Dũng cảm trong chiến đấu – Mạnh dạn trong sản xuất

(VOV5) - Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường nổi tiếng ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, vì 15 năm về trước, ông dám mạnh dạn vay mượn cả trăm triệu đồng đầu tư máy móc, nhà xưởng để tạo việc làm cho nhiều con, em cựu chiến binh tại địa phương. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sinh ra và lớn lên bên bến Âu Lâu huyền thoại thuộc thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, ông Nguyễn Hùng Cường thấu hiểu nỗi gian truân của đất nước thời chiến tranh, chia cắt. Năm 1967, ông xung phong ra trận khi tuổi mới mười tám, đôi mươi. Rồi nhiều năm sau đó, ông tham gia chiến đấu khắp chiến trường Nam Bộ như Tây Ninh, Phước Long, Bình Long…

 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông giải ngũ về quê, lập gia đình và lần lượt sinh tới 5 người con. Cuộc sống khó khăn, nhiều đêm ông suy tư tìm cách vượt khó… Cuối cùng, ông thấy các loại rác thải được tái chế sử dụng ở nhiều nơi mà ở quê ông, rác thải lại bỏ không, gây mất vệ sinh, tắc nghẽn cống rãnh. Thế là, ông cố vay mượn được hơn 100 triệu đồng để mở xưởng, đầu tư máy móc tái sơ chế nhựa phế liệu. Ông suy nghĩ:“ Tôi đi lính về thì cuộc sống rất khó khăn. Nhưng lính Cụ Hồ mà, cuộc sống càng khó khăn thì càng phải tìm tòi khắc phục để tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho gia đình. Tận thu, tái chế phế liệu để vừa sạch môi trường, vừa tạo việc làm có thu nhập cho một số con em cựu chiến binh lúc nông nhàn trong khu vực”.

Hiện nay, mỗi ngày, xưởng của ông sơ chế gần 1 tấn nhựa phế liệu thành nhiều  loại sản phẩm cung cấp cho một số công ty ở Hà Nội, thành phố và xuất khẩu sang Trung Quốc... Ông còn đào ao thả cá, nuôi lợn, gà… từ đó có nguồn thu ổn định trên 250 triệu đồng/1 năm. Cuộc sống gia đình khấm khá dần lên, 5 người con của ông đều trưởng thành và có việc làm tại các cơ quan nhà nước.

Dũng cảm trong chiến đấu –  Mạnh dạn trong sản xuất - ảnh 1
Gặp mặt các cựu chiến binh. Ảnh minh họa

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Nguyễn Hùng Cường còn thường xuyên tạo điều kiện cho 10 lao động là con em cựu chiến binh, đồng đội của ông làm việc tại xưởng, với mức thu nhập từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/1 tháng. Chị Phùng Thị Vui, cùng ở thôn Minh Long, làm việc tại xưởng của ông, cho biết: “Trước kia chưa làm việc ở đây thì chỉ làm ruộng nương ở nhà, nhà có 3 người nhưng chỉ hơn sào ruộng nên kinh tế khó khăn lắm. Bác mở xưởng ở đây thì vào đây làm, từ ngày làm việc ở đây kinh tế gia đình cũng đỡ khó khăn, nói chung không giàu nhưng cũng đủ ăn”.

Ngoài việc làm kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường còn luôn đi đầu trong các công việc của thôn bản, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, làm từ thiện. Ông cũng nhiệt tình tham gia các công việc xã hội, được tín nhiệm giữ vị trí là Chi hội phó Cựu chiến binh thôn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người cao tuổi xã… Ông Nguyễn Đức Luận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, đánh giá: “Chúng tôi rất nghi nhận ông Cường tham gia mô hình sản xuất này, tuy không phải là mới nhưng là tiêu biểu tại địa phương. Gia đình ông cũng là nhân tố tiêu biểu trong các khoản vận động đóng góp và tích cực trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

 Với những đóng góp trong chiến đấu, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường được Nhà nước phong tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Ông còn được phong tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Sau này, trong lao động sản xuất, ông nhiều lần được giấy khen, bằng khen của các cấp về mô hình sản xuất kinh doanh giỏi./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác