Người Việt Nam nên được một lần ra Trường Sa để cảm nhận biển trời Tổ quốc

(VOV5) - Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ viết những tài liệu mang tính chất chân thực nhất về thời gian chúng tôi được trải nghiệm trên đảo, về những nơi nào chúng tôi đã đi qua.


TS Lã Đức Trung, Viện phó Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Ba Lan trong lần đầu tiên ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã nhiều lần rơi nước mắt tại các đảo như Phan Vinh, Cô Lin, Trường Sa… Phóng viên VOV5 phỏng vấn TS Lã Đức Trung về chuyến đi mang nhiều kỷ niệm này.

Người Việt Nam nên được một lần ra Trường Sa để cảm nhận biển trời Tổ quốc - ảnh 1
TS Lã Đức Trung tại đảo Phan Vinh


 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



 

Phóng viên: Trong chuyến hải trình thăm Trường Sa, đoàn kiều bào có lên thăm đảo Phan Vinh. Trước khi đến đây, chắc ông cũng có thông tin về người thuyền trưởng Phan Vinh này?

Trong chuyến đi thăm Trường Sa, chúng tôi được đặt chân lên đảo Phan Vinh. Phan Vinh là tên một anh hùng lực lượng vũ trang của hải quân. Theo tôi được biết, đó là người chỉ huy của một con tàu chở viện trợ từ bắc vào nam để chiến đấu. Trong một trận chiến, tàu đã bị hỏng do sự bắn phá của địch. Anh nói với đồng đội là rời khỏi tàu. Còn anh thì ở lại để cho tàu nổ như vậy sẽ cứu được đồng đội. Đấy là những điều tôi được biết.

Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ viết những tài liệu mang tính chất chân thực nhất về thời gian chúng tôi được trải nghiệm trên đảo, về những nơi nào chúng tôi đã đi qua.

Phóng viên: Ông có nhiều thời gian nghiên cứu tại Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Ba Lan. Sau chuyến đi Trường Sa lần này về, ông có dự định gì trong việc giới thiệu đến bạn bè Việt Nam và Ba Lan về những gì ông trải nghiệm trong suốt 10 ngày đến thăm các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1?

TS Lã Đức Trung: Nhìn các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, họ cho tôi một niềm tin và tôi thấy rất cảm thông. Chúng tôi không thể đóng góp được nhiều với đất nước mình nhưng là những nhà khoa học, chúng tôi sẽ tuyên truyền bằng cách truyền lại cho con em chúng tôi ở nước ngoài hiểu biết hơn về biển đảo quê hương. Đó chính là nghĩa vụ của chúng tôi khi trở lại Ba Lan.

Trước khi ra đảo, tôi khoe với một số bạn bè rằng tôi được ra thăm Trường Sa để tận mắt nhìn thấy những gì mà đài báo đã viết bao nhiêu năm qua. Mấy anh bạn nhà báo nói rằng: vậy thì nếu có thể, hãy đưa tin ngay về cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Khi về đất liền tôi ngồi viết ngay những tin tức về cuộc hành trình này cho các bạn phóng viên ở Ba Lan. Trở về Ba Lan, chúng tôi cũng tổ chức buổi họp, nói chuyện với các bạn bè của tôi. Họ có thể là những sinh viên, những giáo sư mà tôi nhiều năm cùng làm hội thảo về Biển Đông, các nhà báo. Tôi sẽ lấy lại các phóng sự, những tình cảm, cảm nhận của một số kiều bào đi cùng trong chuyến đi để mang tính chất chân thực, khách quan.

Phóng viên: Sau một chuyến đi dài thăm quần đảo Trường Sa, điều gì đã đọng lại trong ông?

TS Lã Đức Trung: Sau mỗi một buổi đi tham quan, trải nghiệm trên các hòn đảo, anh em chúng tôi, những người ở khắp các châu lục, ngồi nói chuyện với nhau. Tất cả đều có chung một cảm xúc. Những cảm xúc đó tôi không nhận được trong đất liền. Mong ước của tôi là làm sao những người Việt Nam ở trong đất liền có sự đùm bọc, giúp đỡ, cảm thông như tình cảm ở trong chuyến hành trình này. Đó là điều thật tuyệt vời. Đó là ước mơ của tôi.

Người Việt Nam nên có một lần được ra đảo để cảm nhận về biển trời của Tổ quốc. Vì tất cả lời lẽ, miêu tả trên sách vở, báo chí, không bao giờ bằng được tận mắt tai nghe.

Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi muốn gửi đến các chiến sĩ, nhân dân, đang làm nhiệm vụ trên đảo một lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, gửi đến gia đình của họ lời cảm ơn đã sinh ra những người con, thay mặt chúng ta giữ gìn biển đảo.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác