Quan trắc viên Đỗ Văn Bằng vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ

(VOV5) - Để có được những thông tin chính xác hàng ngày về tình hình thời tiết đến với người dân, ít ai biết được công việc thầm lặng nhưng đầy vất vả, hiểm nguy của những người làm khí tượng thủy văn. Với 15 năm công tác trong nghề, quan trắc viên Đỗ Văn Bằng, ở Trạm Khí tượng Hải văn DK1/7, thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, luôn cố gắng hoàn thành tốt việc cung cấp số liệu dự báo thời tiết một cách kịp thời, nhất là trước mỗi đợt mưa bão. 


Quan trắc viên Đỗ Văn Bằng vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ - ảnh 1
Quan trắc viên Đỗ Văn Bằng (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)


 Nghe nội dung bài viết tại đây:






Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trường Cán bộ Khí tượng thủy văn Hà Nội, Đỗ Văn Bằng, quê ở Thái Bình, khi ấy 21 tuổi, xung phong nhận công tác tại Trạm Khí tượng hải văn Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tháng 9 năm 2005, anh chuyển về công tác tại Trạm khí tượng hải văn DK 1/7 (còn gọi là nhà giàn Huyền Trân) thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Cuộc sống của những quan trắc viên ở nhà giàn giữa biển khơi thật khó khăn, thiếu thốn. Vào mùa khô, tiêu chuẩn mỗi người 1 tuần chỉ được 10 lít nước ngọt. Nước sau khi tắm xong lại được tận dụng để tưới rau và giặt quần áo. Những người làm việc ở đây thường đùa vui với nhau rằng nước ngọt còn quý hơn máu.


Nhà giàn DK1/7 là khu vực duy nhất đặt trạm Khí tượng hải văn tiêu chuẩn phát báo quốc tế. Một kíp làm việc của quan trắc viên ở đây chỉ có 2 người. Cứ 6 đến 8 tháng lại có người từ đất liền ra thay ca. Hàng ngày, cứ 4 tiếng một lần, Đỗ Văn Bằng và đồng nghiệp lại ra trạm thu thập số liệu rồi chuyển về Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ. Còn khi mưa bão, gió lớn, dù hiểm nguy rình rập, cứ nửa tiếng một lần, các quan trắc viên ở nhà giàn lại thu thập số liệu ngoài trời để kịp thời dự báo cho đất liền. Anh Đỗ Văn Bằng chia sẻ: "Các trang thiết bị để trên trần của giàn nên đều phải lên đó làm, nguy hiểm luôn rình rập. Tôi nhớ cơn bão năm 2013, anh em đã phải rời khỏi dàn, ôm phao thả trôi trong 3 tiếng đợi tàu đến cứu hộ. Nhưng rồi mình cũng không từ bỏ công việc, vẫn yêu nghề, tiếp tục khai thác số liệu".


Hiểm nguy và vất vả là thế nên Đỗ Văn Bằng và những người lính đang bảo vệ chủ quyền biển đảo ở nhà giàn luôn được sự động viên, tiếp thêm nghị lực từ đất liền. Anh Bằng tâm sự: Ngày anh nhận nhiệm vụ mới ra nhà giàn cũng là thời điểm mà anh làm quen với bạn gái cùng quê chưa được bao lâu. Một năm với 8 tháng làm việc ngoài đảo nên tình yêu của  hai người thường thể hiện qua những cánh thư khi có tàu từ trong đất liền ra đảo. Giờ đây khi đã có tổ ấm riêng với vợ và 2 cô con gái nhỏ, nhưng mọi việc trong gia đình, từ chăm sóc cha mẹ già đến nuôi dạy các con, anh đều trông vào vợ. 15 năm công tác ngoài nhà giàn, chỉ có 3 lần anh ăn Tết với người thân và gia đình. Hai lần vợ sinh con, anh cũng không có mặt. Năm 2012, bão đổ bộ vào Thái Bình, khiến căn phòng trọ tập thể chưa đầy 20 mét vuông của vợ chồng anh bị tốc mái, vợ và các con anh đành phải lên trú tạm nhà ngoại. Anh Bằng cho biết nhiều lúc nhớ gia đình, đặc biệt là những dịp lễ Tết, hay sinh nhật các con, tinh thần anh cũng có khi dao động: "Những năm đầu xa gia đình còn bỡ ngỡ, sau này có sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tôi cũng luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và trưởng thành dần. Công tác ở những nơi cực kỳ khó khăn về mọi điều kiện nhưng mình vẫn luôn cố gắng".


Làm việc ở ngoài khơi, hơi nước biển mặn quanh năm, gió mùa đông bắc là gió muối khiến các trang thiết bị đặc dụng của trạm bị xuống cấp, han gỉ. Ngoài giờ làm việc, anh cùng đồng nghiệp thường xuyên bảo dưỡng máy móc để số liệu luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ kịp thời và chính xác nhưng thông tin, thông số về tình hình thời tiết, bảo đảm cho tàu bè, tàu thuyền của ngư dân hoạt động an toàn trên biển. Với sự tận tâm và trách nhiệm  trong công việc, anh vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đơn vị giao. Bên cạnh công việc chuyên môn, Đỗ Văn Bằng còn cùng cán bộ khí tượng tham gia luyện tập các phương án tác chiến cùng bộ đội hải quân, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đỗ Văn Bằng cũng tích cực tham gia các phong trào tập thể, tăng gia trồng rau, câu cá cải thiện đời sống, nhằm tạo sự gắn bó, thân thiết, vượt qua những khó khăn, vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Ông Phạm Xuân Trường, Trưởng trạm Khí tượng hải văn DK 1/7- Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết: "Trạm là đơn vị công tác ngoài biển cũng gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi một ca công tác ngoài biển, Bằng đều hoàn thành nhiệm vụ do Trạm giao. Bằng cũng rất nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp. Trên đảo chỉ có 2 người nên họ luôn san sẻ công việc, thường xuyên báo cáo số liệu về cho chúng tôi khi gió bão và liên tục trao đổi với đất liền để đưa ra hướng xử lý trong mọi tình huống".


15 năm gắn bó với nghề, Đỗ Văn Bằng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Đỗ Văn Bằng đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi  trường ghi nhận thành tích trong công tác chuyên môn và công việc của Đỗ Văn Bằng cũng góp phần cùng những người lính đảo giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác