"Lưỡng quốc giáo sư" Nguyễn Ngọc Thành

(VOV5)- Giáo sư-Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH) Nguyễn Ngọc Thành được báo chí gọi với sự kính trọng là "Lưỡng quốc giáo sư" bởi ông được phong hàm giáo sư ở cả Ba Lan và Việt Nam. Hiện GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại nhiệm sở chính là Đại học Bách khoa Wroclaw, Ba Lan, nhưng ông còn tham gia giảng dạy ở một số trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Ông được biết đến là một nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về ngành Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) nói chung và ngành Trí tuệ nhóm (Collective Intellgence) nói riêng. Ông có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, có tính ứng dụng cao, là tổng biên tập của nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín, là chủ tịch của nhiều hiệp hội, tổ chức cũng như các hội nghị khoa học về công nghệ thông tin - trí tuệ nhân tạo trên thế giới.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Thành, người con của quê hương Quảng Bình (ông sinh ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch), là người thành đạt và đang làm việc ở nước ngoài nhưng ông vẫn luôn đau đáu hướng về Tổ quốc với mong muốn đóng góp được điều gì đó cho đất nước, quê hương.

- Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, là "lưỡng quốc GS" (Ba Lan và Việt Nam), lại tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học danh tiếng ở nhiều nước, ông nghĩ sao về giáo dục Việt Nam hiện nay? có điều gì khác, giống so với quốc tế?

- Tôi đã đọc báo, nói chuyện với nhiều người và tôi có thể nhận thấy chủ yếu là chê bai nền giáo dục nước nhà. Phê phán bao giờ cũng rất dễ, làm được khó hơn nhiều. Việc liên tục cải cách trong hệ thống giáo dục chứng tỏ những người làm giáo dục không vô cảm với những bức xúc của xã hội, họ đang tìm mọi cách để cải thiện nó. Tuy nhiên, hiệu quả của những cải cách đó lại là một việc khác.

Sự khác biệt giữa nền giáo dục Việt Nam và nền giáo dục của các nước phát triển, theo tôi, nằm ở chỗ xác định vị trí của nền giáo dục. Ở các nước phát triển, vị trí và chiến lược phát triển của nền giáo dục gắn liền chặt chẽ với các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, gia đình, và cả tôn giáo nữa.

Để đào tạo một con người cần có sự tương tác của tất cả các lĩnh vực này, chứ không thể chỉ phó mặc cho mỗi ngành giáo dục. Chúng ta không thể đòi hỏi nhà trường phải đào tạo ra những con người hoàn hảo về đạo đức khi trong xã hội, gia đình cái gọi là “văn hóa tham nhũng” vẫn thường trực, khi ngoài đường người lớn vẫn vô tư xả rác, vi phạm luật lệ giao thông và coi thường pháp luật, khi các giá trị văn hóa, tôn giáo ngày càng mai một vì bị chi phối của các giá trị vật chất.

Tôi có cảm giác rằng, với quá trình hội nhập, với sự đi lên về cuộc sống vật chất, không ít người Việt Nam chúng ta đang ngày càng đánh mất các giá trị văn hóa, đạo đức, gia đình của mình, và điều đó gây ra những trở ngại rất lớn cho ngành giáo dục.

Ở Hàn Quốc hay Nhật Bản là những nước mà sự hội nhập với các nước phát triển đã rất sâu rộng, thì họ vẫn giữ được rất nhiều bản sắc riêng của nền văn hóa, của các quan hệ xã hội, của các giá trị đạo đức. Một ví dụ nhỏ mà tôi được chứng kiến, trong các trường đại học, khi gặp giáo viên, các sinh viên bao giờ cũng cúi đầu chào rất lễ phép, điều hiếm gặp ở các trường đại học Việt Nam.

Nói một cách khác, không thể để ngành giáo dục tự bươn chải, tự đổi mới, không thể đổ hết việc đào tạo một con người cho ngành giáo dục. Nếu không có một chiến lược tương tác giữa văn hóa, xã hội, gia đình và tôn giáo, ngành giáo dục không thể hoàn thành được sứ mạng của mình.

Ở hệ thống đại học, có sự khác biệt là Việt Nam có quá nhiều người có chức danh khoa học nhưng lại không làm khoa học, không giảng dạy trong các trường đại học. Hệ quả của sự khác biệt này là sự hạ thấp chất lượng đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học. Việc Việt Nam có số lượng TS, PGS và GS nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng lại rất khiêm tốn về số lượng công trình nghiên cứu đăng ở các tạp chí có uy tín, là một câu hỏi quan trọng cho hệ thống phong học hàm, học vị của nước ta.

GS Nguyễn Ngọc Thành khai mạc Hội nghị Châu Á lần thứ 6 về Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh tại Bangkok (Thái Lan) tháng 4-2014.
GS Nguyễn Ngọc Thành khai mạc Hội nghị Châu Á lần thứ 6 về Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh tại Bangkok (Thái Lan) tháng 4-2014.

- Tốt nghiệp THPT và đầu vào đại học là vấn đề được quan tâm nhiều trong giáo dục ở Việt Nam, hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc tổ chức một hay hai kỳ thi. Theo GS thì sao?

- Theo tôi, quyết định bỏ bớt một kỳ thi là quyết định rất đúng đắn, vì nó giảm cho xã hội một gánh nặng rất lớn. Nhiều nước trên thế giới đã làm được điều này từ rất lâu rồi. Tôi hy vọng Việt Nam cũng sẽ dùng được một kỳ thi để đánh giá đầu ra cho các trường THPT và đầu vào cho các trường đại học. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn rất nhiều tiêu cực trong xã hội như hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi công minh với hai mục đích lớn như vậy không phải là dễ dàng.

- Một số người nói rằng, học sinh Việt Nam giỏi về lý thuyết, hàn lâm nhưng kém về tính ứng dụng, sáng tạo. GS nghĩ gì về điều này? Nếu có, thì đó là do môi trường giáo dục hay tố chất phổ biến?

- Tôi được nghe nói nhiều về điều này, mặc dù chưa được kiểm nghiệm. Nhưng tôi nghĩ đây chắc chắn không phải là do tố chất. Nếu hiện tượng đó là có thật thì tôi cho rằng nguyên nhân của nó là do định hướng của quá trình học tập và áp lực của thi cử. Nếu mục đích của việc học tập chủ yếu là để vượt qua các kỳ thi, mà các kỳ thi lại mang nặng tính lý thuyết, thì tính "hàn lâm" trong trình độ của học sinh cao là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên điều này cũng không thể đổ hết lỗi cho mỗi ngành giáo dục. Nếu xã hội vẫn mang nặng tư tưởng trọng danh vị, bằng cấp hơn trình độ tay nghề cao, nền khoa học và kinh tế vẫn thiếu đầu tư vào phát triển công nghệ cao, thì một nền giáo dục mang nặng tính thi cử là một hệ quả.

- Nhà giáo dục học Uyliam Batơ Dit có câu: "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn". GS có thể bình luận về câu nói này?

- Tôi nghĩ câu này vẫn đúng mặc dù vai trò của người thầy thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy nhiên để khơi dậy ngọn lửa trong tâm hồn học sinh, thì trước hết người thầy phải có ngọn lửa đó. Vậy ngọn lửa đó là gì? Theo tôi có thể hiểu nó tượng trưng cho niềm đam mê khám phá và thay đổi thế giới, là tình yêu với cuộc sống và mong muốn làm cho nó ngày càng đẹp hơn, tiến bộ hơn.

Tôi nghĩ những người thầy khi chọn nghề này, trong họ có ngọn lửa này. Tuy nhiên với thời gian, vì những lo toan “cơm áo gạo tiền”, ngọn lửa có thể tắt. Lúc đó họ trở thành những “cái máy” đi dạy, tức là nhồi nhét kiến thức cho học sinh theo đúng nghĩa của nó. Họ dường như trở thành một nhân vật trung gian chuyển tải kiến thức từ sách giáo khoa đến học sinh. Họ không tạo điều kiện để học sinh có thể đặt câu hỏi: Có thể làm khác đi được không? Có thể làm tốt hơn được không? Liệu quan điểm (lý thuyết) đó có thật sự đúng hay không?

- Sau kỳ chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" (do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức) lần thứ 14 vừa qua, báo chí có nói đến việc 12/13 nhà vô địch sau thời gian du học đã ở lại nước ngoài làm việc mà không về Việt Nam. GS nghĩ gì về điều này? Đó có thể được coi là "chảy máu chất xám"?

- Tôi nghĩ nếu chỉ dựa trên một thống kê nhỏ như vậy thì chưa có thể nói đến hiện tượng "chảy máu chất xám". Tuy nhiên, cần xét đến một vài khía cạnh. Thứ nhất, vì sao các em đó đã không chọn một công ty hay đơn vị khoa học của Việt Nam để làm việc sau khi tốt nghiệp? Thứ hai, sự lựa chọn này (không về nước sau khi tốt nghiệp) có thể nhằm mục đích nâng cao hơn nữa trình độ của mình trước khi quyết định trở về. Tôi tin chắc rằng tất cả những người Việt Nam khi ra nước ngoài học tập đều có hoài bão làm gì đó cho đất nước. Hãy cho họ thời gian và quan trọng hơn, hãy tạo điều kiện cho họ.

Điều thứ nhất (cho họ thời gian) thì rất dễ thực hiện. Điều thứ hai khó hơn. Những người làm chính sách ở Việt Nam dường như vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra cách tối ưu để sử dụng nguồn nhân lực khoa học và kỹ thuật rất dồi dào là người Việt ở nước ngoài được đào tạo cơ bản, có tay nghề cao và mong muốn làm gì đó cho đất nước. Nhiều khẩu hiệu đã được nêu lên, nhưng hiệu quả vẫn chưa đáng kể. Một tin vui, đó là một số các trường đại học, trong khuôn khổ tự chủ của mình, đã làm được việc này một cách có hiệu quả.

- Hướng về quê hương luôn là tình cảm, là trách nhiệm, là khát khao cháy bỏng của nhiều người sống xa quê. GS Trần Thanh Vân (cũng là một người con của Quảng Bình) khi trả lời báo giới đã nói rằng: "Khoa học và quê hương là lẽ sống của đời tôi". Còn với GS thì sao, những việc đã và sẽ làm đối với quê hương Quảng Bình?

- Tôi đã được nghe nhiều về GS Trần Thanh Vân nhưng chưa một lần được gặp. Tôi rất kính trọng ông qua những gì ông và vợ ông đã làm và đang làm cho đất nước. Câu nói của GS Vân mà nhà báo vừa nhắc đến có thể xem như là một đúc kết cho một cuộc đời có bề dày về khoa học và cống hiến như của GS. Tôi chưa có một bề dày như vậy, nên sự đúc kết có lẽ đối với tôi vẫn còn là quá sớm.

Còn tôi đã làm được những gì cho Quảng Bình ư? Sẽ rất không tiện khi mình tự khen mình. Những hoạt động của tôi chủ yếu mang tính học thuật, vì vậy những dự định của tôi cũng chỉ xoay quanh lĩnh vực này.

Những hội thảo khoa học quốc tế mà tôi tổ chức, đặc biệt Hội nghị Châu Á về Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS) được tôi sáng lập để tổ chức hàng năm ở các nước châu Á đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học từ Trường đại học Quảng Bình, tạo điều kiện cho họ một diễn đàn trao đổi khoa học và là nơi công bố các công trình nghiên cứu. Được sự nhất trí của Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quảng Bình, hội nghị ACIIDS lần thứ 10 (năm 2018) sẽ lại được tổ chức tại TP. Đồng Hới.

Cũng tại đây hội nghị ACIIDS lần đầu tiên đã được tổ chức năm 2009. Tôi nhớ đó là một sự kiện khoa học lớn nhất từ trước đến thời điểm đó của Quảng Bình. Đó là lần đầu tiên có một số lượng lớn như vậy các nhà khoa học quốc tế đến hội tụ ở TP. Đồng Hới. Từ đó đến nay, đại học Quảng Bình vẫn đồng hành với tôi trong việc tổ chức các sự kiện của ACIIDS tại Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malysia. Tháng 3 năm 2015 hội nghị sẽ diễn ra ở Bali (Indonesia). Đó là một sự quảng bá rất tốt cho trường đại học duy nhất của tỉnh nhà, và tôi hy vọng, cho cả Quảng Bình nữa.

Một việc nữa tôi muốn nhắc đến, đó là với sự ủng hộ của Bộ Khoa học Công nghệ và sự tài trợ của Trường đại học Nguyễn Tất Thành (tp. HCM), tôi đã thành lập được tạp chí quốc tế đầu tiên cho ngành Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin của Việt Nam do nhà xuất bản Springer (Đức) chịu trách nhiệm xuất bản và phát hành. Tên của Tạp chí là “Vietnam Journal of Computer Science”. Hiện tại tạp chí đã bước sang năm thứ 2 của hoạt động. Trong năm đầu tiên chúng tôi đã xuất bản được 4 số và đã dành được một số chỉ số khoa học. Hội đồng biên tập của tạp chí có gần 50 các nhà khoa học xuất sắc đến từ nhiều quốc gia, trong đó có GS Hoàng Tụy của Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn GS đã dành khoảng thời gian để trao đổi cùng chúng tôi dù rất bận rộn với công tác giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học. Chúc GS tiếp tục đạt nhiều thành tích mới, có nhiều cống hiến cho khoa học nói chung, đặc biệt là đối với Việt Nam và quê hương Quảng Bình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác