Trần Thanh Thành " biến" gió thành nguồn điện hữu ích

(VOV5) - Tận dụng sức gió để tạo ra nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Đó là sáng chế  rất hữu ích của anh Trần Thanh Thành 38 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Mặc dù chỉ học lớp 9, Trần Thanh Thành đã chế tạo ra máy phát điện làm bằng sức gió, phù hợp với điều kiện địa phương. 

Trần Thanh Thành
Anh Thành bên chiếc máy phát điện bằng sức gió hình trái bí (Ảnh:tuoitre.vn)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, rất nhiều người biết và mến mộ anh Trần Thanh Thành và quen gọi anh là “Thành phong điện”. Bởi anh hiện là chủ sở hữu một công trình phát điện từ sức gió rất hữu ích. Anh Trần Thanh Thành bắt tay vào sáng chế ra máy phát điện từ năm 2011. Lúc đầu, anh thử nghiệm thành công trên xe đạp: tận dụng vòng quay của bánh xe kéo tua-bin phát ra điện làm sáng bóng đèn xe. Từ đó anh liên tưởng đến nguồn gió dồi dào của vùng biển quê mình rất có khả năng làm ra dòng điện mạnh hơn từ lực quay của những chiếc cánh quạt theo hình thức: cơ năng biến thành điện năng. Anh quyết tâm bằng mọi cách phải làm máy phát điện gió. Công trình được  thực hiện bằng cách tận dụng sắt vụn, nhôm... có sẵn trong gia đình để làm cánh quạt; đuôi lái gió. Riêng tua- bin thì anh mua rẻ từ những chiếc xe đạp điện bị hỏng. Sau những mày mò nghiên cứu, máy phát điện gió của anh cũng hoàn thành. Anh Trần Thanh Thành chia sẻ: "Thời gian trước, có lúc bị cúp điện, mình không có điện sinh hoạt. Có xe đạp, mình chế thử máy phát và thấy nó phát điện, rồi mình dùng sức gió làm lực kéo. Thấy nó có hiệu quả, mình sáng chế máy phát điện gió này". 


Chiếc quạt bốn cánh có đuôi lái, mỗi cánh dài 80cm, bề rộng cánh quạt  khoảng 30cm. Bộ cánh quạt này nối với tuốcbin, bình ắcquy, biến thế đổi điện một chiều thành điện xoay chiều; sau đó nối với bóng đèn điện thắp sáng. Máy "phong điện" anh đặt trên nóc nhà để có đủ gió làm ra điện phục vụ cho việc thắp sáng sinh hoạt gia đình. Riêng ban ngày, anh còn “chạy” cho tủ lạnh. Ở các vùng cận biển như: Bình Thắng, Thạnh Phước, Thới Thuận của huyện Bình Đại; Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre  có gió mạnh nên việc sử dụng máy "phong điện" còn tạo ra nguồn điện lớn hơn nhiều.


Đối với máy phong điện anh làm thử nghiệm ban đầu chi phí khoảng 10 triệu đồng. Lúc đầu, nhiều người trong xóm thấy anh mày mò làm máy phong điện, không tin anh sẽ thành công. Nhưng khi máy phát ra điện, dùng cho thắp sáng, nhiều người  rất ngạc nhiên và khâm phục người thanh niên sáng chí.  Anh Võ Duy Sang, Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Thới, huyện Bình Đại, cho biết: "Tôi thấy anh Trần Thanh Thành nhờ sáng tạo, tìm tòi, học hỏi nghiên cứu, đã sáng chế ra mô hình phong điện. Trong điều kiện hiện nay, mô hình này giúp ích nhiều cho xã hội, bởi đây là nguồn năng lượng sạch. Hướng tới mô hình này nếu có điều kiện thuận lợi, các hộ dân ở vùng hẻo lánh, nơi mà điện quốc gia chưa tới, nếu được sử dụng sẽ rất tốt, rất có ích cho dân".


Trần Thanh Thành
Anh Trần Thanh Thành nhận giấy chứng nhận sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp


Năm 2014, sau thời gian sử dụng trong gia đình, anh Trần Thanh Thành phát hiện ra máy phong điện còn một số hạn chế. Cấu hình của máy bằng 4 cánh quạt có đuôi lái khá rườm rà, kém thẩm mỹ. Đặc biệt khi gió mạnh thì trục quay của máy bị lệch về một phía nên sinh ra nguồn điện không ổn định. Để khắc phục nhược điểm này, anh tiếp tục cải tiến máy phát điện gió của mình. Cụ thể, lần này anh sáng chế loại máy  có 10 cánh quạt hình trái bí. Anh cho biết chi phí đầu tư cho máy phong điện hình trái bí này khoảng 15 triệu đồng nhưng hiệu quả cao.


Hiện có nhiều người dân địa phương và bạn bè “đặt hàng” để được làm máy phát điện gió nhưng anh chưa nhận lời. Anh dự tính xây dựng thương hiệu Việt, có được cơ sở pháp nhân vững chắc, sau đó mới xúc tiến nhân rộng mô hình sáng chế này. Tâm nguyện của người thanh niên vùng biển này là làm thế nào để nhân rộng ra nhiều mô hình dùng sức gió, nguồn tài nguyên vô hạn để tạo ra điện phục vụ cho những vùng khó khăn về điện như các vùng ven biển, các đảo xa... Anh Trần Thanh Thành bày tỏ: "Hướng tới, mình sẽ mở ra công ty hoặc xưởng để mình tiếp tục làm phục vụ cho những hộ chưa có điện như ngoài cồn, ngoài bãi sử dụng. Khó khăn về tài chính thì gặp khó rồi vì mình là nông dân không có tiền nhiều để sản xuất, rất mong có nhà đầu tư  nào tiếp tục với mình trên con đường sản xuất điện cho dân sử dụng".


Hiện nay, phong điện là một trong 30 sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu trong toàn quốc đang được Ngân hàng Thế giới xem xét tài trợ. Với sản phẩm máy phát điện gió  hữu ích, mới đây, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo đã trao kỷ niệm chương và bằng chứng nhận sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo; Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã chứng nhận quyền đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm. Sản phẩm này cũng được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển thương hiệu Việt, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chấp nhận đủ điều kiện để cấp chứng nhận Thương hiệu quốc gia”./.

Phản hồi

Phạm Hồng Vân

Thông tin về hệ thống phát điện gió của anh Thành sáng chế không thấy nói về công suất máy... Xem thêm

nguyễn huy

Tôi đã theo dõi và tìm thông tin của anh Thành từ rất lâu, hy vọng đài có thông tin của... Xem thêm

kim vu

Tuổi thọ của máy bao lâu,vì giá cao. có phân phối ra thị trường không..xin cái địa chỉ

Các tin/bài khác