài TNVN đã cho tôi cơ hội để chia sẻ  về những công việc và những điều trăn trở, những mong muốn của mình trong một buổi gặp gỡ rất ý nghĩa hôm nay.

Phản hồi

Các tin/bài khác