Y tá Nguyễn Thị Xuân hết lòng với bệnh nhân

(VOV5) -  Từ người già đến người trẻ, từ bệnh nhân cho đến cán bộ trại phong, ai cũng khâm phục sự cam đảm, tận tụy của người phụ nữ ấy, y tá Nguyễn Thị Xuân.


Suốt gần 30 năm nay, y tá Nguyễn Thị Xuân tình nguyện đến Trại phong Quả Cảm, nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, để làm công việc chăm sóc các bệnh nhân phong. Ngày ngày, bà không ngại khó, không ngại khổ chăm sóc và sống cùng những người bệnh. Bài viết "Y tá Nguyễn Thị Xuân hết lòng với bệnh nhân" giới thiệu tấm gương y tá Nguyễn Thị Xuân, một trong số những người được tuyên dương trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Y tá Nguyễn Thị Xuân hết lòng với bệnh nhân - ảnh 1
Y tá Xuân đang lắp chân giả cho những bệnh nhân phong. Ảnh: cand.com.vn



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Với y tá Nguyễn Thị Xuân, đến chăm sóc cho bệnh nhân ở Trại phong Quả Cảm là một cái duyên của bà với những con người chịu thiệt thòi. Nhớ lại trước đây, khi đọc được cuốn sách có tên “Lạc quan trên miền thượng” viết về những bệnh nhân phong, bà đã không khỏi xúc động và thương cảm khi thấy họ phải chịu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Biết được trên quê hương mình cũng có một trại phong như thế, bà đã không ngại ngần đến Trại phong Quả Cảm để tìm hiểu về cuộc sống của những bệnh nhân phong. Kể từ lúc đó, cuộc sống của bà gắn với các bệnh nhân phong. Bà không ngại tiếp xúc với các vết thương trên người bệnh nhân, tắm giặt, thay rửa cho họ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho họ. Bằng tấm chân tình của mình, cô gái Nguyễn Thị Xuân ngày ấy trở nên thân thiết, gần gũi với người bệnh ở trại phong này. Từ người già đến người trẻ, từ bệnh nhân cho đến cán bộ trại phong, ai cũng khâm phục sự cam đảm, tận tụy của người phụ nữ ấy. Với những tình cảm dành cho bệnh nhân phong, bà đi học lớp đào tạo y tá để có đủ chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc cho người bệnh. Ròng rã gần 30 năm trời, ngày ngày, y tá Nguyễn Thị Xuân lo lắng thuốc men, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các bệnh nhân. Với những người bệnh đang điều trị tại đây, y tá Nguyễn Thị Xuân như người thân trong gia đình. Vừa điều trị cho họ, bà lại vừa lắng nghe bệnh nhân tâm sự, kể chuyện, thường xuyên cùng họ chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Xuân cho biết: "Tôi thấy vui vì tất cả các bệnh nhân phong như cha mẹ của tôi, người thân của tôi. Từ lúc đứng là một y tá, tôi thường nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là "Lương y phải như từ mẫu" và phải thương yêu bệnh nhân như người ruột thịt của mình. Mặc dù có những lúc đêm hôm vất vả nhưng khi làm việc tôi vẫn cảm thấy mình như đang được lo lắng cho người thân của tôi, cho bố mẹ của tôi".


Y tá Nguyễn Thị Xuân hết lòng với bệnh nhân - ảnh 2
Y tá Nguyễn Thị Xuân, người tình nguyện ở lại trại phong cho đến hết đời. Ảnh: cand.com.vn



Bà Nguyễn Thị Xuân còn tham gia khóa học làm chân giả, tay giả cho các bệnh nhân phong. Những ngày đầu chưa quen, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà bà nản chí. Một mình cặm cụi tháo ra lắp vào, chỉnh sửa cho đến khi phù hợp với bệnh nhân, để họ sinh hoạt một cách tốt nhất. Ông Lương Trung Hậu, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, cho biết: "Ở đây có nhiều bệnh nhân bị cụt tứ chi, cuộc sống của họ hầu như là độc thân nên cần phải có người hết sức tận tụy, hết sức có tâm mới làm được công việc này. Nếu chỉ là người bình thường thôi thì không thể làm được những công việc ở đây. Chúng tôi rất tự hào vì có một y tá như cô Nguyễn Thị Xuân".

Về nghỉ chế độ từ năm 2012 nhưng bà Xuân vẫn tình nguyện ở lại trại phong để tiếp tục được phục vụ các bệnh nhân đến suốt đời, bởi bà coi nơi đây như là nhà của mình: "Tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là muốn được ở lại đây để giúp cho các bệnh nhân phong, những người tàn tật. Khi được nghỉ hưu tôi  ũng có những trăn trở vì tôi thương họ lắm. Tôi nghĩ bây giờ mình nghỉ thì không biết ai sẽ thay tôi sửa những cái chân giả cho bệnh nhân, ai là người làm những đôi dép cho những bàn chân bị biến dạng và ai sẽ là người làm những cái thìa, bút, bát cho họ để họ sử dụng?"

Tinh thần hết lòng vì bệnh nhân của bà Nguyễn Thị Xuân có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các y bác sỹ và điều dưỡng tại trại phong cũng như thế hệ các thầy thuốc tương lai, những người đã từng gặp, hoặc được nghe câu chuyện về bà. Bạn Hồ Ngọc Thu, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, từng có dịp tham gia hoạt động thiện nguyện tại Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh một người y tá tậm tâm, tận tình chăm sóc bệnh nhân phong ngày ấy: "Em rất ngưỡng mộ và cảm phục những hành động và việc làm của cô Xuân. Tát cả đều thể hiện được lương tâm, trách nhiệm của cô với người bệnh. Cô như một tấm gương sáng để em luôn nhắc nhở bản thân mình phải học tập và noi theo trên con đường làm một bác sỹ mà em đã chọn. Em cũng tự nhủ mình phải luôn tận tâm, tận tụy với bệnh nhân, sống có tình thương với họ, làm theo lời dạy Lương y như từ mẫu".

Với bà Nguyễn Thị Xuân, được chăm sóc, chia sẻ với những người bệnh thiệt thòi ở viện phong chính là niềm hạnh phúc lớn nhất. Khi nhắc đến những bệnh nhân, những "người thân", của mình, trong ánh mắt bà Nguyễn Thị Xuân luôn ánh lên niềm vui khó tả: “Tuy có vất vả nhưng càng làm tôi càng vui, càng thấy khỏe, càng thấy hạnh phúc. Có những lúc chỉ là đi mắc màn, bắt muỗi hay nấu cháo, nấu chè cho các cụ... tôi cũng cảm thấy vui".

Khi có điều kiện về thời gian, bà Nguyễn Thị Xuân vẫn tự mình đi xe máy đến một số các tỉnh, thành để tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân phong và kết hợp với việc kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo. Từ khi được bà Xuân giúp đỡ, các bệnh nhân phong đã dần vơi bớt những mặc cảm trong cuộc sống, những nỗi đau bệnh tật dường như cũng tan biến mà thay vào đó là những nụ cười hạnh phúc, niềm vui khi được sẻ chia và yêu thương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác