Giáo sư -Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan cả cuộc đời gắn với ngành thú y

(VOV5) - Gần 40 năm gắn bó với ngành thú y, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên Phó Hiệu trưởng, giảng viên cao cấp trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Với những thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan vinh dự là đại biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 tại Hà Nội. 

Giáo sư -Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan cả cuộc đời gắn với ngành thú y - ảnh 1
GS. TS Nguyễn Thị Kim Lan tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9 vừa qua (Ảnh: giaoduc.net)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan cho biết bà đến với ngành thú y và tham gia công tác giảng dạy một cách tình cờ. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Bắc Ninh, bà học tại trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Một ngôi trường đẹp, các thầy cô tận tâm, cùng bạn bè thân thiết đã giúp bà hòa nhập rất nhanh và lao vào học tập say sưa những môn học yêu thích và  nghề thú y gắn bó với bà từ khi ấy. Đến nay, sau gần 40 năm công tác tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, trí tuệ và lòng say mê nghề nghiệp đã giúp Giáo sư Nguyễn Thị Kim Lan đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp. Bà đã biên soạn 18 cuốn giáo trình, sách chuyên khảo và tham khảo cho đào tạo đại học và sau đại học, nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín, là chủ nhiệm 15 đề tài khoa học đạt loại tốt và xuất sắc. Hầu hết các đề tài này đều được ứng dụng vào công tác phòng, chống dịch dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, góp phần phát triển ngành chăn nuôi của cả nước. 

Chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Lan cho biết: "Tôi nghĩ rằng làm cái gì tôi cũng phải có sự tâm huyết và một niềm đam mê. Khi đã định làm cái gì thì sẽ nỗ lực hết khả năng, sao cho công việc ấy đạt hiệu quả cao nhất. Đấy chính là điều mà tôi đã làm và nhờ có sự nỗ lực như thế mà tôi có thể làm được tốt cả công việc đào tạo và công việc nghiên cứu khoa học".

Trong số 15 đề tài nghiên cứu khoa học Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan làm chủ nhiệm, đề tài mà bà tâm đắc nhất là xác định được loài mao trùng gây bệnh trên đàn gia súc ở các địa phương phía Bắc, xác định được bản đồ dịch tễ của bệnh, định danh các loài côn trùng hút máu truyền bệnh, sản xuất được kháng nguyên tái tổ hợp và chế tạo các bộ KIT chẩn đoán bệnh, từ đó xây dựng và ứng dụng phác đồ điều trị đặc hiệu bệnh tiên mao trùng. Kết quả nghiên cứu này được các chuyên gia và giới chuyên môn đánh giá cao. Trước đây để xác định nguyên nhân gây bệnh trên đàn gia súc, cán bộ thú y phải lấy mẫu, mang về phòng xét nghiệm phân tích nên mất khá nhiều thời gian. Từ khi có bộ KIT chẩn đoán bệnh của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Lan, việc lấy mẫu và xác định nguyên nhân gây bệnh trên đàn gia súc chỉ trong 1 ngày, giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn. Bà Trần Thị Thúy Nga, Trưởng phòng Chẩn đoán xét nghiệm, Chi cục Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Khi sử dụng, KIT này đưa ra kết quả rất chính xác. Chỉ cần một thời gian rất ngắn thôi nhưng số lượng làm được rất lớn. Công tác chẩn đoán phát hiện nhanh bệnh một cách nhanh, chính xác thì đưa ra các can thiệp về phòng chống bệnh được chuẩn xác, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi cũng như mang lại tiện ích về kinh tế, hiệu quả về kinh tế rất lớn".

Với những thành tích đạt được trong công tác giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học, Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 3 năm nay, bà cũng là cá nhân duy nhất được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014. Giáo sư Nguyễn Thị Kim Lan tâm sự ngoài những danh hiệu, phần thưởng của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị thì phần thưởng lớn nhất dành cho bà chính là những kết quả nghiên cứu được thử nghiệm thành công và ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. "Đã là thú y thì các đề tài sẽ mang tính ứng dụng và các đề tài đó phải phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương. Đối với các bác sỹ thú y như chúng tôi thì việc bảo vệ cho đàn vật nuôi của bà con nông dân là điều chúng tôi luôn luôn mong mỏi sẽ làm được. Vui nhất là kết quả của những nghiên cứu được ứng dụng trong thực tế, từ đó cải thiện đời sống kinh tế và góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con ở các vùng sâu, vùng xa miền núi phía Bắc" - bà Kim Lan chia sẻ.

Năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Lan vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê, miệt mài nghiên cứu khoa học, truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Thỉnh thoảng, bà lại xuống tận các làng bản lấy mẫu xét nghiệm và giúp dân chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Bà mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, nhằm giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Phản hồi

Lý Kiều Trang

Giáo sư ơi! Cho con hỏi là, khi mèo con vừa mới đẻ đã tách mẹ nên cho mèo ăn... Xem thêm

Các tin/bài khác