Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài kết nối thông tin về đất nước với kiều bào xa quê

(VOV5) - Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang trở thành cầu nối giữa bà con kiều bào với trong nước. Hội làm công tác cung cấp thông tin cho bà con về tình hình của đất nước đồng thời tiếp nhận những thông tin đề đạt của bà con kiều bào để gửi lên cấp trên. Hội cũng có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN về tình hình cộng đồng người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài và những hoạt động của Hội trong thời gian vừa qua.


Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài kết nối thông tin về đất nước với kiều bào xa quê - ảnh 1
Ông Nguyễn Phú Bình


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Phóng viên: Thưa ông, ông là người có nhiều năm gắn bó với kiều bào. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nay là Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về tình hình cộng đồng cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Phú Bình: Tôi thấy rằng cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài phát triển rất mạnh mẽ về số lượng và cũng có nhiều nét đa dạng và phức tạp. Bởi vì bà con ta ra đi trong những hoàn cảnh khác nhau với những động cơ khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nét chung nhất của cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài người nào cũng thế đều gắn bó với quê hương, đất nước. Trong những năm qua, thế giới luôn luôn có biến động. Trong năm qua, có những nơi tình hình phát triển rất phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và đặt bà con ta ở tình thế rất khó khăn. Ví dụ như bà con ta ở Ukraine hay như ở Châu Phi bà con đang phải đương đầu với dịch ebola. Hoặc hiện nay ở Nga, do giá dầu giảm, đồng Rúp bị mất giá nên đời sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhìn chung, trên rất nhiều địa bàn, việc tranh thủ được những điều kiện thuận lợi ở những nơi thuận lợi thì bà con vẫn phấn đấu vươn lên và càng ngày càng gắn bó với đồng bào trong nước.

Phóng viên: Hoạt động của Hội người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian vừa qua hướng đến những mục tiêu gì thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Bình: Ngay cái tên của Hội đã nói lên là Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài. Liên lạc không có nghĩa là chỉ giao lưu với nhau mà còn nắm bắt được nguyện vọng của bà con ta ở nước ngoài; cung cấp thông tin cho bà con; lắng nghe, tiếp nhận thông tin của bà con. Trong khuôn khổ là thành viên của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Chúng tôi cũng tập trung đến việc kết nối với những tổ chức cụ thể để hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài. Ví dụ, chúng tôi cùng với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam giúp cho mạng lưới cựu lưu học sinh Việt Nam tại các nước để tổ chức một sự kiện giao lưu giữa những người từng học ở nước ngoài; giúp cho lưu học sinh hiểu được tình hình đất nước nhất là về kinh tế - xã hội. Chúng tôi cố gắng sẽ tổ chức sự kiện này hàng năm. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ những doanh nghiệp ở Ukraine hoặc Cộng hòa Séc, những nơi họ muốn hợp tác với Việt Nam thì họ sẽ thông qua những hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước sở tại thì chúng tôi cũng sẽ cùng kết nối với trong nước đặc biệt là vấn đề khoa học – công nghệ.

Một mảng khác khá là quan trọng. Đó là năm vừa qua có Đại hội lần thứ 8 Mặt trận tổ quốc Việt Nam, chúng tôi phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tranh thủ đại sứ quán ta tại các nước giới thiệu những nhân vật tiêu biểu, có tấm lòng với đất nước tham gia vào Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam với tư cách là ủy viên.

Một hoạt động cũng rất cần thiết là giúp tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý. Chúng tôi tư vấn miễn phí bảo vệ quyền lợi cho bà con ta. Những hoạt động đó hết sức là phong phú.

Phóng viên: Thưa ông, tiềm năng của người Việt Nam rất đa dạng. Theo ông, chúng ta cần có những biện pháp gì để thu hút chất xám và nguồn lực của kiều bào về xây dựng quê hương?

Ông Nguyễn Phú Bình: Tôi nghĩ tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn. Có lẽ, tiềm năng lớn nhất được thể hiện đó là tri thức. Theo ước đoán, có 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài là nhà tri thức, nhà khoa học. Trên thực tế, mỗi năm, Việt Nam mới tranh thủ được 300 lượt người mỗi năm. Chúng ta có hàng trăm ngàn người ở trong nước ra nước ngoài học tập. Chúng ta chưa thực sự quan tâm tới đội ngũ này. Bây giờ phải có một nơi nào đó để thu hút lực lượng này. Vừa qua, chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho các hội cựu lưu học sinh ở các nước tổ chức hoạt động để tạo một diễn đàn cho các bạn đến để các bạn tìm hiểu thông tin về đất nước, những nơi nào đất nước đang cần, đang thiếu, hoặc những lĩnh vực trong nước có thể phát triển được thì họ sẽ đi theo những hướng đó. Tôi thấy, có rất nhiều vấn đề đất nước đang trăn trở. Ví dụ vừa qua, về giáo dục, thi cử như thế nào, sách giáo khoa ra làm sao? Vấn đề này rất nhiều nước giải quyết tốt rồi. Mình chỉ cần tập hợp những ý kiến đó. Bên ngoài người ta cung cấp cho mình thông tin, kinh nghiệm các nước đã làm như thế nào. Chúng ta lựa chọn cho mình cách nào tốt nhất đối với hoàn cảnh Việt Nam. Những vấn đề như vậy, bà con người Việt ở nước ngoài biết rất nhiều. Mỗi một lĩnh vực biết tranh thủ thì mình sẽ tìm ra được lời giải đáp cho những vấn đề mà hiện nay Việt Nam đang vướng phải. Kinh nghiệm của những nước đã phát triển rất quan trọng cho một nước đang phát triển. Nguồn lực ấy không đo đếm được cụ thể.

Phóng viên: Bước vào năm mới 2015, ông có điều gì nhắn gửi tới bà con người Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Phú Bình: Vào năm mới, chúng tôi mong rằng với sự đi lên của đất nước rất mong bà con ta ở nước ngoài chung tay cùng bà con trong nước thực hiện mong muốn của tất cả công dân Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đấy là nguyện vọng chung của tất cả chúng ta. Bà con đóng góp vào đó thì bà con cũng có lợi ích ở trong đó. Chúng tôi có lời chúc tới bà con một năm mới chúng ta sẽ vượt qua những thử thách ở những nơi rất khốc liệt. Chúng ta không những tồn tại được mà còn phát triển, gắn bó với đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác