Lê Trọng Khánh, người đi đầu phong trào nuôi ba ba ở Sơn La

(VOV5) - Ở thị trấn Sông Mã thuộc huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La  có một nông dân luôn đi đầu trong phong trào nuôi ba ba. Đó là anh Lê Trọng Khánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hương Son, Bản Hương Mai, xã Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã. Tự mày mò tìm hiểu, rồi mạnh dạn nuôi thả ngay trong vườn ao nhà mình, trải qua nhiều khó khăn, anh đã thành công khi tìm ra mô hình nuôi ba ba, giúp tạo công ăn việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho nông dân tại địa phương. 

Lê Trọng Khánh, người đi đầu phong trào nuôi ba ba ở Sơn La - ảnh 1
Một hộ gia đình nuôi ba ba ở thị trấn Sông Mã (Ảnh:internet)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Đến thăm trang trại của anh Lê Trọng Khánh đúng vào thời điểm mùa ba ba sinh sản. Như một người nông dân thực thụ, anh Khánh đang tất bật túc trực tại lò ấp trứng ba ba. Anh cho biết: Gia đình sẵn có diện tích mặt nước, lại có chút vốn liếng tích cóp, nên bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2006, chủ yếu là nuôi sinh sản. Lúc đầu mới nuôi ba ba, anh Khánh cũng như các gia đình gặp không ít những khó khăn do chưa có kinh nghiệm; giá cả thì phụ thuộc vào thị trường năm cao năm thấp. Anh  Khánh cho biết: "
Thời kỳ đầu chúng tôi nuôi thì kinh nghiệm chưa có. Vì thế ba ba bị chết rất là nhiều. Sau khi được Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lớp tập huấn và mời thầy giáo  ở khoa thuỷ sản Trường Đại học Nông Nghiệp lên, tôi đã tranh thủ mời thầy sang thăm mô hình.  Sau khi thầy cùng cán bộ nông nghiệp hướng dẫn một số cách chăn nuôi, chúng tôi thay đổi cách chăm sóc, từ đó thiệt hại cũng hạn chế đi rất nhiều”.

Hiện nay, gia đình anh Khánh đã có tổng diện tích nuôi ba ba 4000m2, với 220 cặp ba ba sinh sản, và một số lượng ba ba nuôi thịt. Anh đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng với mô hình nuôi trồng ba ba hết hơn 1 tỷ đồng.  Với sản lượng con giống năm sau cao hơn năm trước, trung bình một cặp ba ba sinh được 25 đến 30 con giống trong một năm. Anh Khánh dự đoán năm nay gia đình anh sẽ đạt hơn 3000 con giống. Những năm trước, khi giá cả còn cao khoảng 2,5 triệu đồng/cặp bố mẹ, 800.000 đ/kg con giống và gần 2 triệu đồng/kg ba ba thịt, thì nguồn thu của gia đình anh khoảng 600 đến 700 triệu một năm. Năm 2013, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận, gia đình anh thu về khoảng 300 triệu đồng. Tính về hiệu quả kinh tế so với các vật nuôi thuỷ sản, cây trồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì nuôi ba ba vẫn thuộc diện có thu nhập cao, tuy nhiên đòi hỏi người nuôi cũng phải có vốn và kỹ thuật nuôi.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Khánh còn phổ biến kinh nghiệm, giúp bà con địa phương phát triển nuôi trồng ba ba cho hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Trước đây, nuôi ba ba ở Sông Mã nhà ai người nấy làm. Năm 2012, với sự hỗ trợ của nhà nước, anh Khánh đã tập hợp 15 hội viên tự nguyện liên kết làm ăn, tự chủ tài chính thành lập Hợp tác xã Hương Son, anh được bầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã.  Anh Khánh cho biết: "
Hợp tác xã được thành lập năm 2012, có 15 hội viên. Hợp tác xã  thành lập nên chủ yếu là đoàn kết, giúp đỡ nhau khâu sản xuất, kỹ thuật và tiêu thụ. Mỗi hội viên đóng góp một số nhất định vào quỹ để thăm hỏi, động viên. Trong quá trình chăm nuôi nếu xã viên có vướng mắc về kỹ thuật thì Hợp tác xã  sẽ họp bàn để có cách tháo gỡ...”.

Năm 2013, Hợp tác xã Hương Son đã có tổng diện tích nuôi thuỷ sản là 5 hecta, trong đó 3 hecta là nuôi ba ba còn lại là các loại thuỷ sản khác. Hợp tác xã thành lập đã giúp cho việc kinh doanh ba ba của các hộ gia đình ổn định, ít tổn thất. Từ khi thành lập Hợp tác xã với đầy đủ tư cách pháp nhân, việc tiêu thụ ba ba cũng thuận tiện hơn trước.Anh Hà Đình Hệ, một hội viên của Hợp tác xã Hương Son chia sẻ: 
“Về Hợp tác xã của Hương Son nói chung là gặp được rất nhiều thuận lợi về đầu ra. Thành công này là nhờ trong chăn nuôi, anh Khanh đã phòng bệnh tật, nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng được anh Khánh đưa vào trong chăn nuôi. Nên sản lượng của Hợp tác xã này đảm bảo chất lượng. Về vai trò của chủ nhiệm Hợp tác xã, anh thực hiện đúng là công việc của người thuyền trưởng dẫn dắt đơn vị mình làm ăn. Không chỉ có vậy, từ khi thành lập Hợp tác xã anh luôn đi đôn đốc, thăm hỏi động viên  xã viên rất tận tình cả trong công việc và trong cuộc sống”.

Trước kia thị trường tiêu thụ ba ba gai chủ yếu là bán sang Trung Quốc, giờ đây sản phẩm của anh Khánh và các xã viên Hợp tác xã Hương Son đã có mặt ở nhiều thị trường các tỉnh, thành phố trong nước. Đời sống và thu nhập của người nông dân qua đó cũng dần ổn định hơn. Kết quả ấy có công của anh Lê Trọng Khánh, một chủ nhiệm Hợp tác xã dám nghĩ, dám làm./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác