Văn hóa an toàn trong lĩnh vực điện hạt nhân

(VOV5) - Nhân Kỷ niệm 30 năm khôi phục và mở rộng Lò phản ứng Đà Lạt, TS. Tô Lệ Hằng, Cựu chuyên viên Viện Bảo vệ & An toàn Hạt nhân Pháp, đã về thăm quê hương và có dịp trò chuyện với phóng viên VOV5 về văn hóa an toàn trong lĩnh vực điện hạt nhân.

 
Văn hóa an toàn trong lĩnh vực điện hạt nhân - ảnh 1
TS Tô Lệ Hằng


Phóng viên: Thưa bà, với một nước đang bắt đầu xây dựng điện hạt nhân như Việt Nam, những khó khăn, thách thức chính mà Việt Nam sẽ gặp phải theo bà là gì?

TS Tô Lệ Hằng: Việt Nam có đủ kiến thức và nghị lực để theo đúng “Văn hóa An toàn”.

Văn hóa An toàn được đề cao và nhấn mạnh trong thế giới điện hạt nhân sau tai nạn Chernobyl năm 1986. Đến 2011, một phần tư thế kỷ sau, tai nạn Fukushima cho ta thấy: ngay tại một nước kỹ nghệ tân tiến và với tinh thần kỷ luật rất cao như Nhật Bản, văn hóa này vẫn chưa được áp dụng hoàn toàn trong việc khai thác các Nhà máy điện hạt nhân. Khi tai nạn lớn xảy đến trong Nhà máy điện hạt nhân thì hậu quả của việc thải phóng xạ ra môi trường có thể rất nguy hại. Tai nạn Chernobyl đã chứng minh sự phức tạp của việc tổ chức bảo đảm An toàn Nhà máy điện hạt nhân: Ngoài trình độ kiến thức của nhân viên khai thác, việc sử dụng và chia sẻ các phản hồi kinh nghiệm giữa các Nhà vận hành là khâu then chốt cho việc bảo vệ an toàn. Chưa kể tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của các Nhà lãnh đạo cũng là điều kiện cơ bản trong Văn hóa An toàn.

Hiện nay theo tin tức tôi được biết, trên lĩnh vực toàn quốc, chưa có một “khâu chính thức nào” đủ uy tín để thực hiện một cách bài bản việc đào tạo nhân viên Nhà máy điện hạt nhân.

Việc khó khăn là cần phải lĩnh hội được các kiến thức cần thiết về ngành công nghệ điện hạt nhân nhưng nếu có phương tiện thì thời hạn để hấp thụ kiến thức khoa học cũng còn ít hơn thời gian để đạt được Văn hóa An toàn trong việc tổ chức toàn bộ ngành điện hạt nhân.

Phóng viên: Vấn đề an toàn Nhà máy điện hạt nhân là một vấn đề mà các nước phát triển điện hạt nhân trên thế giới đều lưu tâm. Ở Pháp, người ta quan tâm đến vấn đề này như thế nào, thưa bà?

TS Tô Lệ Hằng: Tổ chức để bảo đảm an toàn cuả Nhà máy điện hạt nhân ở Pháp tới nay không có kết quả gì báo động quốc tế. Nhưng với phản hồi kinh nghiệm của Fukushima, các Cơ quan về an toàn Nhà máy điện hạt nhân ở Pháp đã được tăng cường trong năm vừa qua, để có khả năng nghiên cứu về các đề tài mới như việc tạo thêm “rào chắn” để chống lại sự tổn thất cùng một lúc nguồn nước tải nhiệt và tất cả các hệ điện.

Phóng viên: Bà có hi vọng gì về sự phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam trong tương lai?

TS Tô Lệ Hằng: Tôi cầu mong sự phát triển của Việt Nam theo được đúng và kịp các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Đây là một bài học kinh nghiệm quan trọng cuả tai nạn Fukushima

Phóng viên: Được biết bà cũng đã dịch cuốn Thuật ngữ công nghệ điện hạt nhân Pháp - Việt - Anh cùng với TS Vũ Hải Long. Bà có thể cho biết rõ hơn về sự ra đời của cuốn Thuật ngữ này?

TS Tô Lệ Hằng: Năm 2004, Việt Nam có dự kiến khởi công xây nhà máy hạt nhân ở Việt Nam. Như vậy,chúng ta cần phải có thuật ngữ Việt để cho nhân viên tất cả các cấp từ chuyên gia đến công nhân dùng trong Nhà máy điện hạt nhân. Do đó, thuật ngữ phải được sẵn sàng khi khởi công lò. Việc dịch cuốn Thuật ngữ đó của chúng tôi là viên đá đầu góp phần xây dựng vào kho từ vựng Việt chuyên ngành điện hạt nhân.

Phóng viên: Vậy qua việc phổ biến cuốn Thuật ngữ này, bà đã rút ra được kinh nghiệm gì?

TS Tô Lệ Hằng: Hiện tại Anh ngữ là tiếng được dùng trong nhiều nước nhất trên thế giới. Vậy chúng ta nên giới hạn Anh ngữ là tiếng được dùng để trao đổi với tất cả các nước trên thế giới, như ngay cả với Nga để các chuyên viên khoa học Việt khỏi tốn nhiều công sức và thời gian để học thêm các sinh ngữ khác.

Phóng viên: Bà có thể cho biết lý do về thăm Lò phản ứng Đà Lạt trong chuyến về Việt Nam lần này?

TS Tô Lệ Hằng: Hồi tháng 2 năm 1981, tôi đã có “duyên” được lên thăm Lò phản ứng Đà Lạt lần đầu và từ đó tôi vẫn giữ liên lạc với Viện Nghiên cứu Hạt nhân. Việc khai thác Lò phản ứng đầu tiên tại Việt Nam được an toàn từ 30 năm nay là một thành tích lớn nên tôi đã đề nghị làm một buổi nói chuyện “So sánh 3 tại nạn lớn nhất về Nhà máy điện hạt nhân” để làm quà mừng nhân viên Lò phản ứng. Trong lúc ngành điện hạt nhân chưa phát triển thì Lò phản ứng Đà Lạt giữ vai trò rất quan trọng, đó là trau dồi kinh nghiệm vận hành tại Việt Nam đồng thời phục vụ người dân về các nhu cầu y tế, nông nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác