Kiều bào – cầu nối hữu nghị trong ngoại giao nhân dân

(VOV5) - Phân hội hữu nghị Việt Nam – Lào – Thái Lan thị xã Sơn Tây Gồm những thành viên là kiều bào đã từng sống ở Lào, Thái Lan. Trong nhiều năm qua có nhiều hoạt động tăng cường tình hữu nghị trong công tác ngoại giao nhân dân. 

Kiều bào – cầu nối hữu nghị trong ngoại giao nhân dân - ảnh 1
Phân Hội hữu nghi Lào Thái Lan thĩ xã Sơn Tây

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong không khí rộn ràng ngày đầu xuân, các cựu kiều bào đã từng sống ở Lào Thái Lan cùng nhau nắm tay hát vang những bài hát tiếng Lào. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà phân hội hữu nghị Việt Nam – Lào – Thái Lan thị xã Sơn Tây tổ chức trong những năm gần đây. Phân hội hiện nay có 163 hội viên, luôn xác định rõ vai trò là cầu nối hữu nghị trong công tác ngoại giao nhân dân.

Ông Phan Văn Bốn, chủ tịch phân hội hữu nghị Việt Nam – Lào – Thái Lan thị xã Sơn Tây chia sẻ: “Hội hữu nghị hiện nay, đất nước ta đã hòa nhập với các nước trên thế giới, cho nên hữu nghị với các nước là quan trọng, và đây là hữu nghị nhân dân, cho nên hữu nghị nhân dân với đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhà nước như kiềng ba chân để tổng hợp sức mạnh cho công tác ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Do đó đối với chi hội hữu nghị Việt Nam – Lào – Thái ở Sơn Tây thành lập cũng là mục đích để làm công tác ngoại giao nhân dân”.

Ông Vương Quỳnh Hữu là một cựu kiều bào đã từng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Udon, Thái Lan. Trở về nước năm 1961, ông Hữu vẫn luôn coi Thái Lan là quê hương thứ hai của mình. Vì lẽ đó, ông Hữu luôn nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động kết nối liên lạc các cựu kiều bào đã hồi hương với nhau cũng như với các kiều bào hiện đang sống xa quê hương. Hiện nay, ông đang giữ chức phó chủ tịch phân hội hữu nghị Lào – Thái Lan thị xã Sơn Tây. “Từ ngày ở Thái Lan đến khi về nước, xác định mình là một người công dân, làm thế nào để tình cảm giữa hai nước, mình phải là một cầu nối, giữa hai nước Việt Nam và Lào, Việt Nam và Thái Lan. Mình biết tiếng Thái Lan, Lào thì đi đến những chỗ tập thể đông người mình sẽ là người phiên dịch và dẫn dắt mối quan hệ của bà con hai nước lại gần nhau, để tình cảm hai bên hiểu nhau hơn, thân mật hơn”.

Điều đặc biệt trên địa bàn thị xã Sơn Tây có hai trường hữu nghị 80 và trường T78 chuyên đào tạo giúp đỡ các sinh viên Lào, học tiếng Việt để thi vào các trường đại học Việt Nam. Với lợi thế là các thành viên đều biết tiếng Lào, Phân hội hữu nghị Việt Nam – Lào – Thái Lan thị xã Sơn Tây hiện nay tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu để các cựu kiều bào giúp đỡ các em sinh viên

“Về hỗ trợ, hội kết hợp với lãnh đạo trường hữu nghi 80 và T78, đưa dần dần về giao lưu về đối ngoại. Các cháu học sinh đưa về ở với các gia đình bà con nông dân. Trường T78 đã đưa tới các bà con nông dân. Năm tới chúng tôi cũng đưa các cháu trường hữu nghị 80 về các gia đình bà con từng khu phố, để tình cảm của bà con Việt kiều và các cháu học sinh Lào, Campuchia như là con cháu trong gia đình, giúp đỡ ở mức độ như thế”.

Theo học tiếng Việt tại trường hữu nghị 80 thị xã Sơn Tây đã 5 tháng, Somhom Tamali nói về những tình cảm nồng ấm mà những người Việt Nam dành cho em: “Khi giao lưu với người bản địa bản xứ rất thân thiện. Có thể nói, các bạn Việt Nam, các thầy cô giáo và người bản địa rất thân thiện và giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Khi học tiếng Việt năm nay là năm đầu, cảm thấy rất hay”.

Không chỉ dừng lại ở con số 163 thành viên quy tụ trong hơn 90 gia đình tại địa bàn, hiện nay phân hội hữu nghị của thị xã Sơn Tây đang mở rộng số lượng thành viên, đặc biệt là thế hệ những người trẻ hơn để tiếp nối các hoạt động của hội. Ông Nguyễn Quý Cơ, phó chủ tịch phân hội bày tỏ: “Hiện nay tôi đang vận động thế hệ thứ hai, là thế hệ con của tôi, thế hệ thứ hai là đẻ năm 1970, 72, 74, 77 cho đến 82, vừa rồi cũng vận động 20 đến 30 cháu tham gia”.

Luôn xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, trong những năm vừa qua phân hội hữu nghị Việt Nam – Lào – Thái Lan thị xã Sơn Tây đã nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác