Tết xa quê

(VOV5) – Mùa xuân đang về với mỗi gia đình người Việt xa quê và niềm tin cho một năm mới tốt đẹp hơn như ngọn lửa cháy lên trong lòng mỗi người giữa mênh mông tuyết.


Khi lễ Giáng sinh vừa qua đi người ta thấy trên hầu hết các sân bay quốc tế ở châu Âu có rất đông người Việt Nam bay về quê hương đón tết cùng người thân và gia đình. Những năm gần đây do ảnh hưởng của khủng hoàng kinh tế trên toàn thế giới, người Việt đang sống và làm việc ở châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng mỗi khi tết đến, xuân về mọi người như quên đi gánh nặng mưu sinh mà hướng về quê hương với những tình yêu thiêng liêng nhất.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Chỉ cần dạo một vòng trong trung tâm thương mại Sapa Praha, khu thương mại lớn nhất của người Việt ở Séc vào những ngày giáp tết bạn sẽ được hòa mình vào không khí sắm tết của bà con ở đây. Không thiếu thứ gì, từ hộp mứt, giò, chả, bánh chưng đến cơ man các loại hoa quả được chuyển từ trong nước sang, vẫn còn tươi nguyên. Đây là bạch thủ, kia là cành đào đang ủ rất nhiều nụ đến vô vàn những câu thăm hỏi cuối năm của người xa quê đã làm nên một phiên chợ ngày giáp tết như ở trong nước.


Tết xa quê - ảnh 1
Đám cưới của một gia đình người Việt tại Cộng hòa Séc vào dịp giáp Tết.

Cách Praha chừng 30km, anh chị Tuấn Lan ở thành phố Horovice đang vô cùng phấn khích chuẩn bị cho tết này. Sở dĩ như vậy bởi năm nay nhà anh chị có thêm một thành viên mới, cô con dâu người bản xứ. Sinh ra từ quê hương nổi tiếng lụa tơ tằm, làng Vạn Phúc, anh chị sang Séc đã gần 30 năm, quãng thời gian ấy anh chị phải thay nhau về nước đón tết cùng gia đình, mà cũng chỉ được vài lần bởi lẽ công việc kinh doanh còn rất bận. Năm nay tết sẽ trở nên đặc biệt bởi ngoài cô con dâu ra anh chị còn mời thêm ông bà thông gia đến đón tết cùng gia đình.


Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết trước ngày cưới, cô con dâu người Séc  này đã đến chùa làm lễ Hoằng thuận, một thủ tục chưa được nhiều các gia đình Việt đang sống ở trời Âu coi trọng. Nhìn mâm cỗ đang được anh chị chuẩn bị để cô con dâu Tây đặt lên bàn thờ cúng giao thừa, mới thấy mùa xuân đang về, dịu ngọt làm sao!


Dòng họ Dương ở Cộng hòa Séc là một trong những dòng họ có đông người định cư nhất. Ông Dương Đình Tùy, người lớn tuổi nhất đồng thời là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Viêt Nam ở Séc đã có cách tổ chức tết riêng cho dòng họ của mình. Đêm 30, khi các gia đình đã cúng tổ tiên xong, theo giờ ấn định, mọi người phải có mặt đầy đủ tại một nhà hàng để cùng tham gia đón tết. Sau khi thay mặt dòng họ và những người trong nước chúc tết mọi người, ông phát lộc cho các cháu học sinh đạt giải cao trong học tập. Những trường hợp kinh doanh chưa thành công, mọi người trong bữa cơm tất niên cùng bàn bạc giúp cách tháo gỡ, trong trường hợp cần thiết sẽ hỗ trợ vốn để năm tới người đó vượt qua được khó khăn.


Nói chuyện cùng chị Hải, người lấy chồng Séc đã hơn 30 năm nay được biết, chồng và hai đứa con của chị còn ngóng tết về hơn cả chị. Sang đây theo diện đoàn tụ gia đình, cuộc đời người đàn bà này gặp không ít truân chuyên trên hai con đường, sự nghiệp và hạnh phúc. Trải qua nhiều nghề, từ làm thuê cho đến công nhân nhà máy, ở đâu cũng chỉ được vài tháng là họ cho nghỉ việc, lý do, chị quá yếu. Một thân, một mình cùng với mấy người bạn cùng hoàn cảnh, họ nương tựa vào nhau và mỗi khi tết về lại nằm ôm nhau, cùng khóc. Một lần đi làm thuê gom rau trên đồng, chị gặp anh, người lái máy công nông. Nhìn người phụ nữ dáng nhỏ bé bê những hộp đựng rau lặc lè quẳng lên chiếc rơ móc, lòng người đàn ông khựng lại. Đến bên rồi bảo chị nghỉ để anh làm giúp. Chỉ chờ có thế, nước mắt người phụ nữ tưởng đã cạn vì vất vả mưu sinh bỗng trào ra, mặn chát. Rồi họ bén duyên nhau. Hai con người mang hai nền văn hóa khác gặp nhau, mang lại cho nhau hơi ấm của mùa xuân tình nghĩa. Bây giờ, các con đã trưởng thành nhưng anh chị vẫn làm vườn. Mùa nào, rau ấy, những loại rau gì có ở Việt Nam anh chị đều trồng được trong khu vườn gần 2 ngàn mét vuông để cung cấp cho đồng bào đang sống xa tổ quốc ở Châu âu. Cầm trên tay mớ rau mùi chị vừa hái ở vườn thấy ngào ngạt quá tình quê trên đất khách. Chị bảo”ông xã và các con chị ngoài nghiện những món ăn ngày tết như bánh chưng, bánh đa nem, giò chả ra còn nghiện một thứ, ấy là mùi hương ngày tết thắp trên ban thờ, vì thế nên mọi người mới mong tết về là vậy đó”. Thì ra, tinh thần văn hóa của mỗi dân tộc đâu cần to tát mà chỉ là một chút rất nhỏ hương quê cũng đủ sức lay động trái tim mỗi con người.


Bây giờ, ngoài kia tuyết đang rơi. Những bông tuyết trắng nhè nhẹ bay đậu vào khung kính ô tô của bà con từ khắp nơi đổ về sắm tết tan lặng lẽ. Những cành đào, bánh chưng, hộp mứt, nén nhang theo chân người đi sắm tết thật hối hả. Mùa xuân đang về với mỗi gia đình người Việt xa quê và niềm tin cho một năm mới tốt đẹp hơn như ngọn lửa cháy lên trong lòng mỗi người giữa mênh mông tuyết.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác