Viên gạch “lát nền” cho ngành gây mê hồi sức Việt Nam

(VOV5) Là phó giáo sư nữ đầu tiên về chuyên ngành gây mê hồi sức ở Việt Nam, PGS.TS.BS cao cấp Trần Thị Kiệm, nguyên Thư ký Khoa học và đào tạo Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Bạch Mai), vẫn dành thời gian cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của mình, với mong muốn kỹ thuật mask thanh quản đến được với đồng nghiệp ở Trường Sa.

Món quà gửi Trường Sa

Dù chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, nhưng từ khi làm đề tài này, PGS.TS Trần Thị Kiệm muốn được gửi tới các bệnh viện vùng núi biên cương, hải đảo. “Tôi muốn nhờ Báo TNVN gửi tặng 4 cuốn sách “Mask thanh quản Proseal sử dụng trong gây mê phẫu thuật tai - xương chũm” (xuất bản năm 2013) và 3 triệu đồng cho các bác sĩ, bộ đội đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc là: đảo Trường Sa lớn; Kíp quân y bệnh xá đảo Sơn Ca; Các bác sĩ, bộ đội BV Vùng 4 Hải quân và kíp quân y BV 91 - Quân khu I. Đây là cuốn sách viết về kỹ thuật nhằm kiểm soát đường thở trong gây mê hồi sức, nhất là với những bệnh nhân (BN) có yếu tố tiên lượng đặt ống nội khí quản khó. Đây là kỹ thuât đơn giản, rất dễ thực hiện, mình có thể hướng dẫn các bạn ở Trường Sa 1 ngày là có thể thực hiện được. Khi ấy sẽ được nhân rộng cho những người không có kinh nghiệm, không chuyên sâu trong việc cấp cứu BN ngừng thở, nhất là những người lính cảnh sát và ngư dân vùng biển”.


Viên gạch “lát nền” cho ngành gây mê hồi sức Việt Nam - ảnh 1
PGS.TS Trần Thị Kiệm đang hướng dẫn kỹ thuật mask thanh quản cho các bác sĩ BV Hùng Vương (ảnh K.T).


Sinh năm 1958 và lớn lên ở mảnh đất đầy nắng gió của thành phố hoa phượng đỏ, ở độ tuổi đáng lẽ PGS.TS Trần Thị Kiệm được an nhàn sau nhiều năm liên tục cống hiến cho ngành y khoa nhưng có lẽ cũng bởi cái duyên với mảnh đất và con người thành phố cảng khi chị có nhiều năm công tác giảng dạy tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, BV Việt-Tiệp, BV Bạch Mai. Nay chị còn tham gia xây dựng, phát triển và làm Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho BV Đa khoa quốc tế Hải Phòng; mở các lớp đào tạo liên tục và đào tạo sau đại học về gây mê hồi sức của trường Đại học Y dược Hải Phòng.

Trong căn phòng ấm áp tại nhà riêng ở Hà Nội, nói về mối duyên nghề nghiệp của mình, chị xúc động: “Cuối năm học cấp ba, trong một giờ học thể dục với môn chạy quanh sân trường Ngô Quyền (Hải Phòng), khi chạy, cô bạn thân của tôi bị đau chân, sau một tuần thì mất mà không biết nguyên nhân… Nỗi bàng hoàng đó đã khiến tôi ấp ủ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Và mơ ước đó đã thành hiện thực khi mình thừa 3 điểm vào ĐH Y Hà Nội”.

PGS đầu tiên ngành gây mê ở Việt Nam

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa ngoại sản trường Đại học Y Hà Nội (khoá 1975-1981), chị được ở lại phân hiệu 2 ĐH Y Hà Nội. Sau 2 năm học BSCKI ngoại, chị làm giảng viên bộ môn Ngoại, trường ĐH Y dược Hải Phòng và là nữ phẫu thuật viên trong gần 10 năm ở BV Việt - Tiệp (Hải Phòng). Sau đó do yêu cầu của trường; chị chuyển sang học chuyên khoa gây mê ở BV Việt Đức (Hà Nội) liên tục trong 3 năm để tốt nghiệp chuyên khoa cấp I về gây mê hồi sức. Vì say mê với nghề nên không chịu dừng lại ở một bác sĩ đa khoa giỏi, mà chị còn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Chị kể: “Năm 1996 tôi là nghiên cứu về thuốc gây mê bởi trước đó tôi thấy mọi BN toàn dùng thuốc THIOPENTAL, mà khi dùng thuốc này thì lâu tỉnh, gây quên”. Chị khoe: “Năm 1995, tôi thấy một vị bác sĩ người Pháp mang sang Việt Nam một loại thuốc gây mê rất hay( PROPOFOL) mà bấy giờ ở nước mình chưa có. Nhận thấy thuốc này vừa mê nhanh, tỉnh nhanh và điều quan trọng là giữ được trí nhớ rất tốt. Điều đó thôi thúc tôi muốn làm cái gì đó giúp cho ngành gây mê mà ứng dụng được ngay tại BV Mắt T.Ư bởi lúc ấy tôi đang học BSCKII ở đây”.


Viên gạch “lát nền” cho ngành gây mê hồi sức Việt Nam - ảnh 2
Những cuốn sách bác sĩ Kiệm gửi tặng các bệnh viện vùng biên cương hải đảo


Để thuốc gây mê đó ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam là BV Mắt cũng thật lắm gian nan không chỉ khó khăn về kinh phí. “Anh chị em trong gia đình toàn dành dụm gửi tiền cho tôi làm nghiên cứu. Mặc dù mới sinh, nhưng vẫn bế con trên tay đi khắp để nhờ chỗ tá túc chứ nhất định phải để tiền đó làm nghiên cứu thuốc gây mê. Ngày đó mua cái nhà chỉ 6 triệu đồng trong khi tổng số tiền nghiên cứu thuốc gây mê trị giá bằng 2/3 cái nhà đấy”, chị cười.


Trong quá trình giảng dạy ở Trường ĐH Y dược Hải Phòng, năm 2000, chị được sang Pháp để chuẩn bị bài giảng về thuốc gây mê bằng tiếng Pháp do tổ chức các trường đại học Pháp ngữ (AUPELLUREF) tài trợ. Suốt 3 tháng ở đó, chị thấy đồng nghiệp sử dụng Mask thanh quản trong cấp cứu gây mê hồi sức. Thấy hay, chị đã xin một cái về tìm hiểu. Khi về nước, suốt thời gian dài (2002 - 2007), chị bắt tay vào đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng.

Là người luôn tiên phong trong nghiên cứu khoa học và giỏi về chuyên môn, khi BV Bạch Mai thành lập Viện Tim mạch, chị là người đầu tiên được mời về làm gây mê hồi sức cho phẫu thuật tim mở của bệnh viện Bạch Mai. Có lẽ nhờ lòng say mê mới nghiên cứu khoa học mà năm 2013, chị được phong hàm phó giáo sư nữ gây mê hồi sức đầu tiên ở Việt Nam.

Hiểu được vai trò của kiểm soát hô hấp trong gây mê hồi sức là vô cùng quan trọng. Không kiểm soát được đường thở thì bệnh nhân sẽ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề do não thiếu oxy kéo dài. Kỹ thuật gây mê hồi sức ngày càng được quan tâm và ứng dụng nhiều trong quá trình vô cảm cho người bệnh khi can thiệp thủ thuật, phẫu thuật. Khi chưa  có mask thanh quản, ống nội khí quản là một trong những loại ống thở được ứng dụng nhiều nhất để duy trì hô hấp cho BN. Tuy nhiên, khi sử loại ống này cũng có một số khó khăn nhất định như: kỹ thuật thực hiện khó, cần có đèn soi thanh quản và bác sĩ chuyên khoa. Trong và sau khi đặt thông khí quản bằng ống nội khí quản có thể gặp các tai biến như: tổn thương răng  miệng, tổn thương dây thanh âm, sẹo hẹp khí quản… Vì vậy, mask thanh quản ra đời là phương pháp tốt nhất cho những người không đặt được ống nội khí quản, đặc biệt khắc phục được những khó khăn kể trên.

“Mới đầu làm đề tài này, tôi nghĩ chỉ áp dụng ở Hải Phòng thôi vì sợ không có tính khả thi. Nhưng sau khi hướng dẫn và ứng dụng ở các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai… cùng tham gia đề tài với mình thực hiện thành thạo, tôi tiếp tục hướng dẫn cho các BV tuyến tỉnh , các bệnh viện tư nhân và Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội”, PGS.TS Trần Thị Kiệm chia sẻ.

Chị hy vọng, Mask thanh quản không chỉ ứng dụng cho gây mê phẫu thuật tai xương chũm, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật các bệnh tai mũi họng và phổ cập hơn cho các nhân viên cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt trong cấp cứu suy hô hấp cấp, cấp cứu ngừng tuần hoàn và trong gây mê phẫu thuật.

Phản hồi

Các tin/bài khác